Hotline 24/7
08983-08983

230.000 tỷ đường cao tốc Bắc-Nam: Chỉ phục vụ xe sang

Bộ GTVT sẽ phải tính toán đến việc xây dựng tuyến đường bộ cao tốc sao cho có người đi lại để hoàn vốn, nhưng chưa phải bây giờ.

4 tuyến đường song song trục Bắc - Nam

Bộ GTVT vừa trình Chính phủ đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông tuyến Hà Nội - TP.HCM với tổng chiều dài 1.372 km.

Bộ này cho biết, hiện đang triển khai một số dự án cao tốc, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác 470 km. Do vậy, để thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam dài khoảng 1.800 km, sẽ phải đầu tư thêm 1.372 km từ nay đến 2020.

Phương án này có kinh phí đầu tư khoảng 229.800 tỷ đồng, nhà đầu tư huy động khoảng 136.300 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40%).

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 12/10, TS Nguyễn Xuân Thủy - Nguyên Giám đốc NXB giao thông VN cho biết: "Về dự án đường bộ cao tốc Bộ GTVT đã bàn với bên Nhật Bản từ lâu, hiện nay đã làm được hơn 400km, nối từ tỉnh này, qua tỉnh khác.

230.000 ty duong cao toc Bac-Nam: Chi phuc vu xe sang

Tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam

Cùng với đó, tuyến đường Bắc - Nam hiện đang có 4 tuyến song hành, thứ nhất, là đường biển nối từ Bắc vào Nam, một tuyến đường mơ ước của rất nhiều nước, vì vận chuyển thuận lợi.

Trong khi, vận chuyển bằng đường biển vô cùng rẻ, chở được hàng siêu trường, siêu trọng, chở được tất cả các loại hàng hóa, mà giá thành chỉ bằng 1/3, 1/4 so với đường bộ.

Thứ hai, tuyến đường sắt Bắc - Nam, mặc dù đã xuống cấp, nhưng chưa tận dụng hết năng lực, mỗi năm chỉ chở khoảng 15 triệu tấn hàng, bằng 1/20 năng lực vận chuyển của đường bộ.

Thứ ba, tuyến QL1 đang hoạt động có hiệu quả, nhưng chưa hề quá tải, nó vẫn ở mức độ hoạt động tốt.

Thứ tư, tuyến đường Hồ Chí Minh nối với vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số, để mở mang kinh tế cho họ, nhưng vì xây dựng đường quá to, bề thế, nhưng không có ô tô chạy qua. Tôi đã từng đi qua tuyến đường này, chỉ thấy toàn trâu bò đi là nhiều.

Như vậy, tuyến Bắc - Nam hiện nay đang có 4 tuyến đường, Bộ GTVT lại đảm bảo năm 2030 phải có 2000km đường cao tốc, nên mới tính chuyện làm đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đó là sự lãng phí".

Phải tính toán lại

Bên cạnh đó, theo ông Thủy, khi đã có nhiều sự lựa chọn, thì tuyến đường nào hợp lý, giá thành vận chuyển thấp thì DN vận tải sẽ lựa chọn, hợp lý nhất vẫn là QL1, đi qua các trung tâm chính trị, kinh tế, du lịch của cả nước, nên không việc gì tránh đường QL1 để đi đường Hồ Chí Minh hay đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Vì thế, khi xây dựng xong đường bộ cao tốc, tiến hành thu phí, mức phí cho một xe ô tô lưu thông trên cả tuyến lên đến hàng triệu đồng, người dân sẽ chọn đi quốc lộ 1 hoặc đi máy bay, còn hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt, do vậy cao tốc Bắc Nam có thể ít DN vận tải qua lại.

Chủ yếu sẽ chỉ phục vụ cho xe cá nhân, xe sang trọng, còn xe chính thì vẫn đi đường QL1. Bao nhiêu năm nay Bộ GTVT đầu tư, đúng hướng nhất vẫn chỉ có duy nhất một dự án đó là nâng cấp đường quốc lộ 1, giá thành tương đối hợp lý.

Hiện nay, nếu chỉ tính riêng 1 đoạn đường ngắn từ Hà Nội đi Ninh Bình các chuyên gia đã từng chỉ rõ, tiền phí cả đi lẫn về là 300.000đ, trong khi tiền xăng rẻ hơn. Mà cả tuyến đường dài số lượng trạm thu phí hoàn vốn nhiều, thì dĩ nhiên không có DN nào lựa chọn, vì chủ yếu là vận chuyển hàng hóa, giá thành đội lên, khó tiêu thụ, sức chịu đựng của người tiêu dùng lại có hạn.

Như tuyến HN - Hải Phòng, DN vận tải ít đi đường cao tốc, vì đã có QL1, giá thành lại không bị tăng cao.

"Trong khi đường Hồ Chí Minh, đường QL1, đường biển và đường sắt chưa tận dụng hết năng lực thì bỏ hàng tỷ USD để xây dựng đường mới là không cần thiết. Còn về quy luật đường càng nhiều càng tốt, nhưng tiền đó dùng có đúng chỗ, có hiệu quả, vốn đầu tư có khả thi hay không, thì các nhà kinh tế phải tính toán lại.

Các nhà quy hoạch phải tính từng chiếc xe một, có bao nhiêu xe trở lên mới xây đường cao tốc, đó mới là bài toán kinh tế căn cơ.

