Hotline 24/7
08983-08983

3 nơi bị nghi gây mùi thối ở Nam Sài Gòn

Sở Tài nguyên - Môi trường xác định "nghi can" gây ra mùi hôi thối khu vực phía Nam TP HCM là 3 đơn vị đang hoạt động tại Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước.

Bãi rác Đa Phước

Được khởi công hồi tháng 7/2005 tại xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TP HCM, Khu liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (bãi rác Đa Phước) có tổng số vốn hơn 100 triệu USD do Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) làm chủ đầu tư.

Dự án dự kiến bao phủ trên diện tích 138 ha, chia làm bốn giai đoạn, hoạt động trong 24 năm. Trong giai đoạn một, một bãi chôn lấp có diện tích 30,6 ha và thể tích không gian khoảng 3 triệu m3 đã được xây dựng. Bãi chôn lấp được thiết kế với công suất 10.000 tấn rác thải một ngày. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 11/2007.

Hạng mục chính của công trình gồm nhà máy phân loại rác, nhà máy sản xuất phân compost và bãi chôn lấp rác được cho là "theo các tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới". Ngoài ra, công trình còn có một số hạng mục phụ như vành đai đê bao, hệ thống xử lý nước rỉ rác, hệ thống truy thu khí...

Khi mới hoạt động, bãi rác Đa Phước tiếp nhận và chôn lấp 3.000 tấn rác mỗi ngày. Từ cuối năm 2014, lượng rác chuyển về đây được tăng thêm 2.000 tấn, nâng tổng số rác xử lý một ngày lên 5.000 tấn, chiếm khoảng 70% lượng rác của TP HCM.

Năm 2009, khi vừa vận hành được 2 năm, bãi rác lớn nhất TP HCM bị người dân tố thải nước bẩn ra môi trường. Cảnh sát môi trường thành phố sau khi điều tra xác định có việc xả nước rỉ rác ra môi trường như dư luận phản ánh. Đơn vị này đã báo cáo lên UBND thành phố để xử lý, chấn chỉnh.

Đến năm 2014, thanh tra thành phố kết luận có bất thường trong việc quản lý, giám sát bãi rác Đa Phước như: công ty này chưa thực hiện phân loại, tái chế như hợp đồng mà chôn lấp toàn bộ trong thời gian 24 năm. Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chưa thực hiện đúng giấy phép đầu tư khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn một ngày.

3-noi-bi-nghi-gay-mui-thoi-o-nam-sai-gon

Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước ở xã Đa Phước huyện Bình Chánh, TP HCM. Ảnh: Google maps

Nhà máy xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh

Cũng nằm tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, nhà máy do Công ty TNHH Sài Gòn Xanh xây dựng theo chủ trương xã hội hóa việc xử lý bùn thải từ các nhà máy xử lý nước thải, nhà máy cấp nước cũng như bùn thải (không nguy hại) từ công tác duy tu, nạo vét hệ thống cống rãnh, kênh rạch trên địa bàn của UBND TP HCM

Được đầu tư 195 tỷ đồng, nhà máy Xử lý bùn thải Sài Gòn Xanh có diện tích 47,6. Khi chính thức xây dựng hoàn chỉnh (dự kiến cuối năm 2019) nhà máy có thể xử lý 5.200 m3 bùn mỗi ngày (tương đương 70-80% lượng bùn thải của thành phố theo thời điểm lập dự án là năm 2014).

Nhà máy được quy hoạch gồm các khu: xử lý nước thải, bến thủy nội địa, trung tâm nghiên cứu thực nghiệm kết hợp tái chế chất thải không nguy hại, đất xưởng sản xuất, khu lưu chứa xử lý bùn (nạo vét kênh rạch, cống thoát nước, bùn hầm cầu, bùn từ các hệ thống/trạm xử lý nước thải tập trung của KCN, KCX, bùn đất từ các công trình xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại…).

Bùn thải hữu cơ không nguy hại sau khi được tách nước, cát, đá, xà bần… được xử lý bằng phương pháp hóa vi sinh (ủ compost) kết hợp với hoạt chất tự nhiên khử mùi. Phương pháp này được công ty giới thiệu là "không những khử được mùi hôi của bùn mà còn đem lại lợi ích tái sử dụng sau xử lý làm đất trồng cây hoặc phân bón và không cần đến diện tích chôn lấp, máy móc đặc biệt cũng như không cần đến năng lượng lớn như giải pháp đốt bùn”.

Nhà máy xử lý chất thải Hòa Bình

Đây là nhà máy của Công ty TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình, được đầu tư hơn 30 tỷ đồng, hoạt động từ tháng 3/2008. Nhà máy này chuyên xử lý các loại bùn hầm cầu, bùn nạo vét từ hệ thống thoát nước và kênh rạch trên địa bàn TP HCM. Theo công suất thiết kế, trong giai đoạn một nhà máy xử lý bùn hầm cầu này sẽ đạt công suất thiết kế đến 250 m3 mỗi ngày đêm; giai đoạn 2 đạt 500 m3.

Theo giới thiệu của công ty, chất thải rút hầm cầu sẽ được xử lý bằng công nghệ sinh học theo phương pháp hiếu khí nước thải sau khi xử lý đạt loại B, đủ tiêu chuẩn xả ra kênh rạch. Đây là nhà máy xử lý chất thải rút hầm cầu được xem là hiện đại nhất TP HCM với công nghệ tiên tiến nhất, đảm bảo xử lý đúng các quy trình công nghệ và không gây ô nhiễm môi trường.

Ngay sau khi nhà máy xử lý bùn hầm cầu Hòa Bình chính thức vận hành, Sở Tài nguyên – Môi trường TP HCM đã ra quyết định ngưng mọi hoạt động tiếp nhận bùn hầm cầu tại bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn TP HCM). Trước đó, mỗi ngày có khoảng 300 m3 bùn hầm cầu được xả đổ tại bãi rác Đông Thạnh gây bức xúc cho hàng trăm hộ dân sống xung quanh.

Theo Hữu Nguyên - VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X