Hotline 24/7
08983-08983

Thịt gà: Món ăn vị thuốc

Là một trong 12 con giáp, hình ảnh con gà đã gắn liền với đời sống người dân từ bao đời nay.

Gà có mặt trong trong lễ cúng của làng ở đình chùa, miếu mạo cho đến lễ lạt tại gia. Dân gian cũng coi thịt gà là bài thuốc dễ tìm, rẻ tiền và gần gũi với người dân.



Bài thuốc hay

Thịt gà quá quen thuộc với người dân nước ta. Là vật nuôi trong gia đình nên giàu hay nghèo, bữa cơm cúng 3 ngày Tết không thể thiếu món gà để dâng gia tiên.

Thói quen ấy vẫn được giữ cho tới ngày nay và thịt gà ngày càng phổ biến hơn trong bữa cơm gia đình bởi đời sống người dân khấm khá hơn.

Với người dân bình thường, thịt gà là món dễ chế biến, dễ ăn và phù hợp với mọi người. Người già, trẻ nhỏ, người bệnh hay phụ nữ mang thai cho đến khi sinh đều dùng được các món ăn chế biến từ gà.

Với người dân, thịt gà cũng như nhiều món ăn khác trong bữa cơm hàng ngày thì trong Đông y, đây được coi là một trong vị thuốc. Theo BS.TTND Nguyễn Xuân Hướng, thịt gà có vị ngọt, tính ấm, giúp ôn trung ích khí, bổ tinh tủy.

Người gầy yếu, sút cân, suy kiệt, đầy bụng khó tiêu, tiêu chảy, tiểu dắt, sau đẻ ít sữa, tiểu đường... ngoài dùng thuốc còn được bác sĩ Đông y khuyên ăn thêm thịt gà.

Tuy nhiên, khác với người khỏe mạnh, thịt gà có thể chế biến đơn giản thành món luộc, kho, nướng, rán thì người cơ thể đang ốm yếu, suy kiệt nên kết hợp với một số gia vị, vị thuốc để hỗ trợ sự hồi phục của cơ thể tốt hơn.

Theo đó, gà hầm cách thủy với nhân sâm cùng chút rượu, gia vị hoặc cho thảo quả, nghệ tươi, vỏ quýt, hành, giấm... rất tốt cho bệnh nhân thường xuyên mệt mỏi, chán ăn, đầy hơi. Với người bị ù tai, chóng mặt có thể sử dụng món gà hầm rượu.

Món gà hấp hoàng kỳ được khuyên dùng với trường hợp sa dạ dày, sa thận, sa trực tràng hoặc tử cung. Phụ nữ sau đẻ có thể coi gà là món ăn, vị thuốc qua bữa ăn hàng ngày.

Chỉ cần một con gà vừa phải, làm sạch rồi thêm chút gạo, gia vị cho vào nồi hầm hay hấp cách thủy giúp sản phụ nhanh chóng lấy lại sức lực, sữa dồi dào.

Ăn mãi một món cũng chán, gia đình có thể nấu cháo gà, gà rút xương hầm đương quy nhân sâm cho phụ nữ sau sinh, sau nạo thai...

Tuy là món ăn - vị thuốc quen thuộc nhưng BS Hướng lưu ý khi dùng cũng cần lưu ý, người có cơ địa mẫn cảm, cholesterol cao không nên ăn da gà, gan gà. Trong quá trình chế biến, ngoài việc làm sạch nên cho thêm chút gừng để món ăn có vị thơm, tăng tính ấm, tốt cho trẻ nhỏ, người bệnh.

Ăn cũng phải biết cách

Từ xa xưa, các cụ đã có câu “nhất thủ nhì vĩ” nhằm ám chỉ đây là bộ phận ngon nhất của con gà. Trước kia, chỉ những người có chức sắc, tiếng tăm trong làng mới được thưởng thức món ăn trên. Ngày nay, thói quen ăn đầu, phao câu vẫn được nhiều người ưa chuộng.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, việc lựa chọn bộ phận của con gà để ăn cũng công phu bởi còn phụ thuộc vào sức khỏe của mỗi người.

BS Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế), nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, phao câu gà không tốt như nhiều người lầm tưởng.

