Hotline 24/7
08983-08983

Ba câu chuyện đáng suy ngẫm trong mùa thi đại học

Bên cạnh những niềm vui của sĩ tử, gia đình khi thí sinh hoàn thành bài thi thì cũng có không ít câu chuyện phải suy ngẫm.

Từ hôm qua, chủ để xoay quanh về cuộc thi đại học đang trở nên hot trên các diễn đàn hơn bao giờ hết. Bên cạnh những niềm vui thì cũng không ít câu chuyện đã diễn ra trong ngày hôm nay được chia sẻ khiến chúng ta phải suy nghĩ ít nhiều.

Câu chuyện 1: Cha con ôm nhau khóc vì điện thoại kêu ngay sát giờ nộp bài

daihoc4-7219-1435811995.jpg

Trên trang fanpage lớn đã chia sẻ một bức ảnh với tựa đề "Một câu chuyện thi cử tại Đà Nẵng".

"Chứng kiến cảnh hai cha con này trong sân trường mà ứa nước mắt, sĩ tử đi thi môn Anh văn, em làm bài tốt, còn vài phút nữa hết giờ làm bài thì điện thoại trong túi reo lên, em bị vi phạm quy chế thi. Dù khóc van xin thế nào thì Hội đồng cũng không thể xem xét vì đó là quy định.

Em khóc từ trường ra cổng, hai cha con ôm nhau gục dưới sân. 'Ba ơi con xin lỗi ba nhiều lắm, tiền ba dồn hết vô cho con mà con đổ sông...'. Tiếc thay, cuộc gọi đó là do chính ba của em gọi vì đứng ngoài cổng thấy con mình chưa ra nên lo lắng buồn tay bấm số.

Một năm đèn sách giờ đánh đổi bằng phút hờ hững của thí sinh, thầy cô giáo ai cũng tiếc vì đây là kỳ thi quan trọng có cả tốt nghiệp phổ thông nữa, thương đó nhưng cũng trách vì giám thị đã phổ biến quá nhiều lần rồi. Chúc em vượt qua nỗi buồn, rút kinh nghiệm và thi thật tốt vào năm sau".

Ngay sau khi đăng tải chia sẻ đã nhận được hơn 30 nghìn lượt like. Rất nhiều bình luận chia sẻ, cảm thông với thí sinh nhưng cũng không ít người cho rằng không thể bao dung hay tha thứ, bởi rõ ràng ngay từ đầu, giám thị luôn đọc đầy đủ quy chế cũng như nhắc nhở thí sinh không được mang điện thoại di động vào phòng thi.

Nickname D.V.Ha viết: "Đây là một bài học, kinh nghiệm không chỉ cho bạn thí sinh này, mà cho tất cả các sĩ tử khác. Hãy tuân thủ nghiêm chỉnh mọi nội quy khi bước vào phòng thi để không gặp lại tình huống đáng tiếc tương tự".

Câu chuyện 2: Những người đưa con đi thi Đại học

daihoc1-7192-1435811995.jpg

Một vị phụ huynh mệt mỏi nằm chợp mắt ngay giữa đường với chiếc nón bảo hiểm làm gối tựa cùng miếng lót là bao bì xi-măng mỏng manh là hình ảnh khiến không ít người đã phải xúc động.

Facebooker tên Hải Ngọc - đồng thời cũng là người chụp bức hình này chia sẻ: "Hôm nay đưa đứa em đi thi ở trường cấp hai Ba Đình gặp bác này đỗ xe chờ con cạnh xe mình. Ngồi nói chuyện một lúc biết bác nhà có 6 người con. Đứa này bác đưa đi thi là đứa thứ 5.

Ngồi hỏi chuyện thêm lúc nữa thì thấy bác ngồi trầm ngâm tay cầm điếu cày (bác bảo là tự chế mang đi hút cho đỡ thèm) bắn một bi rồi ngẩng cổ thở hơi khói lên, đoạn mắt nhìn đăm đăm về phía dòng người đang đi trên đường... 'Vất vả cháu ạ!' - Nói rồi bác ngả người xuống chiếc bao xi-măng xin của thợ hồ đang thi công trên đường làm một giấc. Có lẽ là do quá mệt mỏi với công việc ở nhà và cuộc sống mưu sinh. Bác chỉ mong cho đứa con mình thành đạt. Nhìn bác ngủ có cảm giác thật bình yên..."

Hình ảnh của người bố đưa con đi thi nhận được nhiều đồng cảm từ người đọc. Bạn Duy Anh bồi hồi nhớ lại: "Năm nào bố chở đi thi, ra phòng thi cái hai bố con tung tăng về nhà. Giờ đã tốt nghiệp nhưng bố mất rồi, tấm bằng cũng ko khoe đc với bố nữa. Còn thằng em trai, nhất định phải đưa nó đi thi Đại học".

Nickname Trần Thu viết: "5 năm trước giữa trưa mẹ không dám ở lại vì sợ tốn thêm tiền. Mẹ bê cả bì hàng đi bán chờ con đi thi! Thấy cảnh đó mình bật khóc giữa đường. Công ơn cha mẹ không bao giờ trả hết".

Câu chuyện 3: Lão nông 60 tuổi đi thi và ước mơ trở thành nhà báo

daihoc6-9360-1435811996.jpg

Câu chuyện về "thí sinh đặc biệt", Lê Tuấn Anh, 60 tuổi, ngụ tại ấp Liên Đức, xã Xà Bàng, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, khiến nhiều người đọc khâm phục.

Tuy đã lớn tuổi nhưng với niềm đam mê học hỏi, bác Lê Tuấn Anh vẫn nhất quyết có mặt tại cụm thi trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật, TPHCM để làm thủ tục dự thi - kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Bác Tuấn Anh cho biết mình đăng ký dự thi 3 môn Văn - Sử - Địa để xét tuyển vào khoa Báo chí và Truyền thông của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM. Bác ước mơ thi đậu đại học và trở thành một phóng viên để viết báo giúp đỡ người nghèo, và phản ảnh những vấn đề của xã hội...

Tinh thần ham hỏi cao và quyết tâm của bác khiến nhiều người trẻ nể phục và học hỏi. "Bác là tấm gương lớn cho thế hệ trẻ chúng cháu noi theo. Thật khâm phục và ngưỡng mộ tinh thần học tập bất chấp tuổi tác của bác", nickname Bùi Tâm chia sẻ.

Theo Vân My - Ngoisao.net

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X