Hotline 24/7
08983-08983

Ba cuộc gọi "chấn động" của Trump

Donald Trump đã thách thức các tiêu chuẩn chính trị truyền thống trong chiến dịch tranh cử và giành chiến thắng vang dội. Giờ đây, ông dường như đang áp dụng cùng chiến thuật đó vào đối ngoại.

Tuần qua, Trump đã phá lệ và "gây bão" cả ở trong và ngoài nước khi điện đàm với lãnh đạo đảo Đài Loan Thái Anh Văn, Tổng thống Philippines và Thủ tướng Pakistan.

Ba cuộc gọi 'chấn động' của Trump

Trump chọc giận TQ khi điện đàm trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan. (Ảnh: AP)

Sau cuộc gọi với bà Thái Anh Văn, Donald Trump trở thành Tổng thống đầu tiên hoặc Tổng thống đắc cử đầu tiên của Mỹ trực tiếp điện đàm với lãnh đạo Đài Loan kể từ khi Washington thiết lập quan hệ chính thức với Bắc Kinh năm 1979. Sự kiện này đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao với Trung Quốc, gây sốc và lo ngại cho giới hoạch định chính sách đối ngoại ở Washington.

Ngoài trò chuyện với bà Thái Anh Văn, ông Trump cũng có cuộc điện đàm với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif.

Theo hãng tin CNN, ba cuộc gọi gây ngạc nhiên này dường như ngầm ý rằng chính quyền Trump sẽ có những thay đổi về chủ trương đối ngoại khi tỷ phú bất động sản chính thức đảm nhiệm vị trí Tổng tư lệnh quân đội Mỹ. Nó cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về ảnh hưởng của phong cách Trump, và cả sự thiếu kinh nghiệm đối ngoại của doanh nhân này, đến năng lực quản lý nhà nước ở tầm quốc tế.

Kiểu hành động bất ngờ của Trump trong một chiến dịch tranh cử phi truyền thống đã khiến ông trở thành một mục tiêu mà các đối thủ không thể nắm bắt. Nhưng hành xử khó đoán của ông được đánh giá là không phù hợp với ngoại giao của cường quốc lớn, và thế giới đang hồi hộp theo dõi cách thức tỷ phú Trump thích ứng với vai trò mới.

Những người chỉ trích cho rằng, Tổng thống đắc cử Mỹ và đội ngũ tiếp nhận quyền lực của ông không hề chuẩn bị những gì cần thiết cho một chính sách đối ngoại thành công.

Christopher Hill từng làm trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề Đông Á - Thái Bình Dương dưới thời George W. Bush, và phục vụ các đời Tổng thống thuộc cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ. Nhà ngoại giao kỳ cựu này đánh giá đội ngũ của Trump đã phạm một sai lầm lớn với cuộc gọi giữa ông Trump và lãnh đạo Đài Loan.

"Rõ ràng, đây là một điển hình của những gì cũng sẽ diễn ra thường xuyên với chính quyền sắp tới", ông Hill nói.

Quan hệ Mỹ - Trung thường được coi là mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên chính trường toàn cầu. Hai nước ràng buộc nhau bởi một loạt các kết nối về kinh tế và trao đổi thương mại rộng lớn. Bên cạnh đó, Bắc Kinh lại nắm giữ một tỷ lệ lớn trong núi nợ mà Mỹ đang gồng gánh.

Trong những năm gần đây, vị thế ngày càng quyết đoán của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình đã làm gia tăng căng thẳng an ninh giữa Mỹ cùng các đồng minh với Trung Quốc ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Vì vậy, bất cứ một hành động nào liên quan đến quan hệ Mỹ - Trung đều được theo dõi rất sát.

Những gì diễn ra tuần qua cho thấy, Donald Trump rất nghiêm túc khi cam kết sẽ làm cho chính sách đối ngoại của Mỹ trở nên "khó đoán" hơn.

Trước đó, ông đã làm dấy lên nghi ngờ trong chiến dịch tranh cử về cam kết của Mỹ với NATO, tuyên bố rằng các đồng minh của Mỹ như Hàn Quốc và Nhật Bản nên đóng góp nhiều hơn để được Mỹ bảo vệ, đồng thời phát tín hiệu rằng ông sẽ tìm cách thắt chặt quan hệ với Nga.

Giờ đây, sau cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan, Tổng thống đắc cử Mỹ có thể ngầm ý rằng ông sẽ phá thông lệ mà nước này đã đi theo nhiều thập niên qua.

Theo Thanh Hảo - VietNamNet

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X