Hotline 24/7
08983-08983

Thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh điều trị như thế nào?

Câu hỏi

Bác sĩ cho em hỏi, Thoái hóa cột sống thoát đĩa đệm chèn ép thần kinh điều trị như thế nào?

Trả lời

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương

Bác sĩ - Bệnh viện Trưng Vương

Thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các tác nhân sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, và trên lâm sàng thường biểu hiện chứng đau về thần kinh.

Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Và khi thoát vị đĩa đệm có đè ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân. Khi thoát vị ở vị trí cổ, sẽ gây đau cổ gáy. Nếu kết hợp ép rễ thần kinh cánh tay sẽ gây đau cổ, vai và tay cùng bên bị chèn ép. Thoát vị cũng có thể không nhận biết được khi không có triệu chứng vì nó không gây đè ép vào rễ dây thần kinh.

Để điều trị thoát vị đĩa đệm chèn ép thần kinh cần lưu ý đến chế độ vận động. Trong thời kỳ cấp tính, nằm nghỉ tại giường là nguyên tắc quan trọng đầu tiên. Tư thế nằm ngửa trên ván cứng, có đệm ở vùng khoeo làm co nhẹ khớp gối và khớp háng. Thực hiện điều trị vật lý và các liệu pháp phản xạ: bao gồm phương pháp nhiệt như chườm nóng (túi nước, muối rang, cám rang, lá lốt, lá ngải cứu nóng); dùng các dòng điện tại khoa vật lý trị liệu, điều trị bằng laser; châm cứu. Ngoài ra bệnh nhân có thể dùng các loại thuốc chống viêm, giảm đau, giãn cơ, an thần, trấn tĩnh thần kinh và vitamin nhóm B.

Một biện pháp điều trị quan trọng là thông qua sự can thiệp của biện pháp phẫu thuật, khi tình trạng đau, tê không đáp ứng với điều trị thông thường khác, khi có dấu hiệu chèn ép thần kinh nặng trên phim MRI và triệu chứng yếu, liệt, mất chức năng trên lâm sàng.

Bệnh thuộc chuyên khoa Ngoại thần kinh cột sống, bạn nhé.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, khiến bạn bị đau do chèn ép thần kinh. Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào của cột sống nhưng hay gặp nhất ở thắt lưng (các đốt sống L4, L5, S1) gọi là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Khi thoát vị đĩa đệm có chèn ép vào rễ dây thần kinh tọa sẽ gây chứng đau thắt lưng và đau lan xuống chân, gọi là đau thần kinh tọa.

Thoát vị đĩa đệm có thể bắt nguồn từ một hoặc nhiều nguyên nhân, bao gồm các yếu tố sau đây:

- Tuổi tác: Khoảng 80 - 85% thành phần của đĩa đệm là nước và collagen chiếm tới 44 - 51% phần còn lại.

- Sai tư thế: Đây có lẽ là nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm phổ biến ở nhiều người. Những người thường xuyên phải làm công việc liên quan đến khiêng vác, cúi gập người nhiều như nông dân, công nhân bốc vác, lái xe… có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng.

- Thói quen xấu: Những thói quen có hại cho xương gồm: Uống rượu, hút thuốc và ăn uống không khoa học.

- Một số nguyên nhân khách quan khác: Chấn thương, thừa cân, di truyền, bệnh tật, sự thay đổi của cơ thể (mang thai)…

Việc chữa bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thường tuân theo những phương pháp sau:

- Phương pháp nội khoa

Nguyên tắc điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng hay bất kỳ căn bệnh nào thường áp dụng hình thức điều trị nội khoa trước tiên. Sau đó, nếu không có hiệu quả mới áp dụng các phương pháp tiếp theo.

+ Điều trị bằng thuốc như: Thuốc giảm đau - chống viêm và kết hợp phương pháp bảo tồn bổ sung canxi, vitamin…
+ Điều trị vật lý trị liệu với các hình thức như kéo giãn cột sống, châm cứu, bấm huyệt, dùng tia hồng ngoại, sóng ngắn, điện xung… Đây là hình thức hỗ trợ cho quá trình điều trị bệnh bằng thuốc.

- Phương pháp ngoại khoa (phẫu thuật)

Nếu phương pháp nội khoa không đạt hiệu quả thì phẫu thuật là phương pháp được chọn lựa tiếp theo. Những trường hợp cấp cứu bắt buộc phải phẫu thuật là bệnh nhân đang mắc hội chứng đuôi ngựa (sự chèn ép vào rễ các dây thần kinh nằm ở cột sống thắt lưng), gây liệt. Có hai cách phẫu thuật:

+ Phẫu thuật nội soi: Đây là phương pháp mổ hiện đại giúp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng qua đường lỗ liên hợp.
+ Phẫu thuật hở: Là phương pháp mổ truyền thống vẫn được áp dụng từ xưa đến nay nhưng dễ gây ra biến chứng.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X