Hotline 24/7
08983-08983

7 tấn thuốc bảo vệ thực vật lậu từ Trung Quốc: Việt Nam hứng độc

Các chuyên gia cho rằng 7 tấn thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc cơ bị thu giữ chỉ là phần nổi. Thực tế mức độ nguy hại lớn hơn rất nhiều.

7 tấn chưa phải con số chính xác

Mới đây, tại buổi họp báo về kết quả bước đầu thực hiện cao điểm thanh tra, kiểm tra vật tư nông nghiệp và Chỉ thị số 3606/CT-BNN-BVTV của Bộ NN-PTNT, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) thuộc Bộ NN-PTNT cho biết trong vòng 7 tháng qua đơn vị này đã phối hợp với các ngành, địa phương kiểm tra, phát hiện và thu giữ được 7 tấn thuốc BVTV nhập lậu từ Trung Quốc.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, TS. Nguyễn Kim Vân, Hội KHKT Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng tình trạng nhập lậu thuốc BVTV từ Trung Quốc qua biên giới phía Bắc đã trở thành vấn đề nhức nhối từ nhiều năm qua nhưng chưa được giải quyết triệt để.

7 tan thuoc BVTV lau tu Trung Quoc: Viet Nam hung doc
Ảnh minh họa

“Việc cục BVTV thu gom, phát hiện được 7 tấn hóa chất nhập lậu từ Trung Quốc tôi nghĩ rằng điều đó hoàn toàn rất đúng. Số lượng này có khi trong thực tế còn lớn hơn và đó mới là điều đáng lo ngại”, TS Vân nói.

Tuy nhiên điều mà vị chuyên gia lo lắng nhất là đó là tình trạng nhập lậu tràn lan, cơ quan chức năng không kiểm soát được sẽ biến Việt Nam trở thànhổ chứa của các chất nguy hiểm.

“Nếu như chúng ta không kiểm soát được thì rõ ràng hàng ngày rất nhiều thuốc BVTV độc hại được tuồn vào Việt Nam và Việt Nam trở thành ổ chứa các chất nguy hiểm.

Hoặc những chất độc mà thế giới ngày càng hạn chế thì họ tìm cách đưa sang các nước Lào, Campuchia, Việt Nam…Trong khi chúng ta lại gần biên giới với Trung Quốc cho nên vấn đề kiểm soát sẽ khó khăn hơn rất nhiều”, TS Vân lo lắng.

Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Viện trưởng viện Công nghệ và thực phẩm - Đại học BK Hà Nội cho rằng, 7 tấn thuốc BVTV nhập lậu thu giữ được vẫn còn quá ít so với lượng thuốc hàng năm người dân trong nước sử dụng.

“Con số 7 tấn thuốc BVTV không phải là tất cả. Đó chỉ là con số họ bắt được và công bố thôi. Theo một thông báo mới đây thì Việt Nam hàng năm sử dụng hết khoảng 100 tấn hóa chất thuốc BVTV. Như vậy 7 tấn thì chỉ như muối bỏ bể thôi, không đáng kể bao nhiêu.

Ở đây tôi cho rằng cần làm rõ 7 tấn thuốc BVTV ở đây là gì? Đó là những thuốc hóa chất độc hại bị cấm nhập khẩu vào Việt Nam hay là gian lận thương mại”, PGS.TS Thịnh nêu quan điểm.

Con dao hai lưỡi

Trước tình trạng nhập lậu thuốc BVTV qua biên giới bằng các con đường tiểu ngạch ngày càng gia tăng, TS. Nguyễn Kim Vân lo ngại nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát tốt thì sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hại.

“Cái khó của thuốc BVTV là con dao 2 lưỡi. Nếu sử dụng đúng mục đích, đúng liều lượng thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên nếu người dân lạm dụng sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp sẽ rất nguy hiểm. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, sức khỏe người sản xuất.

