Hotline 24/7
08983-08983

1 lít xăng gánh 8.000 đồng thuế môi trường: Dân không phục?

Nếu Bộ Tài chính tăng thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng sẽ để lại những hệ lụy khó lường với nền kinh tế, cuộc sống nhân dân.

Giá cả tăng nhanh, nhân dân gánh hết

Liên quan đến đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường vừa được Bộ Tài chính công bố, trao đổi với Đất Việt, TS LS Bùi Quang Tín, giảng viên khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng cần phải xem xét hết sức thận trọng.

Theo TS Tín, việc đánh thuế bảo vệ môi trường là chính sách của từng quốc gia, mỗi quốc gia có một chính sách khác nhau phụ thuộc vào độ ô nhiễm môi trường do xăng gây ra... Vì vậy chính sách của Mỹ hay các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ khác với Việt Nam.

Tuy nhiên với mức thu dự kiến lên tới 8.000 đồng, vị chuyên gia đánh giá đây là số tiền tương đối cao so với thời điểm hiện tại khi chỉ áp dụng từ 1.000 - 4.000 đồng.

Trong bối cảnh xăng dầu hiện nay đang chịu quá nhiều loại thuế, TS Tín khẳng định việc tăng thuế môi trường với mặt hàng này vào thời điểm này sẽ tạo ra nhiều biến động đối với tình hình giá xăng trong nước cũng như các vấn đề xã hội khác.

1 lit xang ganh 8.000d thue moi truong: Dan khong phuc?
Nếu Bộ Tài chính tăng thuế môi trường với xăng lên 8.000 đồng sẽ để lại những hệ lụy khó lường với nền kinh tế, cuộc sống nhân dân.

“Thực tế người dân luôn luôn xem xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu trong nhà mình. Nếu tăng thuế thì dân vẫn phải sử dụng xăng, chứ không thể đi xe mà không cần xăng... Đó là chưa tính xăng còn là nguyên liệu trong lĩnh vực sản xuất. Quyết định này đồng nghĩa với việc giá xăng của Việt Nam sẽ tăng cao so với các nước rồi kéo theo đó là tình trạng nhập lậu xăng dầu.

Khi đó chúng ta lại càng khó kiểm soát. Đối với xăng dầu nhập lậu thì chất lượng rất khó tin, nó sẽ gây ra nhiễu loạn trong thị trường, khó khăn trực tiếp với doanh nghiệp, chất lượng không đảm bảo còn dẫn tới cháy nổ xe”, TS Tín nhấn mạnh.

Một vấn đề khác được vị chuyên gia chỉ ra đó là, nếu tăng thuế môi trường đối với mặt hàng xăng thì điều này đồng nghĩa với việc giá thành sản xuất của các doanh nghiệp cũng như giá đi lại của người dân.

“Trong bối cảnh các trạm BOT nhiều và phí cao như hiện nay, để giảm thua lỗ, bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải tăng cước vận tải. Điều này nếu kéo dài sẽ thành lạm phát hết sức nguy hiểm và về lâu dài thì người dân gánh hết.

Cho nên nếu quyết định tăng thuế môi trường đối với xăng để tăng ngân sách hay giải quyết các khó khăn trong nền kinh tế - xã hội vào thời điểm này cũng chỉ mang tính chất miễn cưỡng và rất khó lòng thuyết phục người dân”, TS Tín nêu quan điểm.

Công khai minh bạch thuế môi trường

Theo TS Tín, đối với loại thuế môi trường, thông thường một phần sẽ được đưa vào nguồn thu ngân sách của nhà nước, một phần nhất định được sử dụng để đảm bảo môi trường, xử lý ô nhiễm.

Tuy nhiên ở Việt Nam, vị chuyên gia cho rằng việc này chưa công khai, rõ ràng nên các chuyên gia cũng như người dân khó biết được số liệu cũng như tỷ lệ chính xác của việc này.

“Người dân cũng như doanh nghiệp đề không biết gì hết. Tôi không biết nhà nước thông qua kênh truyền thông nào để công bố nhưng bản thân tôi cũng không rõ nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường bao nhiêu % dùng để tăng ngân sách nhà nước và bao nhiêu phần trăm sử dụng đúng ý nghĩa của nó.

Đôi lúc người dân và doanh nghiệp có thể là dù không đồng ý nhưng vẫn phải sử dụng xăng. Đó là điều bất cập thời gian qua”, TS Tín nêu thực trạng.

Với đề xuất tăng thêm thuế môi trường theo dự thảo của Bộ Tài chính, giảng viên trường ĐH Ngân hàng TPHCM khẳng định, nhà nước cũng như các đơn vị có liên quan cần phải làm rõ những nghi ngại của người dân và các chuyên gia.

“Nhà nước cần công khai minh bạch, thông báo rộng rãi đến nhân dân và các tổ chức xem trong trong thời gian vừa qua thuế thu của người dân được sử dụng như thế nào, có đúng mục đích không? Nếu như không sử dụng để xử lý môi trường mà dùng vào mục đích khác thì việc thu thuế như vậy không phù hợp, không đúng ý nghĩa.

