Hotline 24/7
08983-08983

Ăn tối với Trump, Romney vẫn chưa chắc chân ngoại trưởng Mỹ

Vẫn chưa có dấu hiệu cho thấy cựu ứng viên tổng thống Mỹ 2012 Mitt Romney sẽ trở thành tân ngoại trưởng dù ông mới có cuộc ăn tối thân mật với Donald Trump.

an-toi-voi-trump-romney-van-chua-chac-chan-ngoai-truong-my

Ông Mitt Romney chỉ mỉm cười khi gặp Donald Trump lần thứ hai. Ảnh: Thedailybeast

"Cơ hội của ông Romney trở thành ngoại trưởng Mỹ vẫn dưới mức 50%. Những người thân cận nhất của ông Trump đang phản đối mạnh mẽ việc tổng thống đắc cử lựa chọn ông Romney", ông Ted Galen Carpenter, nghiên cứu sinh cao cấp, Viện nghiên cứu chính sách ngoại giao và quốc phòng Cato, Mỹ, trao đổi với VnExpress.

Đánh giá của ông Carpenter được đưa ra sau khi ông Romney, cựu thống đốc bang Massachusetts, hôm 29/11 gặp gỡ Tổng thống đắc cử Trump lần thứ hai. Sau bữa tối thân mật tại New York, Romney cho biết niềm tin của ông đang lớn dần, rằng ông Trump có thể dẫn dắt đất nước tới "một tương lai tốt đẹp hơn".

Theo chuyên gia của Viện Cato, ông Trump có thể sẽ tránh việc bổ nhiệm mang tính chia rẽ trong nội bộ khi có nhiều người phản đối ông Romney. Hơn thế, việc tổng thống đắc cử trao cho ông Romney chức ngoại trưởng, một vị trí đầy quyền lực và thanh thế, có thể đưa ra tín hiệu về một chính sách ít thay đổi của chính quyền mới. Điều đó trái ngược với những hứa hẹn trước đó của ông Trump. 

Hôm 27/11, bà Kellyanne Conway, cố vấn cấp cao đồng thời là người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói rằng một số người sẽ cảm thấy "bị phản bội" nếu ông Romney được bổ nhiệm vào chức ngoại trưởng do đã công khai chỉ trích ông Trump.

Khi ông Trump gắng sức chạy đua vào Nhà Trắng, ông Romney là một trong những người công kích ông Trump mạnh mẽ nhất. Hồi tháng ba, ông gọi ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà là "tay lừa đảo" và "gian lận". Ông Trump thì gọi ông Romney là kẻ bại trận và cho rằng ông từng van xin mình để được ủng hộ hồi năm 2012 và đáng lẽ có thể "quỳ gối" vì điều đó.

Không cứng rắn

Cái tên Mitt Romney xuất hiện đầu tiên trong danh sách ứng viên ngoại trưởng hơn một tuần sau khi ông Donald Trump chiến thắng đối thủ Hillary Clinton trong cuộc đua trở thành tân tổng thống Mỹ. Ban chuyển giao quyền lực của ông Trump thông báo ông Romney, ứng viên tổng thống đảng Cộng hoà năm 2012, có cuộc gặp tại sân golf của ông Trump vào ngày 19/11. 

Tuy nhiên, từ đó đến nay, ông Romney không được đánh giá là "ứng viên nặng ký", khi một loạt quan chức khác cũng được coi là lựa chọn tốt cho ông Trump.

Đó là cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani, cựu đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc John Bolton, thượng nghị sĩ Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, và ông David Petraeus, cựu giám đốc Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA).

So sánh các lựa chọn này của tổng thống đắc cử Trump, Phó giáo sư Christopher Fettweis, Đại học Tulane cho rằng Rudy Giuliani và John Bolton sẽ thực hiện chính sách cứng rắn hơn.

"Còn ông Romney và Corker sẽ có quan điểm ôn hòa hơn", ông Fettweis nói.

Nhận xét về ông Romney, Phó giáo sư Elizabeth Saunders, Đại học George Washington, đánh giá ông là một trong hai lựa chọn cơ bản của Trump cho vị trí ngoại trưởng. Nếu như Giuliani là một người trung thành với Trump thì ông Romney là một thành viên nền tảng của đảng Cộng hòa.

"Việc lựa chọn Giuliani có thể sẽ tiếp tục sự bất định xung quanh định hướng chính sách ngoại giao của ông Trump, còn việc chọn ông Romney có thể không giúp loại bỏ sự bất định đó nhưng có thể mang lại sự ổn định và định hướng cho bộ máy giúp Mỹ duy trì chính sách ngoại giao theo thông lệ", bà Saunders nói.

Theo bà Saunders, việc lựa chọn vị trí ngoại trưởng của ông Trump sẽ gửi ra tín hiệu quan trọng tới các quan chức chính phủ khác, những người làm việc trong Bộ Ngoại giao, tới công chúng Mỹ và tới những "khán giả" ở nước ngoài. 

Chuyên gia của Đại học George Washington lưu ý, bất kể ai là người được chọn làm tân ngoại trưởng Mỹ, người đó sẽ không tạo nhiều ảnh hưởng trực tiếp tới chính sách ngoại giao của ông Trump. Hiện dư luận vẫn chưa biết các kế hoạch vận hành chính quyền của ông Trump như thế nào, chưa rõ kế hoạch ra các quyết định hay ai là người có thể tác động đến ông. 

Nghiêng về phía tướng cựu giám đốc CIA, Phó giáo sư Fettweis cho rằng Petraeus có thể là một lựa chọn thú vị, ông có thể tư vấn cho Trump khi tổng thống đắc cử có ít kinh nghiệm về chính sách đối ngoại.

Các tướng nghỉ hưu thường có tiếng nói chống chiến tranh mạnh nhất, vì vậy việc bổ nhiệm ông Petraeus làm ngoại trưởng và tướng James Mattis làm Bộ trưởng quốc phòng có thể là điều không quá tệ cho chính quyền mới. 

Chuyên gia Carpenter thì gợi ý "một lựa chọn tốt" cho ông Trump, một người chưa từng xuất hiện như một ứng viên, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Rand Paul. 

"Tổng thống đắc cử cần tìm đến những người 'khác những cái tên thông thường' để chọn vị trí ngoại trưởng, một người theo chủ nghĩa hiện thực và kiềm chế để sửa chữa những tệ hại trong chính sách ngoại giao của Mỹ", ông Carpenter nói. 

Theo Việt Anh - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X