Phao câu gà đúng là mềm, ngậy, nhiều chị em dù không thích nhưng cố ăn vì nghe nói tốt cho da, đẹp tóc nhưng thực chất đây là nơi chứa nhiều tổ chức bạch huyết, gần hậu môn nên siêu vi trùng, vi khuẩn tập trung nhiều... nên nếu thường xuyên ăn sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí là nguồn cơn của căn bệnh ung thư.

Với đầu gà, nhiều người ăn cho bổ não nhưng tốt đâu chưa thấy chỉ biết bộ phận này thường có sán, nếu không chế biến kỹ sẽ vô tình nạp sán vào người.

Da gà, cổ gà và cánh gà cũng lựa chọn người ăn. Da gà đúng là ngon, trông đẹp mắt nhưng không phải ai cũng ăn được. Nguyên nhân do da gà chứa nhiều chất béo, cholesterol và là nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn nên người thừa cân, béo phì, mỡ máu không nên dùng. Người bình thường, trẻ nhỏ thỉnh thoảng có thể ăn.

Cổ gà, cánh gà và chân gà rất hợp với dân nhậu hay người thích gặm. Theo BS Tiến, bằng mắt thường chúng ta cũng biết những bộ phận trên ít thịt, thậm chí cổ gà còn là nơi tập trung nhiều mạch máu, hạch bạch huyết.

Cùng với cánh, cổ gà là nơi tập trung nhiều chất tăng trọng trong chăn nuôi chưa được giải phóng nên lâu dần tích tụ. Nếu thỉnh thoảng ăn cho đỡ thèm thì không sao, nhưng ăn như bị... nghiện rõ ràng đang tự rước bệnh cho mình.

Cũng theo BS Tiến, gần đây, người dân rộ lên phong trào ăn kê gà để tăng cường sức mạnh đàn ông. Được ví như thần dược nên kê gà hay ngọc kê tạo thành cơn sốt.

Có cầu ắt có cung. Trước kia, chỉ cần dặn người bán gà là có thể mua được 1 - 2 lạng nhưng nay người người, nhà nhà có nhu cầu nên muốn ăn phải đặt trước cả tuần.

Các quán ăn, nhà hàng cũng nhanh chóng nắm bắt thị hiếu nên thêm vào thực đơn của mình món miến, lẩu ngọc kê (gồm kê gà, trực tràng, trứng non, lòng mề...) với giá không hề rẻ.

Chiều lòng chị em, nhiều người buôn bán trên mạng cũng ra sức quảng cáo mặt hàng này. Theo lời quảng cáo, kê gà được đặt hàng tại công ty giết mổ có uy tín, được đóng gói và đông lạnh đảm bảo an toàn.

Tuy nhiên, BS Tiến băn khoăn, với lượng gà tiêu thụ hàng ngày, liệu có thu gom được số lượng kê lớn như vậy để phục vụ thị trường hay không. Hay ngoài là kê gà nhưng bên trong có cả kê vịt, kê ngan...

Mặt khác, cũng như cơn sốt cánh gà, chân gà hay trứng gà non một thời thực chất được nhập từ các nước với giá rẻ bất ngờ do không kiểm soát được chất lượng...

Do vậy, người tiêu dùng nên tỉnh táo trong việc lựa chọn thực phẩm. Với đồ ăn cũng vậy, thái quá bất cập, ăn quá nhiều, ăn thường xuyên một món sẽ khiến cơ thể quá tải, đôi khi gây tác dụng ngược, BS Tiến khuyến cáo.

- Thịt và trứng gà là bộ phận có giá trị nhất. Trứng gà có vị ngọt nhẹ, giúp điều hòa ngũ tạng và dưỡng thai. Thịt gà tốt cho dưỡng khí. Thịt gà có thể trị bệnh phong hàn, giảm suy nhược cơ thể, thanh nhiệt, bổ khí huyết...

- Những bộ phận còn lại của gà (tiết, gan, cánh, cổ, chân, da) có thể ăn nhưng không nhiều. Người bệnh, trẻ nhỏ không nên ăn.


Theo La Giang - Giáo dục và Thời đại

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X