Hotline 24/7
08983-08983

5 km không có nhà vệ sinh công cộng, không tè bậy thì tè ở đâu?

Hà Nội đã bắt được ba anh tài xế taxi tè bậy và phạt mỗi người hai triệu đồng bằng thiết bị ghi hình lại chứng cớ.

Câu chuyện trên và Nghị định mới về phạt tiểu tiện, đại tiện ở nơi công cộng làm tôi nhớ đến hai bản tin cũ trong năm 2016:

"Với nguồn vốn xã hội hóa, TPHCM sẽ ‘phủ sóng’ 1.000 nhà vệ sinh cộng cộng ở khắp 24 quận, huyện trên địa bàn" đăng trên báo Thanh Niên vào tháng 8/2016. Vào thời điểm đó, công ty dịch vụ công ích Quận 1 nói chỉ có 30 nhà vệ sinh tại Quận 1 - nơi phát triển nhất của thành phố này.

Đến tháng 10/2016, tờ Vietnamnet có bài báo chủ tịch Hà Nội đi thị sát nhà vệ sinh công cộng và sẽ lắp đặt thêm 1.000 nhà vệ sinh mới tại thành phố này trong vòng một năm.

5 km không có nhà vệ sinh công cộng, không tè bậy thì tè ở đâu? - Ảnh 1.Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao đổi với đại diện chủ đầu tư về mẫu nhà vệ sinh công cộng. Ảnh: Vietnamnet

Gần nửa năm sau thời điểm hai bản tin trên, vào ngày 1/2/2017, nghị định 155/2016/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định lên 1 -3 triệu đồng. Và ba tài xế là những người vi phạm đầu tiên bị bắt quả tang.

Vụ phạt sẽ khiến người ưa thích tiện tay ra góc đường "làm đại cho xong", quý ông đi nhậu xỉn "trút bầu tâm sự" hoặc bất cứ ai thấy thoải mái muốn... tè bậy cho mát... phải chùn tay lại.

Nói về chuyện tè bậy, nhiều động cơ có thể kể đến như sau:

Đi nhậu về, xỉn rồi, tiện chỗ nào tè chỗ đó.

Sở thích, mình thích chỗ nào thì mình tè thôi.

Làm việc trên đường phố, bí quá ra gốc cây "làm đại".

Người lao động phổ thông như bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong.

Người lang thang, không nhà cửa, không tìm được nhà vệ sinh công cộng hoặc không muốn trả tiền cho việc này.

Không thể tìm bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào gần đó và không thể chịu đựng được thêm nữa.

Có lần tôi từng hỏi một phụ nữ bán vé số, nếu cô ấy buồn đi vệ sinh, cô sẽ đi ở đâu. Người phụ nữ này trả lời một ngày cô cố gắng chỉ đi vệ sinh khoảng 2 -3 lần, phải chịu khó nhịn và uống ít nước.

Cô giới thiệu rành mạch những nơi cô biết trên quãng đường đi bán ở quận Tân Bình sẽ cho cô vào đi vệ sinh, như bệnh viện, trung tâm thể thao, nhà hàng đông đúc bình dân, các quán ăn bình dân.

Nhưng không phải nơi nào cũng may mắn như vậy, vì có nơi cô đi bộ vài tiếng đồng hồ cũng không có phòng vệ sinh công cộng nào.

"Mắc quá thì cô xin vào quán cafe, quán ăn đi nhờ, nhưng hên xui thôi, vì nhìn mình đi bán ăn mặc vầy khách trong quán cũng không thích nên chủ quán từ chối," người phụ nữ thú thật với tôi cô không dám bước vào những khách sạn, quán cafe sang trọng hay thương xá lớn vì đã từng bị bảo vệ chặn lại ở một số nơi.

Với bản thân mình, trong một vài lần quá "bí", tôi cũng dừng xe lại bên đường và bước vào quán hỏi xin đi nhờ. Không ít lần bị từ chối. Nhưng về cơ bản, là một phụ nữ đeo mắt kính, ăn bận như dân công chức, tôi dễ dàng được thông cảm và cho đi nhờ nhà vệ sinh hơn.

Tôi cũng "hiên ngang" bước vào những khách sạn, tòa nhà, thương xá mà chẳng ai mảy may xét hỏi ý đồ đi vệ sinh của mình.

