Hotline 24/7
08983-08983

Abu Sayyaf, cái tên gieo rắc nỗi kinh hoàng ở Philippines

Hình thành vào năm 1991, Abu Sayyaf là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ bắt cóc con tin, đánh bom đẫm máu khiến hàng trăm người thiệt mạng ở Philippines.

Bạo lực nổ ra tối 23/5 ở thành phố Marawi trên đảo Mindanao, miền Nam Philippines khi quân đội tiến hành truy quét Isnilon Hapilon, một chỉ huy của nhóm nổi dậy Abu Sayyaf và được cho là thủ lĩnh của IS ở Đông Nam Á.

Theo BBC, Abu Sayyaf là một trong những nhóm Hồi giáo nhỏ nhưng bạo lực nhất ở miền nam Philippines. Tên của nhóm có nghĩa là “kẻ cầm gươm”. Nhóm này đặc biệt nổi tiếng với các vụ bắt cóc, tống tiền, tấn công khủng bố nhắm vào thường dân và quân đội.

Gốc rễ

Abu Sayyaf bắt nguồn từ cuộc nổi dậy của Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro (MNLF) ở miền nam Philippines. Vùng đất nghèo khổ với phần lớn người Hồi giáo, trái ngược với cuộc sống có phần sung túc ở những vùng khác chủ yếu là người Công giáo La Mã.

Nhóm này tách khỏi Mặt trận Giải phóng Dân tộc Moro vào năm 1991 vì không đồng ý với chính sách tự trị của MNLF và muốn thành lập một quốc gia Hồi giáo độc lập. Người sáng lập, Abdurajak Abubakar Janjalani, là một nhà truyền giáo Hồi giáo từng chiến đấu trong chiến tranh Liên Xô - Afghanistan.

Ông ta đã gặp Osama bin Laden và được truyền cảm hứng từ trùm khủng bố quốc tế. Al-Qaeda đã cung cấp tài chính và đào tạo trong những ngày đầu nhóm mới thành lập.

Abu Sayyaf, cai ten gieo rac noi kinh hoang o Philippines hinh anh 1
Abu Sayyaf liên kết với IS đang hoành hành ở miền nam Philippines. Ảnh: BBC.

Sau khi Janjalani qua đời, nhóm chia thành 2 nhánh và các lãnh đạo của nhánh bị quân đội chính phủ Philippines bắn chết vào năm 2006 và 2007. Kể từ đó, Abu Sayyaf hoạt động như một tập hợp các phe nhóm, làm việc với nhau thông qua quan hệ họ hàng, cá nhân nhưng đôi khi cũng cạnh tranh khốc liệt với nhau.

Nhóm này được cho là có khoảng 400 thành viên và từ năm 2014, một số phe phái của nhóm tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Isnilon Tontoni Hapilon,một trong những lãnh đạo nổi tiếng nhất của Abu Sayyaf được công nhận là lãnh đạo của các nhóm liên kết với IS ở Philippines.

Vì sao nhóm này đặc biệt nguy hiểm?

Abu Sayyaf gieo rắc nỗi kinh hoàng đối với người dân Philippines cũng như du khách nước ngoài. Theo ABS-CBN, một công ty truyền thông ở Philippines, từ những năm 2000 đến nay, nhóm này bắt cóc hơn 20 nhà báo, chủ yếu là người nước ngoài để đòi tiền chuộc.

Các con tin của Abu Sayyaf hầu hết được thả nếu nộp tiền chuộc theo yêu cầu, nếu không đáp ứng, chúng sẽ giết các con tin. Vụ bắt cóc kinh hoàng nhất diễn ra vào ngày 27/5/2001, các thành viên Abu Sayyaf đã bắt cóc 20 con tin từ khu nghỉ mát cao cấp Dos Palmas ở vịnh Honda, Philippines.

Abu Sayyaf, cai ten gieo rac noi kinh hoang o Philippines hinh anh 2
Phà SuperFerry 14 bị lật nghiêng sau vụ đánh bom đẫm máu khiến 116 người thiệt mạng vào năm 2004. Ảnh: Crimescenedb.

5 con tin bị sát hại khi yêu cầu đòi tiền chuộc không được đáp ứng. Cuộc đột kích giải cứu các con tin của quân đội chính phủ Philippines trở thành thảm họa. Trong số 20 con tin, 3 người trốn thoát được, một người bị thương, còn lại đều bị sát hại. Ít nhất 40 người thiệt mạng, trong đó có 22 binh sĩ quân đội Philippines trong nỗ lực giải cứu các con tin.

Gần đây, Abu Sayyaf đã bắt cóc 18 công dân Indonesia và Malaysia làm dấy lên mối lo ngại khu vực miền nam Philippines sẽ trở thành một “Somalia mới”. Chính quyền Indonesia và Malaysia cảnh báo các tàu đánh cá nhỏ tránh xa khu vực ngoài khơi đảo Mindanao và đề nghị tiến hành tuần tra chung.

Bên cạnh bắt cóc, nhóm này cũng là thủ phạm gây ra hàng loạt vụ đánh bom liều chết. Abu Sayyaf là thủ phạm gây ra vụ đánh bom đẫm máu vào ngày 27/2/2004 ở vịnh Manila, khi cài bom trên phà SuperFerry 14 khiến 116 người thiệt mạng.

Abu Sayyaf, cai ten gieo rac noi kinh hoang o Philippines hinh anh 3Nhóm khủng bố Abu Sayyaf hoạt động chủ yếu ở phía nam Philippines. Đồ họa: Google map.

Ngày 2/9/2016, Abu Sayyaf đánh bom chợ đêm ở thành phố Davao khiến 15 người thiệt mạng, 70 người khác bị thương. Nhóm này thực hiện vụ tấn công khủng bố sau khi quân đội chính phủ Philippines đẩy mạnh chiến dịch trấn áp tổ chức này.

26 năm trôi qua nhưng quân đội chính phủ Philippines vẫn không thể xóa sổ tổ chức khủng bố này. Các nhà quan sát cho rằng, sở dĩ Abu Sayyaf còn tồn tại bắt nguồn từ sự chênh lệch kinh tế, chính trị giữa phía nam và các vùng khác của đất nước.

“Khi những người Hồi giáo tiếp tục bị áp bức, Abu Sayyaf sẽ còn đất sống”, Ghazali Jaafar, Phó chủ tịch Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro nói với BBC.

Theo Quốc Việt - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X