Hotline 24/7
08983-08983

Thoát chết kỳ diệu nhờ tế bào gốc

Chiều 14/3, tại đại học Khoa học tự nhiên TPHCM (Thủ Đức), một người đàn ông đến từ Hoa Kỳ đã gây phấn khích cho cử toạ bằng câu chuyện thật về cuộc đời mình. Đó là Eric Drew.


[141908]Eric_3Drew đã chiến thắng trong cuộc chiến lớn nhất cuộc đời mình. 

Sau khi đi nhiều nước để truyền cảm hứng về nghị lực vượt qua cái chết cho nhiều người, giờ đây Drew lại truyền cảm hứng nghiên cứu tế bào gốc (TBG) cho các sinh viên trẻ.

Quá khắc nghiệt

Tháng 12/2002, trong một lần đi hiến máu, Drew tình cờ được bác sĩ chẩn đoán mắc căn bệnh bạch cầu cấp thể lympho (acute lymphoblastic leukemia) giai đoạn cuối. Đó là một dạng bệnh ung thư, thường xảy ra cho trẻ con, hiếm khi cho người lớn, nhanh chóng cướp đi sinh mạng con người bằng cách tàn phá máu và tuỷ xương.

Mọi thứ đổ nhào với Drew vì anh có một tương lai xán lạn trước mắt với vị trí giám đốc phát triển thương mại của một công ty phần mềm, anh có một người yêu xinh đẹp. Phải nói thêm, Drew rất vạm vỡ, đẹp trai, là người mẫu cho các tạp chí và từng là cầu thủ bóng đá ở trường đại học.

Drew bắt đầu hành trình chữa trị tại trung tâm ung thư Stanford. Dù suy sụp tinh thần rất nhiều, nhưng anh có niềm tin, điều mà anh có được từ thầy dạy bóng đá ở trường, Charlie Wedemeyer, người bị căn bệnh liệt quái ác Lou Gehrig. Wedemeyer không bỏ cuộc, vì thế Drew cũng không chịu thất bại.

Anh nói với bác sĩ: “Hãy chữa cho tôi bằng mọi cách, tôi sẽ không để căn bệnh giết chết tôi”. Nhưng thực tế lại vốn khắc nghiệt. Theo bác sĩ, Drew có một bất thường nhiễm sắc thể khiến căn bệnh ung thư của anh rất khó bị đánh bại.

Ngày nọ, khi bạn gái vào thăm Drew, con tim anh cũng ngưng đập vì hậu quả của những đợt trị liệu. May mắn là bác sĩ có mặt kịp thời để nhồi tim và giúp anh thoát chết.

Mùa xuân 2003, trên giường bệnh, Drew biết rằng những cách hoá trị, xạ trị đơn thuần không thể cứu được anh. Anh cần được ghép tuỷ xương. Các bác sĩ cũng đồng ý như thế, nhưng họ cho anh biết tỷ lệ sống lâu dài chỉ từ 40 - 70%. Nhưng với bất thường về nhiễm sắc thể như của Drew, tỷ lệ này chỉ còn… 10 - 50%. Thành công của ghép tuỷ phụ thuộc vào sự thuận hợp giữa người cho và người nhận, càng hợp nhiều, khả năng sống càng cao.

Tuy nhiên việc tìm kiếm người cho tuỷ phù hợp với Drew như “mò kim đáy biển”. Anh không có người thân trực tiếp. Anh gửi mail cho mọi người quen trên khắp thế giới để nhờ tìm kiếm, nhưng vô vọng.

 Không chịu thua cuộc

Ngày nọ, có người đề nghị anh một giải pháp điều trị đang thử nghiệm gọi là ghép TBG tạo máu nửa thuận hợp (haploidentical transplantation), nghĩa là người cho chỉ cần phù hợp một nửa nhiễm sắc thể. Drew đồng ý và anh được ghép TBG từ một người em họ.

Nhưng ba tháng sau ghép, bác sĩ cho biết phương pháp thất bại. Bác sĩ nói: “Chúng tôi hết cách. Chúng tôi có thể chuyển anh đến khu chăm sóc giảm nhẹ”.

Là nhân chứng sống về liệu pháp tế bào gốc, Eric Drew đã truyền cảm hứng nghiên cứu cho các sinh viên trẻ. Ảnh: Bình YênLà nhân chứng sống về liệu pháp tế bào gốc, Eric Drew đã truyền cảm hứng nghiên cứu cho các sinh viên trẻ. Ảnh: CTV

Bất chấp tất cả, Drew không nản lòng. Anh muốn chiến đấu đến cùng. Ngày nọ, một người hỏi anh tại sao không thử với TBG cuống rốn. Thời điểm đó, ở Mỹ chuyện này còn chưa rõ ràng, nhưng Drew có niềm tin và niềm tin được củng cố bởi Daniel Weisdorf, một chuyên gia về ghép tuỷ và máu. “Máu cuống rốn có rất nhiều TBG tuỷ xương với tiềm năng phát triển to lớn”.

Dù hứa hẹn, nhưng thực tế TBG lấy được từ một cuống rốn không đủ để điều trị cho một người lớn. Vì thế, từ năm 2000, đại học Minnesota áp dụng cách khác: dùng TBG từ hai nguồn máu cuống rốn cho, điều này làm tăng cơ hội thành công ghép ở người lớn lên 90%.

Drew đồng ý cách điều trị này. Tháng 7.2004, Drew được truyền TBG từ hai nguồn cho – một em bé sơ sinh tại Ý và em bé khác ở Ohio (Hoa Kỳ). Drew cảm nhận đây là cuộc chiến cuối cùng của đời mình vì anh đã ở bờ vực cái chết.

Do phản ứng của cơ thể với TBG và ảnh hưởng của những đợt hoá trị và xạ trị trước đó, cơ thể anh bị tàn phá nghiêm trọng. Máu từ mắt và tai anh chảy ra, ruột bị huỷ hoại, anh tiêu chảy kèm theo máu. Bên giường bệnh, mẹ anh nói: “Được rồi, con có thể ra đi”. “Nhưng con vẫn chưa sẵn sàng, con sẽ tiếp tục chiến đấu”, anh nói.

Tháng 6.2005, thời khắc sự thật lên tiếng cũng đến. Drew được bác sĩ sinh thiết để xem phương pháp điều trị có thành công không. Và anh đã nhận được một kết quả không ngờ, anh bình phục 100%! Drew không thể tin vào sự thật, càng không tin khi bác sĩ cho biết một anh Drew 37 tuổi giờ đây mang trong mình hoàn toàn máu của một bé gái người Ý!

Drew đã chiến thắng trong cuộc chiến lớn nhất cuộc đời mình.  

Muốn hợp tác với đại học quốc gia TPHCM

Sau khi thoát chết, giờ đây Eric Drew dành cuộc đời mình để giúp đỡ bệnh nhân mắc các chứng bệnh nặng giai đoạn cuối. Ông là người sáng lập và giám đốc quỹ phi lợi nhuận Eric Drew Foundation.

Eric cho biết sẽ sớm ra mắt mạng xã hội Patient Strategy and Resource Center, nơi kết nối những trung tâm chữa trị hàng đầu khắp thế giới để giới thiệu giải pháp chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Ông bày tỏ ý muốn hợp tác với đại học Quốc gia TPHCM trong lĩnh vực nghiên cứu điều trị bằng tế bào gốc. 

Theo Châu Giang - Thế giới tiếp thị
Nông thôn ngày nay

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X