Hotline 24/7
08983-08983

3 ngày nữa mới tiếp cận nạn nhân

Ngày thứ 3 của vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo, các phương án cứu hộ đều gặp trở ngại do khoan trúng đá. Hiện sức khỏe các nạn nhân vẫn ổn định.

Chiều 18/12, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã trực tiếp đến hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) thị sát và chỉ đạo công tác cứu hộ.

Thông được 3 đường ống vào vị trí hầm sập

Đến tối cùng ngày, lực lượng chức năng đã khoan tổng cộng 5 vị trí, thông được 3 mũi có đường kính 6 cm tại vị trí hầm sập. Trong đó, 1 mũi để thông khí, truyền thức ăn, thuốc men; 2 mũi còn lại hút nước ra ngoài.

Riêng mũi khoan từ trên đồi xuống đã bị gãy do gặp đá tảng khi khoan được hơn 40 m nên buộc phải tìm cách lách để tiếp tục khoan, đồng thời khoan mũi thứ 2 bên cạnh. Đây là mũi khoan quan trọng dùng để thả quần áo ấm vào bên trong cho các nạn nhân. Trước mắt, lực lượng cứu hộ đưa 1 đèn pin, giấy và bút xuống khu vực các công nhân gặp nạn.

Trong giấy ghi thông tin cho các nạn nhân biết lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hết sức để đưa họ ra ngoài. Ngoài ra, đây cũng là hình thức để nạn nhân cập nhật tình hình của họ.

Lực lượng cứu hộ khoan thông hầm ngày 18/12 Ảnh: KỲ NAM

Ông Đặng Nguyên Vũ, Công ty Anthi Việt Nam, cho biết đã hoàn tất việc soi chiếu mô hình 3D ở 20 điểm khác nhau ở khu vực đồi có hầm bị sập. Qua đó sẽ biết được độ dày quả đồi, các tầng địa chất, vị trí đường hầm, vị trí những mũi khoan, vị trí đá...

Chị Phan Thị Hoa (vợ của anh Trương Tuấn Việt - đang bị kẹt trong hầm) được các bác sĩ thăm khám vì đuối sức  Ảnh: CAO NGUYÊN
Chị Phan Thị Hoa (vợ của anh Trương Tuấn Việt - đang bị kẹt trong hầm) được các bác sĩ thăm khám vì đuối sức Ảnh: CAO NGUYÊN

Vấn đề đáng lo ngại nhất là nước dâng cao 1 m trong hầm đã được xử lý. Theo thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, hiện mỗi giờ lực lượng cứu hộ hút được 3 m3 nước từ trong hầm ra ngoài. Đến tối 18/12, mực nước trong hầm còn 30-40 cm. Các nạn nhân cho biết lưu lượng nước thẩm thấu vào hầm cân bằng với lượng nước hút ra nên mực nước trong hầm không dâng.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đề nghị Bộ Quốc phòng chi viện 100 cán bộ, chiến sĩ công binh cùng 10 máy khoan chuyên dụng từ Cam Ranh (Khánh Hòa). Lực lượng này đang đến hiện trường để phối hợp cùng 400 chiến sĩ, 19 thợ mỏ tại đây tập trung cứu hộ.

Triển khai cùng lúc nhiều phương án

Lực lượng cứu nạn đang triển khai cùng lúc nhiều phương án. Ngoài tuyến hầm bên phải hầm chính do tổ cứu nạn của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam thực hiện, công binh đã mở thêm một đường hầm theo ngách bên trái của hầm để phòng ngừa sụt lở vùi lấp tuyến bên phải.

Tuy nhiên, cả 2 đường hầm đều gặp đá nên mỗi ngày đêm chỉ đào thủ công thêm 8 m. Đến 20h 18/12, đường hầm bên phải đã khoan được hơn 6 m, trong khi đó đường hầm bên trái chỉ mới hơn 2 m.

Ông Phạm Đình Hiếu, Chỉ huy trưởng công trường đào hầm của Công ty CP Sông Đà 505 - Tổng Công ty CP Sông Đà 10, cho biết phương án đào hầm chữ A như kế hoạch trước đó đã thay đổi thành hầm hình thang. Hầm này cao 1,2 m, đáy lớn rộng từ 70-80 cm, đáy nhỏ rộng khoảng 50-60 cm vừa đủ để xoay xở đưa người ra ngoài.

Một số đơn vị tham gia cứu hộ cũng đề xuất thêm phương án dùng súng thủy lực cắt đá hay tạo đường hầm nhỏ ở phía đối diện lối vào đường hầm chính. Các phương án này đang được cân nhắc.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nghe Công ty CP Sông Đà 505 báo cáo đoạn hầm bị sập dài 27 m, đến nay đã đào được 5 m.  Phó Thủ tướng đã phê bình công tác cứu nạn còn chậm và cho rằng cần xem xét khả năng khoan, mở rộng mũi khoan phía trên đỉnh xuống, nếu có thể sẽ đưa nạn nhân lên theo đường này, đồng thời yêu cầu các đơn vị chức năng phải hoàn thành việc cứu hộ trong 3 ngày tới.

Đổ qua đổ lại về trách nhiệm giám sát

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết: Cơ quan chức năng đang tập trung cứu hộ, sau khi giải cứu được các nạn nhân thì mới tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân trách nhiệm của các cá nhân,  tổ chức liên quan.

Liên quan đến vấn đề 2 hố sâu xuất hiện trước đó phía trên khu vực sập hầm có phải là nguyên nhân gây sập hay không, ông Yên cho rằng phải chờ cơ quan chuyên môn xác định. Ông Yên cho biết thêm trước đây, chủ đầu tư thủy điện này là Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5), sau đó chuyển sang Công ty Long Hội. Trước đó từng xảy ra sạt lở nhẹ trong đường hầm này nhưng đơn vị chủ đầu tư cũ đã khắc phục.

Dự án này từ phải hoãn thi công khoảng 3 năm vì đổi chủ đầu tư. Công trình chỉ mới được thi công lại trong thời gian ngắn. Liên quan đến vấn đề một số đoạn trong hầm không được kè chống đỡ, ông Yên cho rằng: “Đây là do biện pháp thi công của đơn vị thi công và đơn vị này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Người duyệt các biện pháp thi công là chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm. UBND tỉnh không duyệt cái này”.

Ông Huỳnh Ngọc Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng, cho rằng: Sở chưa kết luận gì về nguyên nhân sự cố. “Sở Công Thương làm gì phải giám sát chuyện xây dựng. Sở chỉ quản lý nhà nước và thẩm định về kỹ thuật. Mảng xây dựng là trách nhiệm của ngành xây dựng” - ông Hải nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, lại cho rằng sở này không giám sát công trình trên, nhiệm vụ này thuộc về Sở Công Thương. “Tất nhiên, Sở Xây dựng trùm lên tất cả những cái đó.

Tôi chưa nắm công tác quản lý về chuyên ngành đối với công trình này thuộc Sở Công Thương hay thuộc chủ đầu tư” - ông Dũng nói. Còn phương án thi công công trình thủy điện, ông Dũng cho rằng sở không không nắm sâu đến vậy. Chủ đầu tư không nhất thiết báo lên là hôm nay thi công thế nào, phương án thi công ra sao, cái đó không cần đi kiểm tra (!)

 

AloBacsi.vn
Theo Người lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X