Hotline 24/7
08983-08983

77 công việc phụ nữ không được làm: "Không bốc vác tôi biết làm gì?"

"Công việc là nguồn thu nhập chính để tôi nuôi 2 đứa con dại. Giờ không được làm nghề bốc vác, tôi và các chị em từ quê lên đây kiếm sống biết làm gì?…".

Theo các chuyên gia xã hội, Thông tư số 26/2013do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) ban hành trong đó nêu 77 công việc phụ nữ không được làm, có hiệu lực từ ngày 15/12/2013, còn có những điểm thiếu thực tế, ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của lao động nữ; thậm chí "triệt tiêu" nguồn sống của không ít phụ nữ.

Không bốc vác thì biết làm gì?

Thông tư nêu rõ 38 công việc áp dụng chung cho tất cả các đối tượng lao động (LĐ) nữ và 39 công việc cho phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được tham gia. Ngoài những công việc thực sự gây hại và ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của LĐ nữ như nấu kim loại nóng chảy ở lò điện hồ quang, hàn trong thùng kín, sử dụng các loại máy khoan cầm tay chạy bằng hơi ép có sức ép từ bốn atmotphe trở lên… thì có không ít công việc mà phụ nữ vẫn làm thường ngày. Cụ thể như: mang vác nặng trên 50kg, nạo vét cống ngầm, mổ tử thi, liệm, mai táng người chết...

Tần ngần đọc loạt danh sách những công việc phụ nữ không được làm, trong đó có công việc mang vác nặng trên 50kg, chị Vũ Thị Mến (quê Bắc Giang) và những chị em đồng nghiệp làm nghề bốc vác hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên lo lắng nói, chị đã làm nghề này 3 năm nay, công việc thường ngày là vận chuyển, mang vác các thùng hoa quả, hàng hóa từ các xe hàng về kho trong chợ. "Có thùng hàng chưa đến 50kg, nhưng rất nhiều thùng hàng trên 50kg, chị em chúng tôi vẫn bốc xếp như thường. Kết thúc một đêm lao động là được 150.000 - 200.000đ. Công việc đã quen nhiều năm nay và cũng là nguồn thu nhập chính để tôi nuôi 2 đứa con dại. Giờ không được làm nghề bốc vác nữa, tôi và các chị em từ quê lên đây kiếm sống biết làm gì?…" - chị Mến than thở.

Cùng tâm trạng với chị Mến, bà Hồ Thị Bưởi (xã Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) bày tỏ sự thiếu đồng thuận với quy định mới ban hành, trong đó không cho phép nữ giới làm nghề mổ tử thi, liệm, mai táng người chết. Bà Hồ cho biết, đã nhiều năm nay ở nhiều làng quê, công việc khâm liệm, mai táng người chết không còn là việc của nam giới. Với sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng và khéo léo của đôi tay người phụ nữ, công việc lo hậu sự cho người đã mất đã dần thành nghề của một số phụ nữ chấp nhận loại hình lao động đặc biệt này.

Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Cao Bằng, ông Hoàng Doãn Đông, cũng bày tỏ băn khoăn trước Thông tư số 26. Thực tế, hiện trung tâm có 8 cán bộ tham gia trực tiếp mổ tử thi thì có 2 nữ. Nếu chiếu theo quy định thì 2 cán bộ nữ sẽ không được tham gia trực tiếp làm việc nữa. Trong khi công việc nhiều, người thiếu, tình trạng ứ trệ công việc tại trung tâm sẽ càng nặng nề hơn.

Nhìn nhận vấn đề, TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho rằng: "Thông tư 26 chưa có tính khả thi cao. Trong danh sách 77 việc mà thông tư đưa ra, có nhiều công việc phụ nữ vẫn đang làm. Như vậy, khi quy định đi vào thực tế, nhiều chị em sẽ bị mất việc. Điều này đồng nghĩa với tình trạng quyền lợi của chị em không được đảm bảo, thậm chí "triệt tiêu" nguồn sống của nhiều gia đình".

Nghề cửu vạn không còn xa lạ với lao động nữ từ nông thôn lên thành phố làm việc
Nghề "cửu vạn" không còn xa lạ với lao động nữ từ nông thôn lên thành phố làm việc


Danh mục cấm không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp


Nói rõ về Thông tư 26, ông Bùi Đức Nhưỡng, Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định: Danh mục cấm sử dụng lao động nữ nói chung được xây dựng trên cơ sở kế thừa những chức danh, quy định được ban hành từ các quy định năm 1968; qua 4 lần sửa, đến nay số lượng chức danh nghề không được sử dụng lao động nữ nói chung chỉ giảm đi mà không hề tăng thêm.

Riêng đối với các chức danh không được sử dụng lao động nữ đang mang thai và nuôi con duới 12 tháng tuổi thì ngày càng được cụ thể hơn dựa trên những điều kiện lao động có hại đã quy định tại Thông tư 09 - TT - LB năm 1986, Thông tư 03 năm 1994 và Thông tư 40 năm 2011. Đây cũng là xu hướng chung các quy định trên thế giới về việc hạn chế không sử dụng lao động nữ đang mang thai.

Ông Nhưỡng cho rằng, xét về lý thuyết, khi không tăng thêm các chức danh nghề, công việc đã bị cấm so với giai đoạn trước thì không gây nguy cơ tăng tỷ lệ thất nghiệp việc đưa ra. Danh mục này trên cơ sở kế thừa các quy định tại. Thông tư liên tịch số 40; sau khi lấy ý kiến rộng rãi của của các bộ, ngành và địa phương, cũng như tham khảo các điều ước quốc tế... Do đó, danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ tại Thông tư 26 đã được điều chỉnh là phù hợp so với thực tiễn.

Ở một góc nhìn khác, bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới (Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam) cho rằng, Thông tư 26 đưa ra những quy định đưa ra nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ. Tuy nhiên, nếu xét ở góc độ bình đẳng giới thì quy định lại chưa đề cập đến việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của nam giới. Trong khi trên thực tế, một bộ phận lao động nam làm việc vất vả trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, như tiếp xúc với hóa chất cũng đã bị ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản.

AloBacsi.vn
Theo Phạm Thanh - Dân trí

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X