Hotline 24/7
08983-08983

Thiếu máu cơ tim là gì, có triệu chứng gì cảnh báo?

Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu chảy qua động mạch vành bị suy giảm, từ đó làm giảm lượng máu giàu oxy tới cơ tim. Vậy, căn bệnh này nguy hiểm không tới mức nào và có triệu chứng gì cảnh báo thiếu máu cơ tim?

Triệu chứng cảnh báo thiếu máu cơ tim

Trong một số trường hợp, người bị thiếu máu cơ tim sẽ không cảm thấy bất kỳ triệu chứng gì bất thường. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy đau, có áp lực ở lồng ngực, đặc biệt là đau thắt ngực trái, hãy cảnh giác với bệnh thiếu máu cơ tim.

Phụ nữ, người già và người bệnh đái tháo đường bị thiếu máu cơ tim còn có thể gặp các triệu chứng như: Đau cổ/quai hàm, đau vai/cánh tay, nhịp tim nhanh, khó thở khi vận động, buồn nôn, nôn mửa, đổ mồ hôi nhiều, hay thấy mệt mỏi.

Những nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim

Thiếu máu cơ tim xảy ra khi lưu lượng máu qua một hay một vài động mạch vành bị giảm. Điều này có thể làm giảm lượng oxy cung cấp tới cơ tim. Trên thực tế, bệnh thiếu máu cơ tim có thể phát triển từ từ theo thời gian khi các động mạch bị tắc nghẽn, hoặc bệnh có thể phát triển nhanh chóng khi một mạch máu đột ngột bị chặn lại.

Dưới đây là một số nguyên nhân gây thiếu máu cơ tim:

Bệnh động mạch vành: Các mảng bám, chủ yếu là cholesterol tích tụ trên thành động mạch có thể hạn chế lưu lượng máu tới tim. Đây là một trong những nguyên chính gây thiếu máu cơ tim.

Cục máu đông: Khi các mảng bám, xơ vữa trong lòng động mạch bị vỡ ra, chúng sẽ hình thành cục máu đông chặn dòng máu, dẫn tới thiếu máu cơ tim đột ngột và có thể gây đau tim.

Bệnh động mạch vành, có cục máu đông... có thể gây thiếu máu cơ tim

Co thắt động mạch vành: Dù hiếm gặp, tình trạng các cơ trong thành động mạch đột nhiên co thắt lại cũng có thể khiến lưu lượng máu tới tim giảm nhanh, thậm chí ngăn chặn máu tới cơ tim.

Những cơn đau tức ngực ở người bệnh thiếu máu cơ tim còn có thể bị kích hoạt bởi: Cảm xúc căng thẳng, vận động quá sức, nhiệt độ lạnh, ăn quá no, sử dụng các chất kích thích hay hoạt động tình dục.

Yếu tố nguy cơ gây thiếu máu cơ tim

Thuốc lá: Hút thuốc lá hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá có thể gây tổn thương thành động mạch, làm tăng nguy cơ hình thành mảng bám trong lòng động mạch. Ngoài ra, hút thuốc lá còn có thể gây co thắt động mạch vành, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông.

Đái tháo đường: Đái tháo đường type 1 và type 2 đều có thể làm tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim, đau tim và nhiều biến chứng tim mạch khác.

Tăng huyết áp: Theo thời gian, tình trạng tăng huyết áp có thể đẩy nhanh quá trình xơ vữa động mạch, gây ra nhiều tổn thương cho động mạch vành.

Mỡ máu cao: Nồng độ cholesterol, triglyceride trong máu cao có thể gây hình thành mảng xơ vữa gây hẹp động mạch.

Béo phì: Nam giới có vòng eo trên 102cm, nữ giới có vòng eo trên 89cm sẽ có nguy cơ bị tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim mạch cao, từ đó gián tiếp tăng nguy cơ thiếu máu cơ tim.

Lười vận động: Lười vận động có thể góp phần gây béo phì, mỡ máu cũng như các bệnh tim mạch khác, trong đó có thiếu máu cơ tim.

Thiếu máu cơ tim nguy hiểm thế nào?

Nếu không được điều trị, thiếu máu cơ tim có thể dẫn tới các biến chứng nguy hiểm sau:

- Đau tim: Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, tình trạng thiếu máu, thiếu oxy có thể phá hủy một phần cơ tim, gây đau tim, thậm chí dẫn tới tử vong.

- Rối loạn nhịp tim: Biến chứng này có thể góp phần làm suy yếu trái tim.

- Suy tim: Theo thời gian, các cơn thiếu máu cơ tim lặp đi lặp lại có thể dẫn tới suy tim.

Do đó, ngay từ khi phát hiện thiếu máu cơ tim, người bệnh nên chủ động phòng ngừa biến chứng song song với việc điều trị triệu chứng bệnh.

Theo Tạp Chí Thực Phẩm Chức Năng Health+

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X