Việc này cần phải có sự giám sát của các cơ quan giám sát nhà nước: Ví dụ như sự giám sát của các cơ quan Quốc hội, cơ quan các cấp, hội đồng nhân dân,... Cho nên những đơn vị này cần phải báo cáo công khai.

Ngoài ra, người dân cũng cần biết, việc tăng thêm thuế môi trường vào thời điểm này là cần thiết như thế nào. Người dân cần biết và phải nắm được những thông tin đó, có thể thông qua trang website của Bộ Tài chính hay là thông qua người phát ngôn của Bộ tài chính hoặc thông qua báo chí, báo chí truyền thông”, TS Tín nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, ở các nước khác trên thế giới, việc thu thuế môi trường cũng được áp dụng rộng rãi. Tuy nhiên mọi thông tin đều công khai, minh bạch để người dân và các tổ chức, cá nhân quan tâm có thể tìm kiếm được.

Đặc biệt, họ sử dụng rất hiệu quả số tiền thu được vào mục đích bảo vệ môi trường trong khi đó ở Việt Nam xăng phải đóng thêm thuế môi trường nhưng môi trường không được cải thiện nhiều.

“Các quốc gia khác có thể hạn chế những khí thải hoặc đưa ra các quy tắc riêng để các doanh nghiệp tự hạn chế việc xả nhiều khí thải ra môi trường. Thậm chí họ sẽ xử phạt rất nghiêm minh với những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, với những nơi ô nhiễm cao, nhà nước sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lại, giống như là giấy phép xả thải. Ví dụ ô nhiễm chỉ được ở mức “5” nhưng hôi nhưng ở khu vực nào đó lên tới mức “6.” tức là đã vượt ngưỡng.

Trong trường hợp này, những quốc gia này ngay lập tức bỏ tiền ra mua công cụ để bảo vệ môi trường, xử lý vấn đề ô nhiễm để không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh”, TS Tín dẫn chứng.

Cần sử dụng hợp lý nguồn ngân sách

Trước đề xuất của Bộ Tài chính, vị chuyên gia cho rằng, các cơ quan, Bộ, ngành liên quan cần phải vào cuộc để cùng đưa ra ý kiến đánh giá, góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế bảo vệ môi trường.

Theo TS Tín, trong trường hợp này, Ngân hàng nhà nước - nơi quản lý ngân sách tiền tệ, chỉ tiêu lạm phát; Bộ Tài nguyên môi trường quản lý về vấn đề môi trường của đất nước; Bộ Công Thương quản lý về vấn đề thương mại của đất nước cũng như vấn đề kinh doanh của doanh  nghiệp...; Bộ Kế hoạch đầu tư quản lý đầu tư trong và ngoài nước cần phải lên tiếng đánh giá, đưa ra phân tích, nhận định cụ thể, khách quan.

“Các cơ quan bộ ngành khác cần phải đưa ra ý kiến của mình tại vì mỗi Bộ quản lý những lĩnh vực khác nhau nhưng bất kỳ chính sách thuế nào đưa ra nó sẽ tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, người dân”, TS Tín nói.

Dưới góc độ của một nhà kinh tế, TS Bùi Quang Tín khẳng định, Quốc hội chỉ đồng ý thông qua Dự thảo trên khi Bộ Tài chính có những giải trình hợp lý về số tiền thuế đã được sử dụng chính đáng cũng như có ý kiến phản biện từ các Bộ, ngành liên quan.

“Tôi nghĩ chúng ta có nhiều cách để tăng nguồn thu ngân sách của nhà nước. Việc tăng thuế môi trường với xăng có thể xem xét nhưng phải có những giải thích hợp lý. Những cách thông thường hiện nay nhiều nước đang làm đó là tăng thu. Thứ hai là giảm chi những thứ không hiệu quả.

Ngoài ra kết hợp vừa tăng thu vừa giảm chi hiệu quả. Đặc biệt tôi cho rằng chúng ta cần phải sử dụng thật sự hiệu quả nguồn ngân sách của nhà nước. 12 dự án thua lỗ ngàn tỷ thời gian qua cho thấy việc này chưa được chú trọng và đạt hiệu quả cao”, TS Tín nhấn mạnh.

Phí chồng phí

Hiện nay với mỗi lít xăng, phí người dân đang phải chịu khiến nhiều chuyên gia trong ngành tài chính, ngân hàng hết sức e ngại.

Cụ thể, với xăng dầu thì thuế suất thuế nhập khẩu đang là 18%, thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt là 10%, thuế GTGT 10%, phí bảo vệ môi trường 1.000 đồng. Trong đó, riêng thuế giá trị gia tăng được tính trên 10% của tổng giá CIF, các loại thuế, phí và lợi nhuận định mức, chi phí kinh doanh định mức…


Theo Hoàng Nam - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X