Hotline 24/7
08983-08983

Thoái hóa khớp ở người cao tuổi được chữa trị như thế nào?

Thoái hóa khớp là bệnh thường gặp nhất trong các bệnh ở người cao tuổi, bệnh gây đau và biến đổi cấu trúc khớp, ảnh hưởng đến sinh hoạt người bệnh.

Tổn thương cơ bản của bệnh là tình trạng thoái hóa của sụn khớp và đĩa đệm, những thay đổi ở phần xương dưới sụn và màng hoạt dịch. Nguyên nhân chính của bệnh là do quá trình lão hóa và tình trạng chịu áp lực quá tải và kéo dài của sụn khớp.

Nguyên nhân thoái hóa khớp ở người cao tuổi

Thoái hóa khớp gối ở người già xảy ra do hậu quả của tổn thương sụn khớp. Sụn khớp bị mòn, hư theo thời gian. Tuổi càng cao, sụn khớp càng trở nên xù xì, mỏng không bảo vệ được đầu xương. Do vậy hai đầu xương thường xuyên tiếp xúc với nhau gây đau.

Thoái hóa khớp gối ở người già xảy ra do hậu quả của tổn thương sụn khớp
Thoái hóa khớp gối ở người già xảy ra do hậu quả của tổn thương sụn khớp

Những người thừa cân, béo phì cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp gối do trọng lượng cơ thể đè lên khớp gối lớn. Nguyên nhân thoái hóa khớp gối ở người già còn do chấn thương, va đập do tai nạn giao thông khiến khớp bị tổn thương.

Có nhiều yếu tố thuận lợi gặp ở người cao tuổi bị thoái hóa khớp gối như di truyền, viêm đa khớp dạng thấp, viêm khớp…

Sử dụng thuốc, trong đó sử dụng thuốc corticoide không đúng cũng có thể gây thoái hóa khớp gối.

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác như bệnh lý bẩm sinh, dinh dưỡng người cao tuổi không hợp lý, uống bia quá nhiều,…

Làm sao để nhận biết thoái hóa khớp ở người già?

Bệnh thoái hóa khớp ở người già thường đau khi vận động và giảm đau khi nghỉ ngơi, khi đau thường đau đối xứng hai bên, đau âm ỉ, khi vận động ở tư thế bất lợi có thể gây ra những cơn đau cấp. Bệnh này thường đau nhiều vào buổi chiều, đêm và sáng sớm đỡ đau hơn. Các biểu hiện đau thường diễn biến thành từng đợt, có khi đau liên tục tăng dần nhưng không kèm theo các biểu hiện viêm.

Các khớp và cột sống bị thoái hóa sẽ bị hạn chế vận động một phần, có khi hạn chế nhiều do phản xạ co cứng cơ kèm theo. Bệnh nhân có thể không làm được một số động tác như không quay được cổ, không cúi được sát đất, một số bệnh nhân có dấu hiệu phá gỉ khớp.

Ngoài ra còn các biểu hiện: Teo cơ, tiếng lạo xạo khi vận động, tràn dịch khớp. Những tác động của bệnh thoái hóa khớp ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người cao tuổi và sinh hoạt của họ.

Các thể thoái hóa khớp

Theo nguyên nhân người ta chia thành 2 thể:

Nguyên phát: Nguyên nhân chính là do lão hóa, thường xuất hiện muộn ở người cao tuổi, thoái hóa ở nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi, mức độ không nặng.

Thứ phát: Do nguyên nhân cơ học, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, khu trú ở một vài vị trí, bệnh nặng và tiến triển nhanh.

Điều trị thoái hóa khớp thế nào?

Làm sao để nhận biết thoái hóa khớp ở người già?
Làm sao để nhận biết thoái hóa khớp ở người già?

Nguyên tắc chung trong điều trị thoái hóa khớp là làm giảm triệu chứng đau, duy trì hoặc điều trị phục hồi chức năng của các khớp, hạn chế sự tàn phế, tránh các tác dụng độc do dùng thuốc.

Điều trị không dùng thuốc

Bệnh nhân nên vận động, tập thể dục, giảm cân, điều trị bằng phương pháp vật lí, lao động chữa bệnh. Người bệnh nên tập luyện thể dục nhẹ nhàng sau khi hết cơn đau cấp, đi bộ, bơi lội, tập dưỡng sinh… nhằm tăng cơ bắp, xương khớp dẻo dai. Nếu người bệnh béo phì, thừa cân cần giảm cân nặng, giữ cân ở mức vừa phải. Đây được coi là bí quyết sống khỏe cho bệnh nhân thoái hóa khớp.

Điều trị bằng thuốc

Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid: Đây là nhóm thuốc có tác dụng chống viêm, giảm đau và hạ sốt. Các thuốc này thường dùng trong điều trị thoái hóa khớp vì vừa có tác dụng giảm đau, chống viêm. Khi dùng liều nhỏ các thuốc chống viêm giảm đau sẽ giảm nguy cơ tác dụng phụ trên ống tiêu hóa.

Người bệnh chỉ nên lựa chọn 1 trong số các thuốc chống viêm giảm đau không steroid, không nên phối hợp 2 hay nhiều thuốc cùng nhóm vì tăng nguy cơ biến chứng nhưng tác dụng điều trị không tăng.

Có thể phối hợp thêm các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày, thuốc ức chế bơm proton hoặc misoprostol. Đề phòng biến chứng dạ dày tá tràng ở những bệnh nhân dùng thuốc kéo dài hoặc có yếu tố nguy cơ cao.

Điều trị bằng phẫu thuật

Những bệnh nhân sau một thời gian điều trị nếu không kết quả hoặc có ảnh hưởng lớn đến chức năng cử động khớp có thể dùng biện pháp can thiệp phẫu thuật. Hiện nay có thể phẫu thuật nhiều bệnh nhân thoái hóa khớp gối bằng nội soi cắt bỏ gai mâm chày, phục hồi các dây chằng, có nhiều kỹ thuật mới, vật liệu mới, nên phẫu thuật thay khớp kết quả ngày càng cao.

Phẫu thuật sửa chữa chỏm xương đùi và ổ cối được chỉ định cho bệnh nhân thoái hóa khớp phản ứng.

Phẫu thuật thay toàn bộ khớp tổn thương bằng khớp nhân tạo được chỉ định cho những bệnh nhân đau nhiều, biến dạng khớp giúp cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân thoái hóa khớp.

Bên cạnh đó, người già cũng nên có chế độ ăn uống hợp lý góp phần quan trọng trong điều trị thoái hóa khớp, cần bổ sung canxi, vitamin D cho xương chắc khỏe.

Theo Sức khỏe người cao tuổi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X