Hotline 24/7
08983-08983

Ba giàn cẩu Formosa dạt bờ Quảng Bình: Formosa làm ẩu?

Toàn bộ chi phí hút dầu, khắc phục sự cố 3 giàn cẩu trôi dạt do phía chủ tàu Trung Quốc mà Formosa thuê chi trả.

Giàn cẩu quá cao

Ngày 6/10, nhiều tờ báo dẫn lời Đồn Biên phòng Roòn thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên Phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, sau cơn bão số 4, một chiếc xà lan lớn chở theo 3 giàn cẩu đặt ở cảng Sơn Dương của Formosa (Hà Tĩnh) đã bị sóng đánh dạt vào gần đảo Hòn La (huyện Quảng Trạch, Quảng Bình).

Sau khi phát hiện sự cố trên, Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình đã cử lực lượng đến tiến hành hút dầu, tránh việc dầu tràn xuống biển gây ô nhiễm môi trường.

Chiều 7/10, trao đổi với Đất Việt, ông Phạm Văn Lương, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình đã xác nhận thông tin trên.

Theo ông Lương, sau khi được người dân thông báo về sự xuất hiện của 3 giàn cẩu trong khu vực đảo Hòn La, Sở TN-MT đã nhanh chóng vào cuộc tìm hiểu và đưa ra các giải pháp chỉ đạo.

Bagian cau Formosa dat bo Quang Binh: Formosa lam au?
Toàn bộ chi phí hút dầu, khắc phục sự cố 3 giàn cẩu trôi dạt do phía chủ tàu Trung Quốc mà Formosa thuê chi trả. Ảnh: Dân trí

“Chúng tôi đã có văn bản gửi cho chủ tàu người Trung Quốc mà Formosa thuê và yêu cầu trong quá trình hút dầu không được để rơi vãi, gây ô nhiễm môi trường. Ngày đầu tiên chưa có phương án gì cả. 2 ngày sau thì phía chủ tàu đã thuê người dân địa phương hút sạch dầu.

Rất may nơi giàn cẩu bị đánh dạt vào khu vực đảo La là bãi cạn, không có tàu thuyền qua lại nên chưa ảnh hưởng gì cả. Dầu vẫn nằm trong xà lan chứ chưa trôi dạt ra biển”, ông Lương nói.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Bình cho rằng, do giàn cẩu cao đến 57 m nhưng chỉ có 1 tàu để lai dắt. Vì vậy khi gặp cơn bão với sức gió giật mạnh đã không đủ sức giữ và giàn cẩu bị trôi.

“Trong điều kiện thời tiết bình thường thì chỉ cần 1 tàu có thể lai dắt được chiếc xà lan với 3 giàn cẩu. Tuy nhiên khi bão số 4 xảy ra, gió to quá, ở gần bờ cấp 6, cấp 7, giật cấp 8 nhưng ngoài biển thì giật cấp 9, cấp 10. Vì cẩu cao đến 57 m và gió mạnh nên 1 tàu lai dắt không cố định được. Trong trường hợp này thì phải có 2-3 chiếc mới đảm bảo an toàn được”, ông Lương nhấn mạnh.

Về phương án xử lý, ông Lương cho biết, toàn bộ chi phí hút dầu, khắc phục sự cố do phía chủ tàu Trung Quốc mà Formosa thuê chi trả.

“Ngày 10/10 tới, cảng vụ Quảng Bình sẽ tổ chức cuộc họp với các bên nhằm bàn phương án giải cứu giàn cẩu đó. Việc này cũng không hề đơn giản. Rất may trong sự cố lần này không gặp phải thiệt hại gì”, ông Lương nói thêm.

Neo đậu không tốt

Đánh giá trước sự cố trên, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học xây dựng Hà Nội cho biết đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng giàn cẩu bị trôi sau cơn bão. Việc này có thể do nhiều nguyên nhân, nhưng yếu tố đầu tiên phải nhắc đến đó là do neo đậu không tốt.

“Với xà lan hay giàn cẩu thì việc quan trọng nhất là phải cố định được. Ở đây giàn nổi, cầu nổi và bị trôi sau cơn bão thì đương nhiên việc cố định không tốt nên khiến những thiết bị trên trôi dạt.

Việc cố định cũng không quá khó khăn khi giàn khoan trên biển hay các giàn DK chúng ta từ trước đến nay đều làm rất tốt”, PGS.TS Hùng nói.

Cùng đưa ra quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Đường bộ, trường Đại học GTVT Hà Nội cho rằng, để không bị trôi dạt thì xà lan chở giàn cẩu phải có sức nổi lớn hơn trọng lượng của nó rất nhiều.

“Chắc chắn do neo đậu chưa tốt nên bị trôi. Để xảy ra sự cố này rất nguy hiểm. Thứ nhất các giàn cẩu có thể va vào nhau. Thứ hai, xà lan và cẩu va vào các thiết bị hàng hải di chuyển trên sông, biển. Thứ ba là gây ra các tác động làm tràn dầu, gây ô nhiễm môi trường biển”, PGS.TS Toản phân tích.

Formosa phải đền bù thiệt hại

Về trách nhiệm của Formosa trong việc để trôi dạt các giàn cẩu, PGS.TS Hùng khẳng định phải thật sự nghiêm túc để tránh các tình trạng tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

“Tôi cho rằng phải quy trách nhiệm rõ ràng cho Formosa thì họ mới làm cẩn thận về sau. Sau sự cố này, chúng ta phải kiểm tra, xác minh, làm rõ trách nhiệm và làm rõ thiệt hại để bắt Formosa đòi bồi thường.

Trên thế giới cũng đã xảy ra nhiều sự cố tương tự như thế này. Thậm chí tập đoàn dầu khí BP của Anh đã phải đền bù lên tới 20 tỷ USD sau sự cố tràn dầu tại Vịnh Mexico năm 2010.

Ở Việt Nam lại càng phải nghiêm túc hơn nữa. Tại sao chúng ta lại để Formosa xảy ra liên tiếp hết sự cố này đến sự cố khác?”, PGS.TS Hùng nhấn mạnh.

Trong khi đó, PGS.TS Toản cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần phải xiết chặt công tác quản lý để tránh việc các doanh nghiệp không chấp hành tốt các quy định về đảm bảo an toàn kỹ thuật khi neo đậu trên biển.

“Ở trên mặt đất việc cố định giàn cẩu đã được chú ý hết sức. Vì vậy với các thiết bị cẩu trong điều kiện ở dưới sông, dưới nước thì yêu cầu đảm bảo cố định, neo đậu an toàn phải là vị trí hàng đầu.

Thông qua việc này các cơ quan giám sát nhà nước cũng phải tăng cường công tác quản lý. Ngoài ra Formosa muốn tồn tại thì bản thân họ cũng phải nâng cao quản lý. Chứ nếu cứ để nay xảy ra tình trạng này, mai tình trạng kia thì có thể dẫn đến tình trạng phá sản”, PGS.TS Toản nhấn mạnh.

Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X