Hotline 24/7
08983-08983

Bà Thu Cúc dễ ‘điên khùng’ ở vườn rau Đạ Nghịt

Bà Thu Cúc nói rằng rất dễ “điên khùng” khi nói tới cây rau hay bất cứ thứ gì đang vấy bẩn. “Vì sao cứ để rau bẩn rồi cả xã hội hoang mang, lo lắng?”.

Bà Phạm Thị Thu Cúc chăm sóc vườn rau thủy canh. Ảnh: Phạm Bình.

Từ sinh cảnh sang sinh kế theo một cách khác với 12.655ha rau và 2.424 ha ứng dụng công nghệ cao, khoan nói tới nguồn thu 450 - 550 triệu đồng/ha (rau)/năm, từ 800 triệu đến 1,2 tỉ đồng/ha (hoa)/năm.

Thậm chí có nhiều mô hình có doanh thu hơn 3 tỉ đồng/ha/năm, chỉ nói tấm lòng và sự theo đuổi ước vọng an toàn - hành động vì nhau - thật khó quên nơi này.

Trụ sở công ty TNHH Rừng hoa Bạch Cúc nằm trên ngọn đồi thuộc tiểu khu 227A, thôn Đạ Nghịt, được nhận biết với tấm bảng nhỏ xíu. Không có vẻ gì ồn ào, nóng bức so câu chuyện ở vườn rau thuỷ canh này.

Bà Thu Cúc nói rằng rất dễ “điên khùng” khi nói tới cây rau hay bất cứ thứ gì đang vấy bẩn. “Vì sao cứ để rau bẩn rồi cả xã hội hoang mang, lo lắng?”.

Bức bối khiến bà nuôi dưỡng ý định trong chín năm nay, xây dựng một vườn rau và kiên nhẫn nói với mọi người “đừng để con cháu phải chết trẻ vì bã độc”.

Từ tháng 5/2015, bà Cúc bắt đầu làm rau thuỷ canh với bộ sưu tập và khả năng cung ứng 18 loại rau mùi đặc trưng nhập từ châu Âu (củ hồi, quế tím, origano, lavender…)

Tất cả trồng theo kiểu “thổ canh” truyền thống: tự ủ phân hữu cơ, dùng nấm Trichoderma và dùng dầu chiết xuất từ cây neem để diệt trừ nấm, côn trùng gây hại.

Với diện tích 1,8ha đất trồng rau, viện Nghiên cứu hạt nhân cấp giấy chứng nhận VietGAP. Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng lấy mẫu phân tích định kỳ tại viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.

Hàng năm, trang trại này cung cấp bền bỉ 180 tấn rau (18 loại) cho hệ thống các Metro, Big C, Vinmart và một số đầu mối khác.

Chọn lựa giống khác biệt là chìa khoá để trang trại Bạch Cúc mở cửa thị trường. Công ty Rijk Zwaan, Hà Lan, giúp bà định vị giữa thế giới rau ngon. Cuối năm 2014, nhà cung cấp giống này giúp bà phương pháp thuỷ canh để nguồn rau sạch nhiều hơn, dễ kiểm soát chất lượng hơn.

Xà lách frisee, romain, lá sồi đỏ lớn lên trên nền thuỷ canh, chất lượng tuyệt hảo. Nhưng để có được rau ngon - lành, buộc bà phải đầu tư nhà lồng, hệ thống nước điều hoà dinh dưỡng, hồi lưu 24/24 giờ từ bồn chứa kết nối với hệ thống máy bơm tự động, làm mát… khoảng 1 tỉ đồng /1.000m2.

Dù hệ thống này có thể nâng tầng suất lên 12 lứa/năm thay vì 3 - 4 lứa/năm như thổ canh, nhưng với 1,8ha việc tái cấu trúc trang trại của bà rơi vào thế “yếu vốn”.

Quê ở Quy Nhơn, học đại học Sư phạm toán, ngày giải phóng chưa tốt nghiệp. Bươn chải với cuộc sống giáo viên cấp 1, cấp 2 khi về Đà Lạt. Từng trải nghiệm thất bại khi làm du lịch, men theo đường dẫn vào thế giới bất động sản, bị sốc và lâm trọng bệnh nhưng mua đi bán lại những mảnh đất có khả năng sinh sôi.

Nhìn sự sống của vạn vật, đam mê gieo trồng lại bật mở, khơi dậy ý tưởng khởi nghiệp từ nông nghiệp, bà Cúc kể về mình như vậy.

Năm 2006, khởi nghiệp từ một gia đình có đôi nhưng chỉ bốn năm sau, sự chọn lựa của bà phải trả giá do bất đồng, còn một nửa. Làm nông nghiệp sạch với những ý tưởng có vẻ liều lĩnh khiến bà chỉ còn một mình là một cái giá quá đắt.

Lúc chỉ một mình mang ước vọng lớn hơn, “chỉ vì không muốn nhìn thấy những thế hệ bị bao vây bởi đủ thứ hàng bẩn”. Có lẽ, những bà con dân tộc Chill làm việc tại xưởng hiểu được. Bà vẫn cho họ gạo, quần áo, cho họ xà bông, chăm sóc họ tới cách ở sạch, siêng năng hơn.

Có người nói “Trong rừng còn nhiều cây lắm! Cô cần là tối con đốn cho cô”. “Trời ơi! Thôi đừng đốn. Lo làm trại, lấy rau về nhà chăn nuôi đi… Tôi chỉ mong họ sống tốt hơn, bớt phá rừng”, bà Cúc nói.

Khoảng 20 người Chill được giúp vốn làm chuồng trại chăn nuôi và được “bao tiêu”… khiến chủ trang trại Bạch Cúc trở thành người bán heo từ hồi nào.

“Bạn bè tôi thích nguồn rau, thịt sạch, nhưng lại e ngại khi họ bắt chước. Tôi muốn khuếch trương, không sợ bắt chước, phổ biến cho nhiều người càng tốt để ai cũng có sản phẩm sạch, ai cũng có thể sống tốt hơn”, bà Cúc giải thích.

Nhiều đoàn tới tham quan, lúc đầu là cán bộ phòng ban đi tiền trạm, sau có thêm chánh phó sở, thậm chí có cả chủ tịch, bí thư…

“Tôi nói tình hình hàng bẩn nhất nước rồi. Nếu các anh hỏi để làm dự án, xin vài ba trăm ha, xin vài ba mươi tỉ… thì đừng tới. Vì tôi chỉ làm, sẵn sàng chia sẻ chứ cứ để phân bón giả, hàng bẩn không rõ nguồn gốc tràn lan, làm lớn mà bao nhiêu việc đó không làm thì đừng tới”, bà kể.

Nghĩa là, hàng Trung Quốc tràn vô Đà Lạt. Mỗi ngày bao nhiêu xe chở hàng vào… hàng không rõ xuất xứ, hàng giả, hàng nhái…

“Năm nay, tôi đã 65 tuổi ta. Để tới thành công quá gian nan. Từng này tuổi tôi thấy người mình bây giờ không còn tấm lòng, có phải vấn đề là tiền, kiếm tiền bằng mọi giá? Học cách làm trước, làm vì tấm lòng thì đồng tiền dù đến sau bền vững hơn nhiều”, bà Cúc cười nói.

Nhác thấy trong phòng khách một quyển sách Đàng sau những nụ cười. Đó là quyển được bà yêu thích. Có lẽ vì những đồng cảm khắc khoải.

Theo Hoàng Lan - Thế giới tiếp thị

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X