Thứ hai, nó cũng ảnh hưởng đến người tiêu dùng, sử dụng sản phẩm. Thuốc phun quá nồng độ, liều lượng không đảm bảo ngấm vào trong thực phẩm có thể gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm.

Thậm chí việc xuất khẩu nông sản của chúng ta ra nước ngoài cũng bị ảnh hưởng. Rau, củ quả cũng như nhiều mặt hàng khác của Việt Nam khi xuất khẩu đã bị các nước thông báo có nhiều lô vi phạm và chúng ta rất lo ngại vấn đề này. Đó là hệ quả của quá trình sản xuất không đảm bảo lượng thuốc BVTV trong đó.

Rồi chưa nói đến những vấn đề khác nữa như: bao bì, lượng thuốc tồn kho hàng năm đổ xuống đồng ruộng Việt Nam cũng vô cùng lớn”, TS Vân nêu thực trạng.

Trong khi đó, PGS.TS Thịnh lưu ý đến tình trạng người dân lạm dụng sử dụng thuốc BVTV, từ thành phố đến vùng núi cũng có thể dễ dàng mua các loại thuốc này.

"Nhiều trường hợp ung thư, mắc bệnh viên phổi hay ngộ độc thực phẩm, hóa chất độc hại thời gian qua đã cho thấy mức độ nguy hại nếu như người dân lạm dụng thuốc BVTV. Nếu chúng ta không kiểm soát được và có cách sử dụng hợp lý thì tác hại sẽ vô cùng nguy hiểm”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Không thể nói chung chung

Trước những thực trạng trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực tế quản lý thuốc BVTV cũng như công tác phòng chống buôn bán hàng lậu qua biên giới.

“Giải thích cho việc khó kiểm soát tình trạng hàng hóa nhập lậu, giờ ai cũng nói rằng lực lượng quá mỏng trong khi đường biên giới dài, bọn nhập lậu thủ đoạn quá tinh vi.Tôi cho rằng nếu cứ đưa ra lý do như thế thì chung chung và trốn tránh trách nhiệm quá.

Tôi cho rằng vấn đề ở đây là phương pháp quản lý và phương pháp xử lý. Lực lượng chức năng cần đưa ra những biện pháp cụ thể. Nói lực lượng mỏng thì phải làm rõ mỏng như thế nào và cần bao nhiêu người để đề nghị Cục xem xét.

Địa bàn nào, cửa khẩu nào xung yếu thì cần phải tăng thêm lực lượng, phải đề xuất giải pháp. Thủ đoạn của tội phạm buôn lậu tinh vi ra sao cũng cần nêu rõ. Có như thế mới giải quyết được tình trạng nhập lậu thuốc BVTV tràn lan như hiện nay”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Thịnh cũng cho rằng, chúng ta phải kiểm soát tốt đầu ra và đầu vào của thuốc BVTV, từ đó có biện pháp ngăn chặn, đề phòng.

“Hiệu lực của nhiều cửa khẩu của Việt Nam không có tác dụng. Đấy là một trong những kẽ hở khiến hàng nhậu lậu từ Trung Quốc ngày càng nhiều. Vì vậy việc kiểm soát ở cửa khẩu cần phải hết sức chú trọng. Đấy là điểm đầu.

Thứ hai là quản lý chặt chẽ việc bán thuốc BVTV tại các cửa hàng. Chúng ta có thể dựa vào các danh mục của cục BVTV để in thành các tờ quảng cáo, bắt buộc các cửa hàng BVTV phải dán công khai, các loại thuốc nào được bán, loại nào không được bán rồi thành phần, mức nguy hại ra sao.

Hiện nay cũng có tình trạng các đối tượng buôn lậu móc ngoặc, nuôi cán bộ. Vì vậy với cả người buôn lậu, cả các bộ vi phạm khi phát hiện được phải xử lý nghiêm. Nghiêm minh xử phạt cũng là một hình thức giáo dục, là giải thích, chứ nếu chỉ tuyên truyền không thì cũng không hiệu quả”, PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.

Theo Hoàng Hải - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X