Một cách khác nhiều người làm là đi vào quán như khách hàng, gọi một ly cafe, một tô hủ tiếu, mua một món gì đó để được sử dụng nhà vệ sinh. Cô bán vé số sẽ không làm vậy vì thu nhập từ tiền bán vé số không cho phép kiểu đi vệ sinh xa xỉ này.

Việc đi vệ sinh là một quyền về sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có may mắn đó như tôi hay những người có điều kiện. Một bạn đọc từng hỏi tôi: "Bạn nghĩ người ta phải đi vệ sinh vào đâu khi đi trên một quãng đường dài như Cộng Hòa và không tìm ra một cái nhà vệ sinh công cộng nào, và không thể chịu được nữa?"

Để trả lời anh, có lần tôi thử đi bộ vài tiếng đồng hồ ở vị trí không phải Quận 1, và cuối cùng nhận ra không hề có nhà vệ sinh công cộng nào trên quãng đường hơn 5km mình đi qua. Tôi đã trả tiền để vào một quán cafe "xử lý".

Và cũng để trả lời anh, tôi làm thử một phép toán đơn giản với hai bản tin kể trên: 1.000 nhà vệ sinh tại Sài Gòn cho thành phố gần 10 triệu dân, tức 10.000 người sẽ chia nhau một buồng vệ sinh công cộng. Hay như ở Hà Nội 1.000 nhà vệ sinh cho hơn 7,5 triệu người, là bình quân 7.500 người chỉ được hưởng một nhà vệ sinh công cộng.

Con số khiến tôi hiểu tại sao người lao động nghèo, người mưu sinh trên đường thường cuối cùng đều trở thành những kẻ tè bậy.

Ở một số nơi công cộng có lượng người qua lại đông đúc như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, trớ trêu thay, hệ thống nhà vệ sinh công cộng đóng cửa lúc 10 giờ tối, khi vẫn còn hàng trăm người vui chơi, sinh hoạt trên phố. Các nhà hàng, quán ăn sang trọng ở khu vực này không dành cho những ai không phải khách hàng của họ.

Tại vị trí trung tâm nhất hạng Sài Gòn như Nhà thờ Đức Bà, người ta vẫn ngửi thấy mùi nước đái tè bậy... ngay bên hông tòa nhà thờ màu đỏ - kiến trúc đẹp nhất khu vực đó.

Câu trả lời vô cùng dễ hiểu: Không có nhà vệ sinh nào được sử dụng công cộng trong Bưu điện thành phố, không có nhà vệ sinh mở trong công viên 30/4, cũng không có nhà vệ sinh trong khuôn viên nhà thờ cho phép sử dụng.

Và khi đường sách Nguyễn Văn Bình được mở, cũng không có phòng vệ sinh công cộng nào. Nếu McDonald’s không được mở thì người đi mua sách sẽ thành kẻ tè bậy sao?

Nghị định mới về "tè bậy" khiến những người có sở thích tè bậy phải chùn bước và chịu trách nhiệm về trò tè bậy của mình. Đó là bước đầu tiên để những con đường không còn mùi nước đái và sạch sẽ hơn. Đó là hành xử cần thiết để gương mặt của đô thị văn minh hơn, nơi người ta không dùng quyền tự do đi tè của mình để làm khó chịu đến môi trường sống chung của cộng đồng.

Nhưng quy định mới này cũng khiến tôi lo lắng hơn về những người lao động trên đường phố - một phần rất lớn đang có mặt ở những thành phố dày đặc người như Hà Nội hay Sài Gòn.

Cũng như cô bán vé số, người lao động trên đường không thể tiếp cận nhà vệ sinh công cộng như một quyền lợi tất nhiên mà bất cứ ai cũng phải có.

Họ phải nhịn đi tiểu, nhịn ăn uống. Họ vẫn bị từ chối bởi ánh nhìn không thiện cảm ở những nơi nhiều nhà vệ sinh nhưng không dành cho họ. Và họ vẫn phải tồn tại với 1.000 nhà vệ sinh hứa hẹn sẽ xuất hiện đâu đó giữa những con đường không thể biết trước.

Nhưng giờ đây có thêm một điều khác biệt, họ có nguy cơ bị phạt đến ba triệu đồng nếu không thể chịu được nữa và... làm bậy ra đường.

Hôm nay, bạn đã tìm được nhà vệ sinh công cộng nào gần mình chưa?

Theo Khải Đơn - Trí thức trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X