Hotline 24/7
08983-08983

Thể hang nhân tạo trị "trên bảo, dưới lơ"

Cuối tháng qua, Bệnh viện Bình Dân TPHCM cho biết bắt đầu triển khai kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo để điều trị chứng rối loạn cương (RLC), phương pháp được nhiều nghiên cứu ghi nhận mang lại sự hài lòng cho nam giới lẫn “đối tác” đến hơn 90%.

Bệnh nhân rối loạn cương tăng gần gấp đôi trong mười năm qua, một phần do tỷ lệ béo phì và đái tháo đường ở nam giới tăng mạnh

Cám ơn Leonard de Vinci

Trong cuốn Nam khoa cho mọi người, TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên ngành nam khoa, viết: “Một bước tiến quan trọng trong lịch sử điều trị RLC là phát hiện ra cơ chế cương dương vật. Đó chính là sự bơm căng máu vào hai thể hang - hai ống chính tạo nên lõi của dương vật”. Một nhận xét thật chí lý, vì gần như mọi phương pháp chữa RLC hiện đại đều dựa trên cơ chế này. Không hiểu biết nó, chẳng bao giờ có thuốc uống, thuốc chích, bơm cơ học, nối động mạch hay đặt thể hang… để chữa căn bệnh được ví là “trên bảo dưới không nghe”.

Thế nhưng, chắc không mấy người biết rằng người đầu tiên nói dương vật cương không do “vận khí” mà do máu đổ dồn tới hai thể hang, chẳng phải là một bác sĩ lừng lẫy nào, mà là nhà bác học người Ý Leonard de Vinci.

Chuyện kể, de Vinci chỉ tin vào những gì mắt thấy. Năm 1477, sau khi chứng kiến một vụ xử treo cổ ở TP Florentine và thấy nhiều bộ phận trong cơ thể người này, trong đó có dương vật, bị ứ máu và cương cứng, ông mới hiểu ra và thốt lên: “Không có chuyện khí làm cương dương vật, vì tôi đã nhìn thấy bộ phận này đỏ hồng, dấu hiệu của sự ứ máu bên trong”.

Ra đời vào những năm 1970, kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo điều trị RLC cũng dựa trên nguyên lý “ứ máu”. ThS.BS Mai Bá Tiến Dũng, trưởng khoa nam học bệnh viện Bình Dân, cho biết: “Đây là thiết bị được các bác sĩ phẫu thuật đặt vào vùng sinh dục của người bệnh, bảo đảm tính kín đáo và thuận tiện trong sinh hoạt. Thiết bị gồm hai que hình trụ đặt vào hai bên thể hang, một túi chứa muối sinh lý đặt sau xương mu và một bơm đặt ở bìu để người bệnh có thể chủ động bật, tắt chức năng cương. Ba bộ phận này được kết nối bằng hệ thống dây dẫn nằm ẩn bên trong cơ thể”.

Nghe đơn giản như thế, nhưng mất hơn 30 năm phương pháp đặt thể hang nhân tạo mới hoàn chỉnh. Năm 1936, BS Nicolos A. Bogoras đề xuất phương pháp này bằng cách dùng sụn và xương sườn, nhưng kỹ thuật nhanh chóng thất bại vì sau vài năm ghép vào, sụn và xương bị cơ thể hấp thu, trở nên mềm nhũn và vô dụng. Sau rất nhiều lần cải tiến, kỹ thuật đặt thể hang nhân tạo mới chuẩn hoá như ngày nay.

Theo TS Như, thời hoàng kim của phương pháp là những năm 70 - 80 thế kỷ trước, khi nó nhanh chóng bị các thuốc tiêm vào thể hang đánh bật khỏi võ đài. Nhưng cũng buồn cười, giờ đây phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo lại được áp dụng cho những trường hợp RLC… “hết thuốc chữa”. BS Dũng nói: “30% nam giới RLC không đáp ứng với thuốc và cần đến một giải pháp khác, trong đó có đặt thể hang nhân tạo”.

Những bất lợi cần biết 

Nhiều nghiên cứu trên thế giới thừa nhận việc đặt thể hang nhân tạo mang lại tỷ lệ hài lòng cho nam giới lẫn bạn tình đến 85 - 95%.  Tuy nhiên, nó cũng có bất lợi. Trong một bài viết đăng trên trang sức khoẻ của đại học Harvard (Hoa Kỳ), BS Abraham Morgentaler, người sáng lập trung tâm sức khoẻ nam giới Men’s Health Boston, cho biết trước khi làm kỹ thuật này, bệnh nhân và người bạn tình cần trao đổi kỹvới bác sĩ về lợi ích và nguy cơ.

Ông nói: “Kỹ thuật có thể gây cương nhưng lại không làm tăng cảm xúc, chưa kể một số người còn than phiền “cậu nhỏ” của mình sau phẫu thuật ngắn hơn so với trước. Nhìn chung phương pháp này bảo tồn được khả năng xuất tinh và phấn khích, nhưng nó lại không thể phục hồi được những điều này nếu trước đó người nam không còn. Bạn cũng đừng nên trông đợi ghép thể hang sẽ giải quyết được những vấn đề trong mối quan hệ cá nhân. Nếu cần giải quyết xung đột, bạn và bạn tình nên gặp chuyên gia tâm lý. Cuối cùng, một số cặp cảm thấy không vui với giải pháp này, vì họ không được can dự trực tiếp vào sự cương cứng”.

Và cũng như mọi phương pháp mổ xẻ, đặt thể hang nhân tạo cũng có thể gặp biến chứng nhiễm trùng. Trên trang web uy tín mayoclinic.org, các chuyên gia cho biết nguy cơ nhiễm trùng gia tăng nếu bệnh nhân có tổn thương cột sống hay mắc bệnh đái tháo đường. Một vấn đề khác, thiết bị có thể gặp trục trặc khi sử dụng, lúc đó bệnh nhân phải được mổ lại để lấy ra, sửa chữa hoặc thay thế một thiết bị mới. Trong một số trường hợp, thiết bị dính vào và mắc kẹt bên trong dương vật, hoặc vỡ rồi xuyên da đi ra bên ngoài.

Một nhược điểm lớn của phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo là chi phí khá cao. Có nhiều loại thể hang khác nhau, do Mỹ và châu Âu sản xuất, với giá dao động trên dưới 10.000 USD tuỳ loại có chất phòng chống nhiễm trùng hay không. Trong 60 - 80% trường hợp, thiết bị có thể sử dụng đến mười năm rồi phải thay mới. Nhưng theo một bác sĩ nam khoa, khi đã chọn phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo, bệnh nhân sẽ không còn đường lui. Ông nói: “Bệnh nhân đặt thể hang sẽ mất hoàn toàn khả năng cương tự nhiên của dương vật, và loại trừ hoàn toàn khả năng quay lại với cơ chế cương cứng tự nhiên”.

Trong khi đó, khi trả lời trên CNN năm 2015, GS Tom Lue, phó bộ môn niệu đại học California - San Francisco, nhấn mạnh đến cách sống của bệnh nhân RLC. Ông nói: “Đầu tiên là giáo dục bệnh nhân, điều này tốt hơn mổ xẻ. Nam giới bị stress tấn công hàng ngày, từ đó dẫn đến RLC. Đặt thể hang gây nhiều xâm lấn và biến chứng, đặc biệt đối với bệnh nhân có vấn đề kèm theo như béo phì, cao huyết áp”.

Theo Bình Yên - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X