Hotline 24/7
08983-08983

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ: Phẫu thuật u não bằng robot và các phương pháp khác

14g thứ năm (21/2), Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ chia sẻ về phẫu thuật u não bằng robot, cách phát hiện và điều trị căn bệnh nguy hiểm này với bạn đọc AloBacsi.

Ngày 15/2/2019, Bệnh viện Nhân Dân 115 đã trở thành đơn vị đầu tiên ở khu vực Châu Á thực hiện thành công kỹ thuật mổ u não bằng robot Modus V Synaptive. Việc thực hiện thành công kỹ thuật trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới trong lĩnh vực phẫu thuật các bệnh lý về thần kinh cho người bệnh.

Đến với chương trình tư vấn trực tuyến tuần này, Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ, trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân Dân 115 sẽ chia sẻ về “Phẫu thuật u não bằng robot và các phương pháp khác”.

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ sẽ trả lời về các vấn đề xung quanh việc phẫu thuật u não bằng robot, giải đáp thắc mắc của bệnh nhân về phẫu thuật u não, các vấn đề trước và sau phẫu thuật…

Quý bạn đọc có thể xem lại 2 buổi tư vấn trước của ThS.BS Chu Tấn sĩ:

>> Buổi tư vấn ngày 5/10/2017

>> Buổi tư vấn ngày 11/10/2018

Chương trình được phối hợp thực hiện bởi Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn và Bệnh viện Nhân dân 115.

 

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ - phẫu thuật viên chính trong ca phẫu thuật u não bằng robot đầu tiên tại châu Á

 

NỘI DUNG BUỔI TƯ VẤN

PHẦN 1: AloBacsi trao đổi về chủ đề “Phẫu thuật u não bằng robot và các phương pháp khác”

- Thưa bác sĩ, u não là gì, có giống u ở các bộ phận khác trên cơ thể không?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

U não là sự tăng sinh của các tế bào trong não, bao gồm 2 loại tế bào: tế bào thần kinh và tế bào thần kinh đệm (thường gặp hơn). Cũng giống như các bộ phận khác trên cơ thể, khi các tế bào phát triển bất thường do sự đột biến nào đó trên gen điều khiển sẽ sinh ra các tổ chức tân sinh được gọi là u. Do đó, có thể gặp u não, u phổi, u tim, u gan…

- Dấu hiệu nhận biết u não gồm những gì? Dấu hiệu nhận biết u não và dấu hiệu nhận biết đột quỵ khác nhau thế nào ạ? U não nguy hiểm như thế nào nếu không điều trị?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Trong điều kiện bình thường, áp lực trong sọ được duy trì bởi 3 thành phần: tổ chức não, máu trong lòng mạch, dịch não tủy. Theo định luật Monro-Kelly, các thành phần này sẽ duy trì thể tích phù hợp sao cho áp lực trong sọ không đổi. Khi có sự thay đổi thể tích của một trong 3 thành phần này hoặc xuất hiện thành phần thứ 4 mới sẽ làm tăng áp lực trong sọ.

Khi đó bệnh nhân sẽ có biểu hiện lâm sàng của hội chứng tăng áp lực trong sọ, bao gồm: nhức đầu, nôn, buồn nôn, phù gai thị (phải soi đáy mắt mới thấy), động kinh, rối loạn tri giác…  Sau đó sẽ xuất hiện dần các dấu thần kinh định vị do tổn thương chèn ép vào các trung tâm vận động, cảm giác, ngôn ngữ, thị giác, khứu giác…

Nếu bệnh nhân không được điều trị làm giảm áp lực trong sọ thì có thể dẫn đến tụt não, chèn ép các cấu trúc quan trọng dẫn đến tử vong. Một số trường hợp khối u chèn vào các vùng chức năng, dẫn đến thiếu máu nuôi, hoại tử, bệnh nhân sẽ khiếm khuyết thần kinh, để lại di chứng không hồi phục, ngay cả khi đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u hoàn toàn.

Dấu hiệu của u não diễn tiến chậm, từ từ, song hành theo sự phát triển thể tích của khối u và cơ thể có sự thích nghi, còn triệu chứng của đột quỵ xảy đến đột ngột, mang tính cấp tính.

