Hotline 24/7
08983-08983

Thế giới ứng xử thế nào với axit benzoic?

Axit Benzoic được phát hiện từ thế kỷ thứ XVI, axit yếu này và các muối của nó được sử dụng làm chất bảo quản thực phẩm. Đây là một chất ban đầu quan trọng để tổng hợp nhiều chất hữu cơ khác.

Sau vụ lô tương ớt Chin-su bị thu hồi tại Nhật vì có chứa chất bảo quản axit benzoic. Người ta đặt câu hỏi vì sao chất này vẫn được cho phép sử dụng ở nhiều nước khác nhau.

Sự bùng nổ ngành axit bảo quản

Theo trang tài chính vi mô ( Micro finance post), các báo cáo nghiên cứu thị trường sử dụng chất acid bảo quản trong giai đoạn 2018-2023 cho thấy đây là một thị trường tiềm năng. Các xu hướng kinh doanh mới trong thị trường axit hóa chất trong bảo quản thức ăn chăn nuôi sẽ tăng từ 1,59 tỷ USD năm 2017 lên 2,30 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng đạt 6,4%.

Điều này cho thấy, thị trường axit bảo quản thức ăn toàn cầu đã tăng trưởng theo cấp số nhân trong vài năm qua. Các quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ là thị trường phát triển nhất.

Hầu như tất cả các loại nước ngọt hiện đã bổ sung vitamin C tổng hợp dưới dạng axit ascobic và kết hợp với axít benzoic sẽ tạo ra benzen gây ung thư.

Sở dĩ ngành này phát triển chính là do việc  cấm sử dụng kháng sinh trong thức ăn của Liên minh châu Âu và nâng cao nhận thức về sức khỏe và chất lượng thức ăn động vật là một số yếu tố thúc đẩy chính cho thị trường này.

Thị trường axit bảo quản toàn cầu được phân chia thành axit propionic, axit fumaric, axit lactic, axit formic và các loại khác (axit butyric, axit sorbic, axit malic, axit citric và axit benzoic). Phân khúc axit propionic chiếm thị phần lớn nhất, dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao nhất trong giai đoạn dự báo do tăng sử dụng axit propionic làm phụ gia thức ăn trong dinh dưỡng động vật và axit benzoic chỉ chiếm một thị phần nhỏ trong số thị trường acid toàn cầu, nhưng cũng có sự  tăng trưởng.

Mỹ sản xuất khoảng 126.000 tấn axit benzoic mỗi năm, phần lớn trong số này được tiêu thụ nội địa để điều chế các chất khác.

Hơn nữa, một trong những lý do chính cho sự gia tăng này là để thay thế các chất kích thích tăng trưởng kháng sinh, vốn đã bị cấm làm phụ gia thức ăn chăn nuôi trong Liên minh châu Âu kể từ năm 2006.

Axit benzoic có thể gây ung thư

Từ đầu những năm 1900, người ta đã chứng minh được axit benzoic và muối benzoate khi gặp vitamin C có trong thực phẩm sẽ tạo thành phản ứng sinh ra benzene. Trong khi đó, benzene đã được kết luận là chất gây ung thư từ những năm 1980 và được khuyến cáo tránh hấp thu benzene qua đường thở (không khí ô nhiễm), hoặc đường ăn uống (thực phẩm).

Trên thị trường Mỹ vào năm 2008, các nhà khoa học của FDA (Cục Quản lý dược và thực phẩm Mỹ) đã phát hiện benzene trong một số mẫu nước giải khát sử dụng muối benzoate như chất bảo quản.

Đa số các loại rau củ quả, trái cây đều chứa vitamin C, nên việc sử dụng muối benzoate trong quá trình bảo quản các sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, nước chấm có ớt hay cà đều làm tăng khả năng sinh ra benzene. Hơn nữa, bản thân nhóm benzoic - benzoate cũng gây độc ở người nếu chúng ta tiêu thụ nhiều hơn 5 mg/kg thể trọng mỗi ngày, theo Tổ chức Y tế thế giới.

