Hotline 24/7
08983-08983

15 triệu học sinh, sinh viên bước vào năm học mới

Sáng 5/9, tất cả trường phổ thông trên cả nước đồng loạt tổ chức lễ khai giảng, bắt đầu năm học mới 2015 - 2016.

.
Các trường học trên toàn thành phố Hà Nội bắt đầu tổ chức lễ khai giảng với nghi thức chào cờ, hát Quốc ca. Nhận thấy việc đọc diễn văn dài dòng như các năm trước khiến học sinh chán nản, không nghe, năm nay Sở Giáo dục yêu cầu các trường chỉ làm ngắn gọn phần phát biểu.

Trọng tâm của lễ khai giảng là đón học sinh đầu cấp và tổ chức các hoạt động văn nghệ, vui chơi để đảm bảo đây thực sự là ngày hội của học sinh.

HCMa-6512-1441414527.jpg

Học sinh trường THPT Nhân Việt với màu áo hải quân dự lễ khai giảng. Ảnh: Nguyễn Loan.

Hơn 1,5 triệu học sinh TPHCM sáng nay chính thức bước vào năm học mới. Từ sáng sớm trên các nẻo đường, hàng trăm học sinh áo dài vội vã đến trường.

Nhiều trường đã chuẩn bị rất chu đáo cho chương trình khai giảng như những điệu nhảy dân vũ của học sinh tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, chương trình khai giảng “Tổ quốc và Mẹ” của THPT Nhân Việt…

Năm nay thành phố tăng gần 85.000 em so với năm trước, trong đó bậc mầm non tăng nhiều nhất với hơn 26.000, tiểu học hơn 25.000. Đặc biệt, những quận vùng ven có số học sinh tăng đột biến như Bình Tân tăng 12.600, Bình Chánh tăng hơn 11.000, quận 12 hơn 8.300. Nhiều quận khác cũng có số học sinh tăng mạnh như Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức...

Việc học sinh tăng nhanh đã gây áp lực lên công tác quản lý và đào tạo của thành phố, trong đó có nhiều trường lượng học sinh quá đông, không gian học tập bị bó hẹp nên nhiều em không được tham gia lễ khai giảng. Một số trường như tiểu học Huỳnh Mẫn Đạt (quận 5) phải làm lễ khai giảng ở tầng hầm.

Ở nhiều tỉnh thành, đường xá đi lại khó khăn, nhưng phụ huynh rất cố gắng để con em có một ngày khai giảng vui vẻ. Tại thôn Xuân Lũng, xã Bình Trung (Cao Lộc, Lạng Sơn), nhiều bà mẹ dậy sớm đưa con lên bè mảng để vượt sông Kỳ Cùng sang trường tiểu học của xã Khánh Khê (Văn Quang). 

Thôn Xuân Lũng chỉ cách trường tiểu học Khánh Khê khoảng một km, nhưng phải vượt sông Kỳ Cùng. "Năm 2003, chính quyền đã đầu tư xây cầu từ Xuân Lũng sang Khánh Khê, nhưng đến 2007 huyện Văn Quang xây đập thủy nông khiến cầu bị ngập nước, không thể lưu thông, vì thế học sinh phải đi bè mảng", một người dân giải thích. Ngày mưa, nước sông lên cao, học sinh đành nghỉ học.

langson-5336-1441412671.jpg

Chị Vi Thị Thu (xã Bình Trung, Cao Lộc, Lạng Sơn) đưa con ra bè để sang sông đến khai giảng. Ảnh: Mây Hồng

Trao đổi trước thềm năm học mới, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm 2015-2016 toàn ngành giáo dục sẽ tập trung đổi mới quản lý, đổi mới từng phần chương trình phổ thông, tiến tới triển khai đại trà từ năm 2018.

Việc giảm tải cho học sinh tiếp tục được thực hiện, loại bỏ phần nội dung trùng lặp, xa rời thực tế và không phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh. Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ được điều chỉnh theo hướng tạo thuận lợi cho thí sinh và vẫn đảm bảo chất lượng.

Ghi nhận nỗ lực của ngành, trong thư gửi ngành giáo dục nhân năm học mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhắc nhở, Bộ cần nghiên cứu kỹ, tiếp thu góp ý của nhân dân, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục để các biện pháp đề ra thực hiện đạt kết quả cao, tạo được sự đồng thuận xã hội.

Với học sinh, Chủ tịch nước nhắn nhủ: "Các em là chủ nhân tương lai của đất nước, những người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam. Tôi mong các em tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học, noi gương các thế hệ cha anh, phấn đấu học tập, rèn luyện tốt để mai này lập thân, lập nghiệp, trưởng thành, góp phần đưa đất nước ta sánh vai với bè bạn năm châu".

Tại Hà Nội, trời đang rất đẹp, không mưa như lo lắng của phụ huynh và nhà quản lý giáo dục. Khả năng nắng gắt cũng không xảy ra, vì thế các trường có thể tổ chức khai giảng ở sân trường. Từ 6h30 sáng, trên các ngả đường, rất nhiều học sinh mặc đồng phục đã tự đi xe đạp, hoặc được bố mẹ đưa đến trường để đúng 7h30 bắt đầu lễ khai giảng kéo dài trong một tiếng.

Hôm nay, hơn 1,7 triệu học sinh của 2.585 trường học và cơ sở giáo dục của thủ đô đồng loạt bước vào lễ khai giảng. Sở Giáo dục đô đã yêu cầu các trường tổ chức khai giảng trong một tiếng, từ 7g30. Thời gian này được đánh giá là đủ cho các hoạt động phần lễ của trường học và giúp học sinh không phải mệt mỏi ngồi lâu. 

IMG-0370-JPG-2104-1441372337-2305-144141

Học sinh vui vẻ ngày tựu trường. Ảnh: Lan Hạ.

Năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định lấy 5/9 là ngày thống nhất tổ chức khai giảng ở tất cả trường học trên toàn quốc, thay vì mỗi địa phương, trường học chọn một ngày như trước kia. Khai giảng làm đúng nghi lễ chào cờ, học sinh cùng hát Quốc ca, đọc thư của Chủ tịch nước, hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn sau đó là ngày hội cho học sinh và thầy cô giáo.

Từ vài chục năm trước đó, 5/9 là ngày khai giảng, ngày tựu trường của học sinh toàn quốc sau 3 tháng nghỉ hè.

Sau này, kỳ nghỉ hè của nhiều trường, nhất là trường dân lập được rút ngắn, học sinh tựu trường và bước vào năm học mới từ tháng 8. 5/9 không còn là ngày tựu trường sau mấy tháng hè nữa, ý nghĩa khai giảng chỉ còn tượng trưng.

Theo VnExpress

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X