- Cần làm những gì để chẩn đoán xác định u não, thưa bác sĩ?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Để xác định u não cần thực hiện:

- Điện não đồ: ghi nhận được các sóng bất thường ở vị trí tổn thương của não

- Xquang sọ: ghi nhận sự bào mòn hoặc tăng sinh của các phần xương sọ phía trên của khối u

- Siêu âm: thường áp dụng siêu âm qua thóp ở trẻ nhũ nhi (còn thóp), ghi nhận những di lệch các cấu trúc bình thường của não

- CT scanner + cộng hưởng từ có thuốc và không thuốc: ghi nhận khối u não, tổn thương thứ phát quanh u, mạch máu tân sinh (nguồn máu nuôi u), sự chèn ép và di lệch của các tổ chức quanh u.

- Nguyên nhân gây u não? U não có phòng ngừa được không? Những người nào có nguy cơ cao bị u não?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

U não không có nguyên nhân, người ta chỉ ghi nhận một số yếu tố thuận lợi có thể dẫn tới u não, VD: sóng điện thoại, sinh sống ở vùng có sóng bức xạ cao, một số trường hợp có sự đột biến gen di truyền (u bao sợi thần kinh NF1, NF2), cho nên trong nhà có người bị u não thì cả nhà nên đi tầm soát gen đó để phát hiện sớm u não.

- Có mấy phương pháp điều trị u não? Xin BS mô tả từng phương pháp.

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

- Điều trị nội khoa, bảo tồn: nhằm mục đích nâng đỡ người bệnh, chuẩn bị thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán và lập kế hoạch điều trị. Phương pháp này thường được chỉ định để làm giảm áp lực trong sọ, chống động kinh…

- Phẫu thuật: phẫu thuật có nhiều mục đích như làm giảm áp lực trong sọ, sinh thiết để biết bản chất tổn thương, giải phóng chèn ép lên các vùng chức năng. Hiện nay thường sử dụng kính vi phẫu để phẫu thuật u não. Trong một số trường hợp có thể phẫu thuật nội soi (rất hạn chế). Và phương pháp mới nhất là phẫu thuật robot.

- Hóa trị: rất hạn chế chỉ định, chỉ một số u não có đáp ứng điều trị với hóa trị.

- Xạ trị: thường được chỉ định cho những trường hợp u nguyên phát tại não và u di căn não

- Gamma knife: được chỉ định cho những tổn thương nhỏ hơn 2,5cm (thường không chỉ định cho trẻ em do kết cấu hộp sọ chưa vững chắc).

 

- Điều trị u não bằng robot có ưu điểm như thế nào trong quá trình thực hiện mổ?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Mổ bằng robot có lợi thế: lập trình sẵn kế hoạch, phẫu trường rõ, được dẫn đường bằng sự lập trình của robot trước mổ, nhanh chóng tiếp cận tổn thương trực tiếp… do đó thời gian mổ bằng robot ngắn hơn đáng kể so với mổ kinh điển. Ví dụ ca mổ vừa rồi ngày 15/2 là 1 tiếng rưỡi, còn phẫu thuật kinh điển thường phải mất 4 tiếng.

- Robot điều trị u não hoạt động giống hay khác các loại robot đã có ở Việt Nam một vài năm gần đây?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Các thế hệ robot trước đây tại Việt Nam hoạt động theo nguyên lý người phẫu thuật viên điều khiển các cánh tay robot thao tác tiếp cận trực tiếp lên người bệnh (được gọi là phẫu thuật nội soi robot), mang tính chất cơ học, điện tử.

Robot trong phẫu thuật thần kinh sử dụng trí tuệ nhân tạo xử lý dữ liệu hình ảnh của bệnh nhân (MRI), xác định các bó dẫn truyền thần kinh trong não, phân tích, lập kế hoạch tiếp cận và xử lý tổn thương sao cho tối ưu nhất, tránh các tổn thương thần kinh để lại những di chứng không hồi phục. Phẫu thuật viên là người tiếp cận trực tiếp lên bệnh nhân, sử dụng công nghệ dẫn đường theo lập trình có sẵn, tối ưu hóa hình ảnh khi phẫu thuật.

Bác sĩ có thể dùng robot lập kế hoạch trước khi mổ nhiều ngày, lưu lại kế hoạch đó và có thể chủ động thay đổi kế hoạch này trước khi phẫu thuật nếu muốn.

 
- Gây mê và hậu phẫu trong phẫu thuật u não bằng robot có gì khác biệt? Bệnh nhân được lợi gì khi phẫu thuật u não bằng robot? Sau bao lâu bệnh nhân trở lại sinh hoạt bình thường? U não có tái phát sau khi bị loại bỏ hay không?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Gây mê và hậu phẫu trong phẫu thuật u não bằng robot hầu như không có khác biệt so với mổ kinh điển.

