Hotline 24/7
08983-08983

Aeon mở 500 tạp hóa tại Việt Nam: Hàng Việt nhấp nhổm

Một khi Aeon mở được hệ thống cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam, hàng Việt sẽ lép vế bởi chỗ nào đẹp, dễ nhìn, dễ lấy, họ sẽ bày hàng Nhật.

Hoan nghênh

Truyền thông Nhật Bản đưa tin, tập đoàn bán lẻ của nước này Aeon lên kế hoạch mở 500 cửa hàng tạp hóa ở thị trường Việt Nam đến năm 2025.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, bất cứ cái gì làm cho người tiêu dùng được hưởng lợi, giá rẻ, doanh nghiệp làm đúng pháp luật, cạnh tranh bình đẳng, đóng thuế đầy đủ, thái độ lịch sự thì nên hoan nghênh. 

Cũng theo ông Phú, việc Aeon muốn phủ sóng thương hiệu đến các đô thị lớn Việt Nam bằng việc mở các cửa hàng tạp hóa với số lượng lớn là tất yếu bởi quy luật "nước chảy chỗ trũng", tiềm năng của phân khúc này trên thị trường bán lẻ của Việt Nam còn rất lớn.

Aeon mo 500 tap hoatai Viet Nam: Hang Viet nhap nhom
Aeon vốn nổi tiếng với các trung tâm mua sắm lớn

"Không phải ai cũng có thời gian đi siêu thị. Để tiện củ hành, nước mắm, gói bột canh, mỳ chính, sữa, đường thì họ sẽ đến cửa hàng tạp hóa.

Thế nhưng, ở phân khúc này, doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam lại chậm chân, mới chỉ có Vingroup, Sài Gòn Co.op đầu tư mở nhiều (với thương hiệu Vinmart, Co.op Food). 

Không phải Việt Nam không cho quyền phát triển, nhưng cách làm của doanh nghiệp Việt cần xem lại. Cùng là chai dầu ăn 5 lít nhưng ở siêu thị Hapro cao hơn bên ngoài 20.000 đồng. Giá thịt lợn đã hạ xuống, Big C bán 60.000-65.000 đồng/kg nhưng nhiều siêu thị vẫn bán 95.000 đồng/kg. Hapro thì im lặng không lên tiếng dù họ được giao mạng lưới, được hỗ trợ phát triển, được trăm tỷ đồng quỹ bình ổn giá.

Tôi đã đến cửa hàng Kmart, Lotte Mart của Hàn Quốc, tủ kính, cửa hàng sạch bóng, sáng choang, lại thường xuyên thay đổi cách bài trí hàng hóa kèm theo giá rẻ để mời gọi khách hàng. Doanh nghiệp Việt có làm được như thế?

Lẽ ra khi đi với người chuyên nghiệp doanh nghiệp chúng ta phải biết vươn lên. Nhưng bởi doanh nghiệp Việt làm ăn thiếu chuyên nghiệp, thua kém hầu như toàn diện nên nước ngoài chiếm chỗ là điều tất yếu.

Tự chúng ta hại mình là chính. Vũ khí cao nhất là mạng lưới và hàng hóa thu mua chất lượng, giá cả thì phía doanh nghiệp Việt Nam đã bỏ mất, tự bó giáo quy hàng để nhà đầu tư Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc... vào.

Thị trường phong phú, đa dạng, đúng luật pháp, cạnh tranh công bằng, đúng nguyên tắc thì bất kể là ai cũng hoan nghênh, đó là kinh tế thị trường.

Hàng Việt lo bị hất cẳng

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng chưa thể nói sớm về khả năng chiếm lĩnh thị trường Việt Nam của Aeon bởi còn nhiều đối thủ khác, không phải là đối thủ Việt, như: Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan...Theo một thống kê của Bộ Công thương, hiện nay 75% hàng điện máy ở các trung tâm bán lẻ, cửa hàng là hàng Thái Lan; 40% rau quả ở thị trường Việt Nam là hàng Thái Lan.

Theo ước tính của ông Phú, với việc nắm trong tay hàng loạt trung tâm phân phối và bán lẻ, từ Metro đến Big C, B’smart, người Thái đã nắm hơn 50% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Tuy nhiên, điều đáng lo khi phân khúc cửa hàng tạp hóa trên thị trường bán lẻ Việt Nam bị chiếm lĩnh đó là công ăn việc làm của người lao động Việt Nam trong siêu thị, hàng Việt trong siêu thị sẽ bị mất.

"Làm gì có quy định nào cam kết để 60% hàng Việt trong siêu thị để khách hàng lựa chọn? Tâm lý của nhà đầu tư là họ sẽ xếp hàng của họ ở chỗ đẹp nhất. Khi các nhà đầu tư ngoại nắm được các hệ thống phân phối, bán lẻ thì việc ưu tiên cho hàng nước họ là đương nhiên.

Chính đại diện của Tập đoàn BJC của Thái Lan khi mua Metro đã tuyên bố sẽ bán 60% hàng Thái trong hệ thống siêu thị này. Vì thế, nếu Aeon mở được 500 cửa hàng tạp hóa tại Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này", ông Vũ Vinh Phú chỉ rõ.

Nhìn lại thị phần thị trường bán lẻ dành cho doanh nghiệp Việt, ông Phú nhận định, "miếng bánh" ấy có to hay không là chính phía Việt Nam, do sản xuất và phân phối, do quản lý nhà nước của Việt Nam.

Ngay bây giờ, với chiết khấu cao, đủ thứ phí từ phí gầm bàn đến phí tạo mã..., nhà cung ứng Việt và siêu thị Việt đã tự "giết" nhau trước, không phải chờ đến khi nhà đầu tư Nhật áp đảo.

Ở Việt Nam, đã có Vingroup và Sai Gòn Co.op phát triển các cửa hàng tiện lợi quy mô nhỏ đến các đường, ngõ phố nhỏ. Theo ông Vũ Vinh Phú, phải hoan nghênh, khuyến khích các doanh nghiệp này nhưng cho đến nay, vẫn chưa có chính sách nào cho tập đoàn lớn bán lẻ Việt Nam.

"Thị phần thị trường bán lẻ thế nào tất cả ở trong tay Nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam, còn yếu tố nước ngoài chỉ chiếm 1/3", ông Vũ Vinh Phú nhấn mạnh.

Theo Thành Luân - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X