Hotline 24/7
08983-08983

2,7 kg cua 1 kg nùi giẻ, chúng ta thỏa hiệp cái xấu từ bao giờ?

Hôm qua 8/1, tôi mua 6 con cua biển ở chợ Tân Sơn Nhất, Gò Vấp, TP.HCM để đãi khách đến nhà chơi. Tất cả là 2,7 kg. Lúc làm cua, tôi tháo ra một đống dây vải.

Quá ngạc nhiên, tôi cân mớ dây vải lên, được tròn 1 kg.

Nùi giẻ nặng 1kg được tháo ra từ 2,7kg cua. Như vậy, mua 2,7kg cua, chỉ còn 1,7 kg là cua thật và 1kg nỗi xấu hổ của văn minh mua bán. 

Trong 2,7 kg cua có đến 1kg dây. Tức là dây chiếm hơn 1/3 trọng lượng cua. Kinh khiếp!

Tôi chẳng phải là người mê ăn uống nên ăn ít đi một chút cũng chả sao. Nhưng nhìn đống dây vải to quá sức tưởng tượng, càng nghĩ, tôi càng buồn. Điều gì đang xảy ra thế này? Tại sao tất cả chúng ta đang chấp nhận điều xấu xa, trơ trẽn và vô lý như vậy?

Tôi nghĩ, người nông dân nuôi con cua vất vả, nhưng không vì thế mà ai cũng cắn môi cột thêm sợi dây để kiếm thêm tiền. Thương lái vì lợi nhuận nhưng không phải ai cũng đánh mất lòng tự trọng để cột dây thêm. Nhưng vì cột thêm vào cũng không sao, vì người ta cột thêm được thì mình cũng bắt chước cột theo. Cột được một dây thì cột được thêm một dây nữa. Và như cua tôi mua hôm nay, có tổng cộng 3 sợi dây vải to trên một con cua.

Cách đây 10 năm, chỉ có sợi dây nilon. Giờ là 3 sợi dây vải. Hai năm nữa sẽ là 5 sợi dây vải và bốn năm nữa sẽ là 7 sợi dây vải? Lúc đó, sợi dây nặng hơn con cua. Con cháu chúng ta hẳn sẽ "bái phục" về độ trơ trẽn của ông bà chúng khi cột được nùi giẻ vào con cua.

Mà không cần mai sau. Ngay bây giờ, chắc ta đã vô địch thế giới về độ "quái" trong cách cột cua rồi. Mỗi con cua đã có một nùi giẻ vô lý rồi. 

Nùi giẻ đó không đơn thuần là nùi giẻ, nó tượng trưng cho hiện tượng gian dối công khai đến trơ trẽn; nó tượng trưng cho tính dễ dãi đối với cái xấu của người Việt; nó tượng trưng cho sự đua nhau làm cái xấu nếu thấy "không ai nói gì thì cứ làm thôi" của nhiều người.

Một kg cua thịt giá 270 ngàn, trong đó có 1/3 trọng lượng nùi giẻ. Nếu không có nùi giẻ, một kg cua có thể tăng giá lên thành 350 ngàn, nếu ai cũng nhất quyết không mua cua nùi giẻ, thì tôi tin với giá đó thị trường cua vẫn nhộn nhịp bình thường.

Vậy sao ta không tẩy chây cua nùi giẻ để tránh được hai chuyện: lãng phí nùi giẻ và xấu hổ vì làm điều trơ trẽn? Người bán cần bán cua và người mua cần mua cua, chớ sao lại cho nùi giẻ tham gia vào câu chuyện này?

Giờ thì cua ở đâu cũng cõng nùi giẻ, nhìn mà buồn ghê gớm. Theo tôi, có ba giải pháp để loại bỏ điều đáng xấu hổ này: Một là, quản lý thị trường gặp ai bán cua cõng nùi giẻ là tịch thu. Hai là, nông dân, thương lái cần cảm thấy xấu hổ và mất lòng tự trọng khi cột nùi giẻ vào cua. Ba là, người tiêu dùng khi đi mua cua, thấy cua có nùi giẻ thì không mua hoặc bắt tháo nùi giẻ ra mới mua, đắt hơn cũng được. Cả ba phương pháp sẽ đẩy lùi được hiện tượng quái dị đó.

Còn, nếu chúng ta tiếp tục vui vẻ đồng ý với cái nùi giẻ quái dị vô đối ngày càng to trên lưng con cua, rồi sẽ đến lượt ghẹ cõng nùi giẻ, ốc móng tay cõng nùi giẻ... sĩ diện mua bán rồi cũng cõng nùi giẻ luôn mà thôi.

Theo Trần Triều - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X