Hậu phẫu nhẹ nhàng hơn: bệnh nhân hồi tỉnh sớm, hồi phục nhanh, thời gian nằm viện ngắn, tiết kiệm chi phí nằm viện), sớm trở lại đời sống sinh hoạt hằng ngày.

Tùy vị trí của khối u và bản chất của khối u, bệnh nhân sẽ có tiên lượng sau phẫu thuật. Nếu u lành tính và được cắt bỏ hoàn toàn đồng nghĩa bệnh nhân khỏi bệnh, không cần điều trị bổ sung. Ngược lại, nếu u chỉ được cắt bỏ 1 phần hoặc chỉ sinh thiết, u ác tính, u di căn thì tỷ lệ sống còn chỉ kéo dài từ 12-18 tháng nếu được điều trị bổ sung đầy đủ.

- Kích thước lỗ khoan sọ giữa mổ bằng robot và mổ kinh điển có chênh lệch không ạ? Và sau mổ lỗ này được xử trí như thế nào?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Lỗ khoan sọ đường kính khoảng 1cm, không khác giữa mổ bằng robot và mổ kinh điển. Lúc đặt lại nắp sọ, các lỗ này sẽ được bít bằng bột xương lúc khoan vào được giữ lại trước đó.

 

- Phẫu thuật u não bằng phương pháp kinh điển và bằng robot có biến chứng gì không? Tỷ lệ biến chứng là bao nhiêu?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Bất kỳ cuộc phẫu thuật nào cũng có tai biến và biến chứng, song tùy theo vị trí và bản chất của khối u mà tỷ lệ biến chứng sẽ dao động từ 2-18%. Các biến chứng có thể gặp là: chảy máu, nhiễm trùng, rò dịch não tủy, động kinh, phù não, giãn não thất… tử vong.

Phẫu thuật bằng robot với những ưu điểm vượt trội so với phẫu thuật kinh điển (lập kế hoạch trước mổ, hướng đi tiếp cận tổn thương, phẫu trường được trình bày rõ ràng…) do đó tỷ lệ biến chứng chắc chắn sẽ ít hơn.

 

- Liệu có trường hợp nào chống chỉ định phẫu thuật u não? Phẫu thuật u não bằng robot có chống chỉ định hay không?

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Chống chỉ định phẫu thuật u não bao gồm: tuổi tác, tổng trạng bệnh nhân, bệnh lý nền nội khoa, rối loạn đông - cầm máu,…

Phẫu thuật u não bằng robot có chống chỉ định tương tự như trên.


PHẦN 2: GIẢI ĐÁP THẮC MẮC CỦA BẠN ĐỌC ALOBACSI

- Nguyen Ha - An Giang

Bác sĩ ơi,

Ông nội tôi bị u não thuỳ trán phải đã phẫu thuật được 3 năm rồi, sức khỏe hiện nay cũng ổn. Nhưng khối u đó khi đi làm xét nghiệm (3 năm trước) thì đã vào giai đoạn III. Xin hỏi tình trạng bệnh của ông em có phải mức độ trầm trọng không? Hiện tại gia đình cần lưu ý gì khi chăm sóc ông?


Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Chào bạn,

Bạn chưa cho biết bản chất của tổn thương (kết quả giải phẫu bệnh lý), do đó BS chưa thể biết được tiên lượng sống còn của người bệnh. Thông thường bệnh nhân cần được tái khám và chụp cắt lớp kiểm tra sau mổ 6 tháng, 1 năm, 2 năm.

Nếu sức khỏe hiện nay của ông bạn vẫn “ổn” thì trong chăm sóc cũng không cần lưu ý gì đặc biệt.
 

- FB Bích Vân

Cho em hỏi là phẫu thuật u não có khi nào không lấy được hết khối u hay không? Trường hợp đó thì BS sẽ làm gì tiếp theo ạ? Cám ơn BS!

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Chào Bích Vân,

Phẫu thuật u não có thể lấy hết hoặc không lấy hết khối u, tùy thuộc vào bản chất và vị trí của tổn thương. Trong trường hợp không lấy hết u, người bệnh sẽ được tư vấn điều trị bổ sung (hóa trị, xạ trị, xạ phẫu gamma knife).