Cho nên, tôi cho rằng, chuyện xây đường bộ cao tốc Bắc - Nam còn quá sớm, cũng như đường sắt cao tốc Bắc - Nam lại càng sớm, đừng nghĩ đến quy luật, cứ xây dựng nhiều đường thì kinh tế mới phát triển là không đúng.

Xây dựng phải xứng đáng mới tiềm lực của nền kinh tế, còn nếu chúng ta xây dựng sớm, giống như cầu Thăng Long trước đây, xây 10 năm mới khai thác, giống như vứt tiền qua cửa sổ, những đồng tiền thuế của dân dùng không đúng chỗ, không hiệu quả", ông Thủy nhấn mạnh.

Vấn đề thương mại hóa giao thông

Một vấn đề khác được vị chuyên gia trên chỉ rõ, xây dựng tuyến đường này, thì tất nhiên phải thu phí, đây là chuyện thương mại hóa giao thông, tăng chi phí xã hội, gây nên sự lạm phát, ùn tắc, tạo bức xúc cho người dân, cụ thể là các DN vận tải, DN chung của cả nước.

"Chúng ta vẫn có khẩu hiệu đến năm 2030 phải có 2000km đường cao tốc là không cần thiết, đường xá phải tương ứng với nhu cầu nền kinh tế, có cung mới có cầu, có cầu mới có cung. Cầu thì có 4 tuyến song song, thêm 1 tuyến nữa, về lý thuyết cũng tốt nhưng tiền bỏ ra là lãng phí, có thể dùng vào các việc cần thiết khác.

Ví dụ như phát triển hệ thống tàu điện ngầm cho Hà Nội, TPHCM, mỗi tuyến mất 1 tỷ USD, tập trung, giải quyết ùn tắc cho 2 đô thị lớn, đóng góp 40% GDP.

Theo tôi, những điểm cần đầu tư sớm nhất là 2 đô thị Hà Nội, TPHCM, còn đầu tư quá nhiều đường cao tốc, hình thành "hội chứng cao tốc" là không nên", ông Thủy chỉ rõ.

Bộ GTVT nên làm gì?

Đề xuất những việc Bộ GTVT cần làm trong thời gian tới, theo ông Thủy, đầu tiên, nên tạo điều kiện để DN vận tải khai thác đường QL1, Hồ Chí Minh, tiếp đến là đường sắt Bắc - Nam, cải tiến, nâng cao hiệu quả, cải tiến cơ chế để nhiều xe container không đi ô tô mà đi đường sắt.

Đường biển đang bắt đầu trỗi dậy, phải cải tạo các bến, nâng cao hiệu quả của Logistics, làm cho tốt lên, giảm giá thành, hạn chế đường bộ.

Trước các phương án xây dựng được Bộ GTVT đưa ra, Nguyên Giám đốc NXB giao thông cho rằng, nên đầu tư cuốn chiếu, đoạn không cần thiết thì làm nhỏ lại, mặt bằng vẫn để rộng, sau này nếu làm thêm cũng không cần GPMB, sẽ tiết kiệm được nhiều tiền, nhưng không nên làm tràn lan.

"Trong xây dựng các quy hoạch giao thông, nhiều khi chúng ta đi trước quá xa, gây ra lãng phí, đường nào cần hàng hóa, hành khách nhiều thì hãy làm. Như Hà Nội - Hải Phòng vừa có đường bộ, đường sắt, lại thêm đường cao tốc, quá lãng phí.

Chúng ta đang lạm dụng quá nhiều đường giao thông, đồng tiền đầu tư quá nhiều, nên không còn tiền đầu tư cho các công trình khác, bao nhiêu cây cầu của miền núi chưa xây dựng, cần 6000 cầu treo, mới xây 200 cái đã dừng lại, học sinh không có đường đi học, đi lại khó khăn.

Vì thế, cần có quy hoạch lộ trình hợp lý, tính toán chặt chẽ, thì đồng tiền của người dân mới không bị lãng phí", ông Thủy nhận định.

Thứ trưởng GTVT: Sẽ tính toán mức phí phù hợp

Trao đổi với Đất Việt về dự án trên, ngày 11/10, ông Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: "Do đầu tư với hình thức BOT nên chắc chắn tuyến đường trên sẽ phải thu phí để hoàn vốn. Khi xây dựng xong chúng tôi sẽ tính toán mức phí người dân có thể chấp nhận được, xã hội sử dụng, nhà đầu tư thu lại được tiền, khi đó sẽ tăng mức độ tham gia giao thông trên tuyến đường.

Đối với một dự án việc tính toán hiệu quả sử dụng phải được đưa lên đầu tiên, nhưng hiện tại chưa tính đến vấn đề này, vì dự án mới dừng ở mức đề xuất chủ trương, chưa sang các bước triển khai.

Còn các DN vận tải có 2 đoạn đường song song thì họ có quyền lựa chọn chứ không nhất thiết phải đi vào đoạn đường thu phí".

Bên cạnh đó, theo ông Nhật, đây là giải pháp hợp lý nhất, bởi vì, như các chuyên gia đề xuất mở rộng Quốc lộ 1, đó là điều không thể. Còn nếu xây đường sắt tốc độ cao đoạn Hà Nội - TPHCM, kinh phí đầu tư toàn tuyến vào khoảng 55 tỷ USD, cao gấp khoảng 4 lần tuyến đường bộ cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh.


Theo Châu An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X