Hotline 24/7
08983-08983

2.200 người cấp cứu vì đánh nhau, Tết hay 'ngày hội đánh'?

Chỉ trong 3 ngày Tết đã có 2.200 người nhập viện cấp cứu và khám chữa vì đánh nhau, nên chăng đổi tên Tết thành “ngày hội đánh”.

2.200 nguoi cap cuu vi danh nhau, Tet hay 'ngay hoi danh'?
BV Việt Đức có rất nhiều ca cấp cứu vì đánh nhau trong dịp Tết (ảnh vnn)

Bộ Y tế cho biết , trong 3 ngày nghỉ Tết (30 đến mùng 2 Tết) có 2.203 trường hợp đến khám, cấp cứu do đánh nhau, có 990 trường hợp phải nằm lại viện điều trị, trong đó có 14 trường hợp tử vong. Riêng ngày mùng 1 Tết có hơn 440 trường hợp đánh nhau phải điều trị nội trú và chuyển viện.

Những con số này khi đọc trên mặt báo, không biết chúng ta nên cười hay nên mếu?

Chắc ít có đất nước nào trên thế giới, mỗi kỳ nghỉ lễ lại có những con số thống kê “đẹp” như ở ta. Liệu có phải tâm tính người Việt đã hung hãn tới mức chỉ khẽ động chuyện là lao vào đánh nhau, thậm chí ngày mùng 1 Tết cũng không kiêng dè, có tới 440 trường hợp đánh nhau phải nằm viện?

Mạng xã hội cũng phẫn nộ với vụ hành hung một người thương binh già của nhóm thanh niên Chương Mỹ (Hà Nội) khiến người này phải nhập viện vì đa chấn thương, mà nguyên nhân chỉ là va quẹt giao thông. Cũng trong ngày Tết, tại Hà Nội, một phụ nữ bị mất xe SH ở phố Núi Trúc, khi hô hoán lên có nhiều người vào trợ giúp thì đám đông đã lao vào đánh oan 3 người khác, vì tưởng...nhầm là trộm. 3 người này cũng máu me be bét, thương tích đầy mình.

Trước đó, 1 clip nữ sinh đánh nhau, lấy gạch đập vào đầu bạn đến ngất xỉu được cho là xảy ra tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) cũng lan truyền trên mạng gây bức xúc cho dư luận.

Chưa kể số người tử vong do tai nạn giao thông trong dịp Tết lên tới hàng trăm người, con số thương tích, nằm viện vì đánh nhau trong mấy ngày nghỉ Tết có khiến ai phải giật mình, sợ hãi.

Tại sao có những người Việt lại trở nên xấu xí và hành xử man rợ như vậy, trong khi cuộc sống thì đang phát triển theo hướng ngày càng văn minh hơn? Chỉ cần khẽ va chạm giao thông, chưa biết phải trái đúng sai thế nào đã lao vào đánh hội đồng một người già thương tật. Chỉ cần xích mích nhỏ, những đứa bé gái cũng lao vào đánh đập bạn như bầy thú hỗn chiến.

Phải chăng việc giáo dục nhân cách con người ở cả gia đình, nhà trường và xã hội đã không đề cao chữ “nhẫn” và chữ “hòa” khiến cho tâm tính con người trở nên nóng nảy, thiếu kiềm chế, chỉ thích dùng bạo lực để đối xử với nhau?

Có người nói vui liệu có phải vì dân tộc ta có tinh thần “thượng võ” nên mới “di truyền” cho con cháu một tinh thần thích “đụng tay đụng chân”, dùng cơ bắp thay cho trí óc. Nói vậy cho vui chứ đổ tội cho tinh thần “thượng võ” là hoàn toàn không phải. “Thượng võ” không phải là những kẻ ra đường đấm đá nhau cho vui, không phải lối hành xử côn đồ, vô nhân mà đề cao vẻ đẹp của võ thuật, ứng xử có trên có dưới, không lấy mạnh hiếp yếu.

Tết đáng lẽ là một dịp lễ hội thiêng liêng và đầm ấm nhất trong năm, thì hóa ra một ngày “hội đánh” tới mức 3 ngày Tết có tới hơn 2.200 người nhập viện cấp cứu, khám chữa. Và tình trạng này không phải chỉ mới xảy ra vào năm nay, các năm trước cũng có hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau 3 ngày Tết.

Có lẽ sẽ thiết thực hơn cho thế hệ trẻ, nếu ngày đầu tiên trở lại trường học, chúng được các thầy cô giáo nói về câu chuyện này, phân tích những con số đáng buồn này, để ý thức hơn về thói xấu xí của những người xung quanh chúng. Nếu làm được như vậy, may ra dịp Tết sang năm, con số những vụ đánh nhau mới không tăng lên.

Theo Mi An - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X