 

- Huỳnh Thu Thủy - thuythu…@gmail.com

Xin chào bác sĩ,

Em muốn hỏi là phẫu thuật u não bằng robot và xạ phẫu bằng gamma knife thì được cân nhắc chọn lựa dựa vào yếu tố nào? 2 phương pháp này có để lại di chứng gì không ạ?


Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Xạ phẫu bằng gamma knife là dùng tia gamma chiếu vào tổn thương, tạo nên nguồn năng lượng lớn đốt cháy tổn thương.

Xạ phẫu bằng gamma knife thường được chỉ định cho các tổn thương dưới hoặc bằng 2,5 cm và thường chỉ bắn 1 lần, các trường hợp lớn hơn thì ít có tác dụng. Tác dụng chỉ có sau đó từ 6 tháng đến 1 năm. Tức là sau khi bắn 6 tháng - 1 năm chụp MRI (có tiêm thuốc) kiểm tra mới sự thay đổi kích thước khối u nếu có đáp ứng.

Biến chứng của xạ phẫu gamma knife thường là phù não quanh tổn thương do bị “phỏng”, do đó cần được theo dõi tri giác của người bệnh sau xạ phẫu vào những ngày tiếp theo. Các biến chứng khác (chảy máu, nhiễm trùng, giãn não thất, rò dịch não tủy, động kinh…) rất hiếm gặp.

Còn phẫu thuật u não bằng robot là một cuộc phẫu thuật sử dụng trí tuệ nhân tạo để lập kế hoạch tiếp cận và cắt bỏ tổn thương, do đó 2 kỹ thuật này hoàn toàn khác nhau. Phẫu thuật cắt u là loại bỏ khối u ngay lập tức sau mổ.

Tỷ lệ biến chứng: Bạn có thể xem nội dung tư vấn tôi đã nói ở phần 1.

- FB Cao Hà

Thưa bác sĩ,

Cháu bị tai nạn chấn thương sọ não, giờ nghi bị liệt dây thần kinh số 3, mắt bị dãn đồng tử, sụp mi và lác. Cháu đi khám bác sĩ có nói theo dõi 6-9 tháng, nếu mắt không  tự mở ra được thì phẫu thuật.

Vậy cho cháu hỏi phẫu thuật dây thần kinh hay kéo mi mắt lên ạ? Chi phí hết khoảng bao nhiêu để gia đình cháu chuẩn bị?

Cháu đang rất hoang mang xin bác sĩ tư vấn giúp. Cháu xin chân thành cám ơn bác sĩ ạ!


Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Theo triệu chứng mô tả thì bạn đã bị liệt dây thần kinh sọ số III sau chấn thương sọ não. Bạn cần theo dõi tiếp tục từ 6-12 tháng, hi vọng vào sự hồi phục tự nhiên của cơ thể. Nếu không cải thiện, bạn có thể đến khám chuyên khoa mắt để được tư vấn điều trị nhằm cải thiện một phần chức năng của dây thần kinh số III (phẫu thuật nâng mi mắt), không phải phẫu thuật trực tiếp vào dây thần kinh sọ số III.

Về chi phí, bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt.

- FB Thùy Linh

Hôm qua em bị sốt, người mệt mỏi, đầu khá nặng đi hơi loạng choạng nhưng em uống thuốc tây và hôm nay đã đỡ hơn rất nhiều.

Cho em hỏi sốt cao như vậy có ảnh hưởng gì đến não không ạ? Em tham khảo thì trẻ nhỏ sốt cao có thể bị động kinh, nhưng không thấy nói người lớn bị động kinh do sốt cao. Mong bác sĩ giải thích ạ.

Thầy thuốc ưu tú - ThS.BS Chu Tấn Sĩ

Chào Thùy Linh,

Sốt cao ở trẻ em có thể gây động kinh, co giật vì não của trẻ em phát triển chưa hoàn chỉnh, việc thay đổi thân nhiệt đột ngột có thể tác động lên hoạt động sóng trên bề mặt của vỏ não, dẫn đến cơn động kinh.

Còn ở người lớn, não đã phát triển hoàn chỉnh, không xảy ra hiện tượng này.

Sốt cao ở người lớn gây ra xáo trộn rối loạn chuyển hóa (toan hóa, kiềm hóa… ) kéo theo rối loạn chức năng ở cơ quan khác đe dọa tính mạng người bệnh.

Cuối buổi tư vấn, vị bác sĩ được mệnh danh là "bàn tay vàng" trong ngành phẫu thuật thần kinh ký tên tặng một số "fan hâm mộ"

Cổng thông tin Tư vấn Sức khỏe AloBacsi.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X