Hotline 24/7
08983-08983

1lít xăng Việt gánh 8.000đ thuế môi trường: Cao gấp rưỡi Mỹ

Trong bối cảnh hiện nay, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là một sự khiên cưỡng, không nên thực hiện.

Có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng

Trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính công bố, trao đổi với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá (Bộ Tài chính) cho rằng, trong bối cảnh mỗi lít xăng hiện phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí thì việc tăng thuế bảo vệ môi trường để tăng thu ngân sách là điều không hợp lý.

Theo ông Long, hiện nay, mỗi lít xăng đã phải "cõng" rất nhiều loại thuế phí, có lúc thuế phí chiếm gần 50% trong giá mỗi lít xăng.

So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là nước phát triển như Mỹ, mức thuế phí hiện giờ của nước ta là quá cao, cao gấp rưỡi Mỹ.

Hơn nữa, vấn đề khiến người dân bức xúc hiện nay là lợi ích doanh nghiệp, người tiêu dùng và nhà nước chưa hợp lý, đặc biệt thuế bảo vệ môi trường.

Trên thế giới, không phải nước nào cũng đánh loại thuế này, chỉ có một số ít nước áp dụng, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam không chỉ áp loại thuế này mà còn áp ở mức ngày càng cao, theo kiểu tận thu. Điều này thực sự là không hợp lý.

1lit xang Vietganh 8.000d thue moi truong: Cao gap ruoi My

Mức thuế môi trường với xăng dầu dự kiến tăng lên 8000 đồng/lít


Bên cạnh đó, ông Long phân tích: "Mức thuế bảo vệ môi trường của nước ta hiện nay là 1.000-4.000 đồng, cộng thêm các loại thuế khác đã đẩy giá xăng lên cao rồi. Nếu tăng lên 8.000 đồng nữa thì không biết giá xăng sẽ cao như thế nào. Chắc chắn sẽ gây một sự ngỡ ngàng cho công chúng.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu đánh thuế bảo vệ môi trường cao như vậy thì chắc chắn sẽ tác động đến sự cạnh tranh của doanh nghiệp, vì xăng dầu là loại vật tư rất quan trọng đối với mọi ngành trong nền kinh tế quốc dân. Vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ rất là yếu.

Ngoài ra cũng ảnh hưởng đến thu nhập của người dân, mặc dù hiện thu nhập bình quân của nước ta đã ở ngưỡng trung bình nhưng vẫn là mức trung bình thấp nhất của thế giới. Nếu đánh thuế trong khi mức sống của người dân còn thấp thì là điều không nên. Đây mới là dự thảo đưa ra, tôi chắc chắn rằng dự thảo này sẽ vấp phải sự phản đối là điều tất nhiên".

"Đừng để tiền thuế của dân ra đi mãi"


Bản thân ông Long, cũng không đồng tình với việc thu thuế phí để tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. Theo ông, thuế là một công cụ rất quan trọng, đó là kích thích hoặc hạn chế sản xuất. Nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.

Theo đó, Bộ Tài chính phải cải cách việc thu ngân sách, giữ kỷ cương ngân sách. Đừng nên để tiền thuế của dân ra đi mãi, có nghĩa là trong đầu tư công quản lý kém chặt chẽ, bao gồm cơ sở hạ tầng kém hiệu quả, thu ngân sách nhà nước thất thoát, lãng phí rất lớn.

"Chúng ta liên tục làm mất cân đối về ngân sách rất cao. Theo đó, quan điểm của tôi là Bộ Tài chính phải nuôi dưỡng nguồn thu thì mới có nguồn thu, chứ đừng nên vắt kiệt nguồn thu.

Còn trong bối cảnh hiện nay, theo tôi, việc tăng thuế bảo vệ môi trường là một sự khiên cưỡng, không nên", vị chuyên gia này nói thẳng.

Trước đó, trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường mới được Bộ Tài chính công bố để lấy ý kiến rộng rãi, có nêu rõ mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng dầu được kiến nghị tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với hiện nay.

Cụ thể, đối với xăng (trừ xăng etanol) mức thuế dự kiến sẽ tăng từ 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 - 8.000 đồng/lít. Riêng xăng E5 và E10 cũng được đề xuất áp mức từ 2.500 - 7.2000 đồng/lít.

Đối với dầu diezel, sắc thuế sẽ đánh 3.000-6.000 đồng/lít thay vì 500 - 2.000 đồng như hiện hành. Mỗi kg dầu ma dút cũng có thể sẽ phải chịu thuế tối đa gấp 3 lần hiện nay, tức là tăng 900-4.000 đồng…

Theo Bộ Tài chính, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu tăng mạnh được áp dụng từ giữa năm 2014 đã góp phần giữ ổn định thu ngân sách.

Hồi tháng 4/2016, khi thuế môi trường tăng lên mức 4000đ/lít, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Ngọc Sơn, Trưởng khoa Luật, Đại học Tôn Đức Thắng cho rằng, cần làm rõ chính là thuế bảo vệ môi trường dùng để làm gì. Nếu mục đích chỉ đơn thuần là giúp tăng ngân sách thì điều này không hợp lý. Mục tiêu phải nộp thuế môi trường là để dùng số tiền đó khắc phục những vấn đề môi trường mà sản phẩm đó có thể gây ra.

Tuy nhiên, nguồn thu này nộp vào ngân sách rồi được dùng cho hoạt động đầu tư nào đó thì hoàn toàn sai mục đích.

Theo Ngân Giang - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X