Hotline 24/7
08983-08983

Ai làm thành cổ Sơn Tây... “thất thủ”?

Ngày 5/1/2017, Báo Lao Động có bài phản ánh về tình trạng nhốt di tích thành cổ Sơn Tây trong lồng sắt cũng như việc làm mới, bêtông hóa nhiều hạng mục một cách quá vô lý.

Vô lý nhất là tàn phá di sản, vô lý thứ hai là đổ tiền tỉ của dân của nước vào để tàn phá tài sản của cha ông con cháu mình. Phía sau sự hăng hái liên tục làm mới di tích đó là gì.

Xưa, thành Sơn Tây từng vài lần thất thủ trước sự xâm lăng của ngoại bang. Và nay, thành cổ lại “thất thủ” dưới lớp vỏ “trùng tu tôn tạo”. Xin được thống kê: Năm 1994, chiếc cổng đẹp nhất trong số ba phom cổng kỳ vĩ và tuyệt bích (còn tồn tại) của thành cổ Sơn Tây bị phá tan. Hệ thống cây cổ thụ trùm xòa từng hằn in trong ký ức, trong nhiều bức ảnh lưu niệm lãng mạn nhất của bao nhiêu thế hệ các con dân xứ Đoài... bị giết chết. Đá ong cổ bị đánh tung, vứt bỏ. Chiếc cổng xi măng mới toe thô kệch mọc lên, đến giờ nó vẫn vô duyên và vẫn không một ai đivào đó, trừ mấy cái xe rác bẩn thỉu của công ty môi trường đô thị. Bài học đau lòng đó từng lấy đi bao nhiêu nước mắt của những người tử tế, đặc biệt là các nhà báo và giới văn nghệ sĩ. Thế rồi liên tiếp, dăm chục tỉ làm mới hai cổng thành còn lại, xây tường thành mới toe, triệt phá các cây cổ thụ ôm quanh cổng...

Ai làm thành cổ Sơn Tây... “thất thủ”? ảnh 1

Cổng thành cổ Sơn Tây bị “nhốt” vào lồng sắt (chụp ngày 4/1).Ảnh: ĐỨC VÂN.

Sau khi Báo Lao Động lên tiếng về việc “bức tử” thành cổ Sơn Tây, dự án khổng lồ và tai hại kia mới tạm dừng. Nhưng “bát nước đầy đổ đi làm sao lấy lại được”, những gì bị phá thì đã một đi không trở lại ngay từ khi họ “tay dao tay thớt” xông vào các không gian mong manh và linh thiêng đó. Vài năm trước, người ta lại đổ tiền tỉ làm mới tường thành bao quanh tòa thành cổ được vinh danh là nguyên vẹn nhất Việt Nam đó. Báo chí lại lên tiếng quyết liệt, Cục Di sản Văn hóa lại về đình chỉ thi công, họ xin lỗi công luận, đình chỉ vài hôm lại... hoàn tất thủ tục để làm tiếp. Tiền tỉ đổ ra, họ cứ nghĩ ra dự án mà làm... Những người làm sai không ai việc gì cả...

Những tưởng tòa thành cổđá ong diễm lệ và nguyên vẹn nhất Việt Nam, Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được để yên sau nhiều lần bị “bức tử”, ai dè, vài ngày đầu năm 2017, chuyện đau lòng lại xảy ra. Đường đang yên đang đẹp, họ bóc lên lát lại, mà hơn 8 tỉ đồng mất oan vào đó chứ có ít đâu. Chính người thi công nói mới đau: Đường có hỏng đâu mà bóc ra làm lại! Mà lại bóc gạch đã phong rêu đi để đổ bêtông trắng toát. Mà di tích Quốc gia nhưng cứ tự ý làm, lúc báo chí vào cuộc, họ cũng hồn nhiên nói “chúng tôi chưa có được sự đồng ý của bộ, đó là thủ tục thôi mà...”.

“Nhiều vẻ đẹp và các giá trị cổ kính bị mất đi, nhưng không gian sinh thái và hào nước mênh mông bao quanh vẫn quá đẹp. Dăm năm nay, thành cổ Sơn Tây trở thành công viên di sản và sinh thái gắn bó như máu thịt với người Sơn Tây”.

Cổng cổ tuyệt mỹ thì nhốt lại như đóng gông đóng cùm, sắt thép thô kệch xấu xí, thế mà họ bảo là đã xem xét tham quan cả Kỳ quan thế giới Angcovat, Ăng - co Thom của Campuchia mới làm được thế. Xin thưa, làm theo kiểu bó gãy xương, bó bột cho di tích thế thì bất cứ anh thợ sắt cấp xóm thôn nào cũng làm được...

