Hotline 24/7
08983-08983

Thiệt thân vì thực phẩm chức năng

Chỉ vì tin lời quảng cáo hấp dẫn mà sau một thời gian sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN), anh Jim McCants, người Mỹ, bị suy gan và phải ghép gan.

Thực phẩm chức năng không vô hại như ta tưởng.

Câu chuyện Jim chia sẻvới hãng tin BBC mới đây khiến người ta phải cân nhắc sử dụng những sản phẩm này.

Jim cho biết mình không lạm dụng rượu, bia và 5 – 6 ngày/tuần đều bỏ ra 30 – 60 phút để chạy bộ. Khi nhập viện điều trị, bác sĩ không tìm ra nguyên nhân khiến anh bị suy gan.Nhưng rồi Jim nhớ lại trong một thời gian dài anh có dùng trà xanh. Hồ sơ bệnh án khoanh tròn “thủ phạm” này với nghi vấn làm anh bị bệnh. Jim nhớ lại: “Tôi bị sốc vì trước nay chỉ nghe những điều tốt lành về trà xanh, chứ không nghe nó gây ra vấn đề sức khoẻ gì”.

Bốn năm sau ghép gan, Jim vẫn còn nhiều vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như suy thận, cần thẩm phân và lâu dài cần phải ghép thận. Anh đang theo đuổi vụ kiện hãng sản xuất TPCN Vitacost, với mong muốn họ phải ghi lên sản phẩm và website cảnh báo nguy cơ để người tiêu dùng cân nhắc sử dụng. “Chuyện của tôi xem như đã xong, nhưng tôi muốn mọi người cần biết đến nguy cơ tương tự”, anh nói.

Được sử dụng hàng ngàn năm nay như một thức uống tốt lành cho sức khoẻ, lẽ nào trà xanh lại có hại? Nhiều người đặt vấn đề như thế và các nhà khoa học cũng không chắc chắn. Nhưng theo GS Herbert Bonkovsky, đại học Wake Forest, North Carolina (Hoa Kỳ), người bỏ ra gần 20 năm theo dõi những tổn thương liên quan đến sử dụng TPCN trà xanh, nếu người ta chỉ sử dụng trà xanh ở mức độ vừa phải thì không sao, nhưng nếu sử dụng tinh chất cô đặc số lượng nhiều thì nguy cơ sức khoẻ có thể xảy ra.

Quan ngại ở đây chính là thành phần độc hại tiềm ẩn có tên Epigallocatechin-3-gallate hay EGCG, hiện diện nhiều trong những phức hợp tự nhiên có tính chất chống oxy hoá trong trà xanh gọi là catechins. GS Bonkovsky cho rằng, có thể một số người đã nhạy cảm với EGCG liên quan đến yếu tố di truyền và cách thức sử dụng.

Một nghiên cứu mới đây của uỷ ban an toàn thực phẩm châu Âu về sự an toàn của trà xanh, kết luận rằng catechins trong nước trà xanh nói chung là “an toàn”, nhưng nếu dùng viên bổ sung catechins với liều 800mg/ngày trở lên thì “sức khoẻ có thể gặp vấn đề”.

Chuyện của anh Jim McCants không phải cá biệt, ở nước ta những năm qua vài bệnh viện cũng từng cấp cứu những trường hợp ngộ độc TPCN, chẳng hạn một phụ nữ ở Sơn La, đầu năm nay bị suy gan và tử vong do dùng TPCN để giảm cân.

Theo các chuyên gia sức khoẻ, một ngộ nhận khá phổ biến trong dân gian khi cho rằng TPCN là sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nên hoàn toàn vô hại. Nhưng theo TS Wayne Carter của đại học Nottingham (Anh), nếu dùng TPCN trên liều khuyên dùng, nguy cơ sức khoẻ vẫn xảy ra. Ông nói: “Người ta sẽ nói rằng ‘sản phẩm đó tốt cho tôi, do đó nếu dùng quá liều thì tôi sẽ tốt hơn thôi’, nhưng đó là suy nghĩ không đúng”.

Thực tế, theo y học, trong nhiều trường hợp nếu dùng TPCN quá liều thì cơ thể sẽ đào thải, nhưng nếu điều này không diễn ra như mong muốn, cơ thể sẽ bị ngộ độc, đặc biệt là gan, bộ phận giải độc của cơ thể. Một nguy cơ khác của TPCN, theo TS Carter, là nếu người ta dùng nhiều sản phẩm cùng lúc, thì chúng có thể tương tác qua lại với nhau và tạo ra những chất độc gây hại cho cơ thể.

Nhưng khó tránh khỏi những ngộ nhận về TPCN khi bủa vây quanh ta là vô số những “quảng cáo có cánh.” Trong cuộc sơ kết công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tuần qua ở TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng cục An toàn thực phẩm, bộ Y tế, thừa nhận khó kiểm soát tình trạng quảng cáo TPCN trên mạng tràn lan. Ông nói: “Phổ biến nhất là quảng cáo TPCN như thuốc chữa bệnh, thậm chí là ‘thần dược’. Nhưng xử phạt không dễ, vì hiện nay việc mở website quá dễ dàng; trong khi không đủ cán bộ để quản lý, theo dõi các vi phạm trên mạng. Có trường hợp rõ ràng là công ty vi phạm quảng cáo sản phẩm TPCN, nhưng khi mời công ty lên làm việc, nó do một cá nhân đứng tên”.

Thực trạng vi phạm quảng cáo TPCN cũng phổ biến ở nhiều quốc gia, vì thế để người tiêu dùng không lâm cảnh “tiền mất tật mang”, có quốc gia như Anh Quốc đã đưa ra hướng dẫn khá chi tiết cho người dân khi mua TPCN. Chẳng hạn chỉ mua sản phẩm của nhà cung cấp nổi tiếng và thông qua kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt, xem sản phẩm có được thử nghiệm lâm sàng trên số người giống hoàn cảnh của mình không (tuổi tác, giới tính), xem xét những cảnh báo (thí dụ: cẩn thận với người bị bệnh tim), tránh dùng nhiều sản phẩm cùng lúc và chỉ dùng đúng liều khuyên dùng.

Theo TGTT/Thegioihoinhap

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X