Hotline 24/7
08983-08983

Thoát khỏi biến chứng cường tuyến cận giáp nhờ kỹ thuật xạ hình SPECT CT

Bệnh nhân T.T.H (55 tuổi) đã trải qua 4 lần phẫu thuật lấy sỏi và 10 năm uống thuốc để ổn định hàm lượng canxi trong máu trước khi điều trị dứt điểm căn bệnh sỏi thận.

Bệnh nhân T.T.H có quá trình điều trị sỏi thận và bệnh lý tiết niệu dai dẳng và phức tạp. Từ năm 2009 đến năm 2013, ông đã trải qua 4 lần phẫu thuật lấy sỏi và điều trị các bệnh lý liên quan như niệu quản bị ứ nước.

Trong thời gian theo dõi bệnh, các bác sĩ nhận thấy hàm lượng canxi trong máu ông rất cao. Chỉ số PTH - hormone tuyến cận giáp điều tiết hàm lượng canxi, photpho trong máu của bệnh nhân có lúc vượt ngưỡng 100, trong khi người bình thường dao động trong khoảng từ 16 - 65.

Nghi ngờ đây là biểu hiện của bệnh lý cường tuyến cận giáp, các bác sĩ chỉ định ông chụp xạ hình và kết quả cho thấy bệnh nhân có u tuyến cận giáp.

Năm 2014, ông T.T.H đến một bệnh viện khác trong thành phố để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ khối u tuyến cận giáp. Tuy nhiên, sau phẫu thuật tình trạng bệnh chẳng những không thuyên giảm mà còn trở nặng hơn.

Tháng 7/2019 ông T.T.H đến Bệnh viện FV khám Niệu khoa để kiểm tra chức năng của thận và niệu quản. Đồng thời, ông cũng được xét nghiệm hormon cận giáp, lúc này chỉ số PTH của ông đã lên đến 148. Các bác sĩ đã nghiên cứu kỹ hồ sơ của lần mổ ở bệnh viện khác gần đây nhất. Kết quả cho thấy, u tuyến cận giáp thực sự chưa được cắt bỏ mà chỉ lấy đi nhân tuyến giáp lân cận.

Để xác định chính xác tình trạng hiện tại của khối u, các bác sĩ liên chuyên khoa hội chẩn, chỉ định bệnh nhân thực hiện xạ hình, chụp cắt lớp và dựng hình bằng thiết bị Spect CT. Kỹ thuật này đã giúp các bác sĩ phát hiện chính xác vị trí khối u tuyến cận giáp nằm ẩn sâu vào trong nhân của tuyến giáp, đồng thời cũng đo được kích thước khối u cũng như các mối tương quan giải phẫu ở vùng cổ, qua đó giúp cho phẫu thuật viên dễ dàng thao tác cắt bỏ.

Hình minh họa về tuyến cận giáp trong cơ thể người

Ngày 8/8, ông T.T.H được mổ để cắt bỏ khối u. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ nhận thấy tại vết mổ cũ xuất hiện tình trạng kết dính khiến dây thần kinh vùng cổ bám vào tuyến cận giáp, tình huống nguy hiểm nhất có thể xảy ra sẽ làm ảnh hưởng thanh quản, bệnh nhân bị khàn tiếng suốt đời.

Tuy nhiên với kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ kết quả chẩn đoán, tình huống khó khăn này đã được êkip bác sĩ tháo gỡ tỉ mỉ cắt bỏ khối u thành công. Bệnh nhân được xuất viện vào ngày sau đó, ăn uống bình thường và không khàn tiếng. Các chỉ số PTH canxi, phốtpho trong máu đã trở lại bình thường sau nhiều lần xét nghiệm định kỳ 7 ngày, 30 ngày và 60 ngày.

Trường hợp bệnh nhân T.T.H gặp phải là khối u lành tính của tuyến cận giáp. Tuy nhiên, do cường độ hoạt động của tuyến cận giáp quá cao làm tăng hàm lượng canxi trong máu. Nếu để tình trạng kéo dài bệnh nhân sẽ tiếp tục bị sỏi thận, đồng thời phát sinh loãng xương, nặng nhất có thể dẫn đến tàn phế.

Theo bác sĩ Phan Văn Thái - Trưởng khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện FV: “Ca phẫu thuật tuy không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ để tránh biến chứng cho bệnh nhân. Sự thành công của ca mổ nhờ vào kỹ thuật mới xạ hình, chụp cắt lớp và dựng hình mà thiết bị Spect CT cung cấp”.

Bệnh nhân T.T.H đã hoàn toàn khỏi bệnh, không còn lo lắng về tình trạng tăng canxi máu cũng như trút bỏ được gánh nặng của những biến chứng gây sỏi thận, loãng xương và bệnh tiết niệu suốt 10 năm qua.

U tuyến cận giáp là căn bệnh phổ biến của cường tuyến phó giáp nguyên phát, thường xuất hiện ở độ tuổi từ 50 đến 60 với tỉ lệ trung bình từ 1 đến 4/1000 người.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X