Do đó, các nhà khoa học khuyên, người tiêu dùng nên hạn chế mua các sản phẩm sử dụng axit benzoic và natri benzoate. Việc đọc kỹ nhãn mác thực phẩm trước khi mua là một thói quen rất tốt. Đối với các sản phẩm nước chấm, gia vị, nên tự làm ở nhà hoặc mua các sản phẩm sử dụng chất bảo quản khác (axit sorbic - E200, kali sorbate - E202) an toàn hơn cho sức khỏe.

Vì axit benzoic độc hại, lượng benzoat có thể được thêm vào thực phẩm được kiểm soát cẩn thận. Codex, cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) quản lý, giới hạn lượng axit benzoic hoặc natri benzoate ở mức 0,05 đến 0,1% theo thể tích. Hầu hết các loại thực phẩm được phép không quá 1.000 mg mỗi kg.

Theo trang Youwealthrevolution, nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, hầu như tất cả các loại nước ngọt hiện đã bổ sung vitamin C tổng hợp dưới dạng axit ascobic và kết hợp với axít benzoic sẽ tạo ra benzen nguy hiểm.

Sự kết hợp này gây ra sự suy giảm các tế bào hồng cầu, suy giảm nghiêm trọng hệ thống miễn dịch tạo ra các triệu chứng dị ứng tổng quát, bệnh bạch cầu, các bệnh ung thư máu khác và các tình trạng máu tiền ung thư.

Ấn Độ cấm, Mỹ vẫn chưa


Chính phủ Ấn Độ thời gian gần đây cũng ra chỉ thị mới có liên quan tới việc ngừng sử dụng ngay lập tức 14 nguyên liệu thiếu cơ sở khoa học về sự an toàn khi sử dụng, trong đó có axít benzoic. Chính phủ cũng chỉ đạo  thu hồi bất kỳ sản phẩm nào có chứa các thành phần này ngay lập tức.

Năm 2016, chính phủ Canada đã công bố 11 chất bảo quản được phép sử dụng, trong đó axit benzoic, nhưng họ liệt kê rõ nó được sử dụng đối với mặt hàng nào và liều lượng bao nhiêu.

Cụ thể, axit benzoic được sử dụng trong bảo quản hoa quả như táo, dứa, mứt hoa quả, nước hoa quả, cà chua, trong bảo quản thịt,cá... đều ở tỉ lệ 1/1.000 (1.000 mg/kg thực phẩm), riêng với bơ thực vật thì nếu sử dụng cùng với axit sorbic cũng không được vượt quá tỉ lệ này.

Các quốc gia trên khắp châu Âu đã gây áp lực cho ngành công nghiệp thực phẩm để tự nguyện loại bỏ natri benzoate khỏi các sản phẩm, trước khi có hành động mạnh mẽ hơn.

Một số cơ quan truyền thông châu Âu đã kêu gọi cấm tuyệt đối chất bảo quản độc hại này do lo ngại về an toàn phát triển của trẻ em.

Tuy nhiên, chính phủ và truyền thông Mỹ vẫn im lặng một cách đáng lo ngại. Hầu như không có nghiên cứu nào ở Mỹ về tác dụng hóa học đối với trẻ em. Ngành công nghiệp hóa chất ở Mỹ được bảo vệ tốt và người ta thường nói rằng, ai đi vào nghiên cứu lĩnh vực này coi như tiêu tan sự nghiệp.

Ông Richard Wiles, Phó chủ tịch nhóm môi trường làm việc của Mỹ cho rằng: “Một lần nữa, FDA đã đứng về phía các công ty thực phẩm lớn và đánh lừa người tiêu dùng về vấn đề benzen trong đồ uống, đưa ra những lời trấn an trái ngược với kết quả kiểm tra của chính họ”.

Theo Tiền Phong

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X