Thử hỏi, với những bức ảnh đóng gông di tích mà Lao Động ngày 5/1/2017 đã đăng, có phải người ta đang mời khách du đến để khóc thương cho di sản đã “thất thủ” không? Dù quy trình đúng đi nữa, sự xấu xí phản cảm vẫn là một sai lầm tệ hại. Đấy là chưa kể, hơn 8 tỉ đồng đang bỏ ra để thi công “làm mới” thành cổ Sơn Tây hiện nay còn sai về quy định, vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản Văn hóa.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao? Tại sao người ta cứ âm thầm bắt tòa thành tuyệt đẹp kia phải bị cạo gọt rêu phong, bị “thất thủ” trong thời bình như thế? Phải chăng họ cần dự án để “xé mắm mút tay”, “thợ may ăn vải, thợ vẽ ăn hồ”! Tại sao cơ quan quản lý không giám sát và thanh kiểm tra, tại sao khi sự đã rồi không thẳng tay trừng trị kẻ làm sai để tạo sự nghiêm minh luật pháp, cũng như lấy lại niềm tin cho bà con về việc bảo tồn di sản? Tại sao các dự án quan trọng như vậy, không đưa ra lấy ý kiến nhân dân và truyền thông rồi mới thực thi? Tôi nghĩ, những người tha hóa kia, họ tính toán kỹ rồi, theo cách: Cứ làm đi, nếu bị phát hiện thì bổ sung hồ sơ, bị Cục lên đình chỉ thi công vài hôm rồi lại “phạt phủi bụi” rồi cho tồn tại. Như những lần trước. Vẫn “lãi” như hoặc hơn những lần trước. Hết chuyện. Chuyện tiếp theo là nghĩ dự án khác và “xuống tay” tiếp. Báo chí nói thoải mái, rồi đâu lại vào đó ấy mà...



TS Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL): “Sẽ kiểm tra và có câu trả lời về sự việc trong thời gian sớm nhất”

Trả lời PV Lao Động về việc thành cổ Sơn Tây bị “bêtông hóa”, cũng như những bức xúc của người dân Sơn Tây khi nhìn di tích bị “nhốt trong lồng sắt”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cho biết, hiện đang đi công tác, vừa nắm được tình hình và sẽ cho kiểm tra, có câu trả lời về sự việc trong thời gian sớm nhất.

TS Nguyễn Quốc Hùng - nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL): “Làm đường bêtông trong di sản quốc gia, nếu chưa được phép là vi phạm Luật Di sản”

Về nguyên tắc, tất cả các di sản cấp quốc gia, khi muốn tôn tạo hay trùng tu thì đều phải có sự cho phép và được Bộ VHTTDL thông qua, chứ không thể tự ý muốn làm thế nào thì làm. Còn việc chọn hình thức nào để tôn tạo, trùng tu cho thuận mắt, phù hợp với cấu kiện, thì cần phải có sự nghiên cứu rất kỹ mức độ xuống cấp của di tích.

Những di tích lớn như ở bên Ý, bên Nhật, hay di sản Angkor Wat thì đều dùng những hình thức chống đỡ để bảo vệ di sản. Nếu hư hỏng nhiều quá, mà không chống đỡ thì không bảo vệ được, mà chống đỡ hời hợt quá thì khi mưa xuống lại lở ra, như thế là bảo tồn chưa hiệu quả. Ở đâu cũng thế thôi, khi di tích phải dùng đến cách chống đỡ thì nhìn bên ngoài sẽ thấy mất mỹ quan rồi.

Trong trường hợp thành cổ Sơn Tây, cũng có những cách bảo tồn khác, như có thể xây bức tường ở bên ngoài để ốp vào, sẽ không cần đến những khung sắt kia, nhưng như vậy thì lại làm ảnh hưởng đến di tích, vì phải đào móng...

Việc làm đường bêtông trong di sản quốc gia, mà chưa được cơ quan quản lý - ở đây là Bộ VHTTDL thông qua - thì đó là sai, là vi phạm Luật Di sản. Việc làm đường ở trong di tích cũng có rất nhiều cách. Như ở bên Nhật họ rải nhựa đường rất đẹp và tinh tế. Làm đường trong những khu di tích lớn thì càng cần phải cẩn thận, có sự tham khảo ý kiến của các chuyên gia về kiến trúc, để làm cho phù hợp với cảnh quan, không gian của di tích, nếu để ảnh hưởng đến khu di tích thì không nên, nói cách khác là rất phản cảm.

ĐẶNG CHUNG(ghi)

Theo Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X