Hotline 24/7
08983-08983

Thầy thuốc không phải người hùng

Trong khi xã hội thường nhìn thầy thuốc như những người hùng hay siêu nhân và đặt nhiều kỳ vọng ở họ, thì thực tế họ chỉ là người bình thường với nhiều áp lực nghề nghiệp cần được thấu hiểu.

Căng thẳng và áp lực nghề nghiệp đang khiến không ít thầy thuốc bị burnout. Ảnh có tính minh họa

Cái nhìn người thầy thuốc là người hùng chủ yếu được khắc hoạ bởi giới truyền thông vì những ca báo động đỏ cứu người, những ca mổ kéo dài nhiều giờ, hay những áp dụng kỹ thuật điều trị tiên tiến hầu nhưngày nào cũng xuất hiện trên báo chí.

Không ít lời tụng ca dành cho người thầy thuốc sau những thành công như thế.Nhưng truyền thông không có chỗ cho trung dung. Hôm trước thầy thuốc là “người hùng” hay “siêu nhân” thì hôm sau, trong mắt giới truyền thông, họ lại là “tội đồ” vì một sự cố y khoa nào đó. Vinh quang và cay đắng của người làm ngành y chỉ trong tích tắc, không khác gì nghệ sĩ đi dây trong gánh xiếc.

S., một nữ bác sĩ sản khoa mới về hưu năm qua, có lần chia sẻ: “Áp lực của người làm nghề y thời nay hơn vài chục năm trước rất nhiều, họ không chỉ chịu áp lực nghề nghiệp mà còn từ giới truyền thông. Mạng xã hội rất nhanh nhạy, chỉ một chút sơ sót là người thầy thuốc có thể bịcư dân mạng “ném đá” không thương tiếc”.

Thời bùng nổ thông tin, giới truyền thông sống dưới áp lực cạnh tranh rất nhiều, vì thế những tình tiết giật gân, câu khách được tô đậm để thu hút người đọc; trong khi những tình tiết đời thường và nhân văn dễ bị bỏ qua, do đó hình ảnh người thầy thuốc trong mắt công chúng thường bị méo mó, khác thực tế. Từ người bình thường, người thầy thuốc bỗng thành siêu nhân với quá nhiều kỳ vọng của xã hội đặt lên vai, trong đó có kỳ vọng họphải là một người hoàn hảo và không thể sai sót.

Năm qua đối với bác sĩ C., phẫu thuật viên lâu năm tại một bệnh viện lớn ở TP.HCM, được xem là năm “hạn” vì anh bị một rắc rối chuyên môn. Anh chia sẻ: “Ca mổ gần xong thì tôi được gọi gấp để hội chẩn với một khoa khác về một ca nặng. Giao cho vài bác sĩ trẻ giải quyết phần việc còn lại, nhưng không ngờ sau đó một mạch máu vỡ ra đột ngột, bác sĩ không có kinh nghiệm xử trí nên bệnh nhân tử vong trên bàn mổ”.Hậu quả của sự cố này là bác sĩ C. bị “treo dao” một tháng. Anh nói tiếp: “Tôi nhận hết trách nhiệm và không đổ thừa ai. Nhưng nỗi đau lớn nhất của tôi là đối mặt với nỗi thất vọng của người nhà bệnh nhân khi kỳ vọng vào mình”.

Kỳ vọng của bệnh nhân vào thầy thuốc là điều tất yếu, nhưng kỳ vọng này đôi lúc thiên lệch bởi những thông tin “giật tít”, “câu view” ngô nghê.M.Th., một bác sĩ chấn thương chỉnh hình, nhận định: “Cứu người là nhiệm vụ đương nhiên của người thầy thuốc, có gì mà báo chí khen ngợi. Nếu yêu quý chúng tôi, báo chí hãy đề cập đến những áp lực và căng thẳng của nghề y để người dân thấu hiểu”.

Tháng 8 năm qua, tại một hội thảo khoa học, PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, đã cảnh báo hiện tượng burnout mà người bác sĩ thời nay đang hứng chịu do công việc quá căng thẳng, từ đó khiến họ bị trầm cảm và có thể tự sát.

Năm 1974, trong tạp chí Journal of Social Issues, thuật ngữ burnout lần đầu tiên được tâm lý gia người Mỹ Herbert Freudenberger định nghĩa, đó là “một tình trạng kiệt sức về thể chất, tinh thần và cảm xúc gây ra bởi tình trạng stress kéo dài và quá sức, là tiến trình tiêu tốn năng lượng mạn tính mà không có thời gian hồi phục thích hợp”.

Burnout không xa lạ gì đối với nhiều thầy thuốc trên thế giới. Một thống kê được thực hiện trên gần 7.000 bác sĩ, cho thấy tại Mỹ mỗi năm có hơn 400 thầy thuốc tự tử vì burnout, gấp hai lần tỷ lệ tự tử của dân số Mỹ nói chung. Có đến 45% bác sĩ nói họ bị burnout, 88% thừa nhận họ bị stress từ trung bình đến nghiêm trọng và 59% nói họ sẽ không bao giờ khuyên con cháu đi theo ngành y.

Chưa có khảo sát nào về tình trạng burnout ở người thầy thuốc Việt Nam, nhưng không ít người thừa nhận đây là vấn đề nghiêm trọng cần được xem xét từ bây giờ. Theo BS Thượng, ba biểu hiện của bác sĩ bị burnout là kiệt sức do bị bóc lột sức lao động; nghi ngờ lãnh đạo, đồng nghiệp, người thân và cả bệnh nhân của mình; hiệu quả công việc giảm sút. Ông thừa nhận gần như mọi thầy thuốc, đặc biệt thầy thuốc ở các bệnh viện công lập tuyến trên đang đối mặt với áp lực bệnh nhân quá tải, vì thế khó tránh khỏi burnout.

Nhưng theo bác sĩ T.V., làm việc ở một trung tâm tim mạch lớn ở TP.HCM, căng thẳng thực sự không phải là quá tải bệnh nhân mà là những công việc vô hình mà người bác sĩ đối mặt hàng ngày, như thường xuyên hội họp hay hoàn thành sổ sách bảo hiểm y tế. Anh nói: “Biểu mẫu bảo hiểm y tế quá nhiều, bác sĩ phải căng mình để điền các chi tiết một cách chính xác, nếu không họ sẽ bị xuất toán và bồi thường. Những chuyện này có thể chiếm đến 1/3 thời gian làm việc, bác sĩ còn thời gian đâu để lo cho bệnh nhân”.

Không phải anh hùng hay siêu nhân, thật sự người thầy thuốc chỉ là những người bình thường, vì thế khi sống với những căng thẳng và áp lực công việc quá lớn, họ cũng bị mệt mỏi, kiệt sức và thậm chí sai sót chuyên môn. Ngợi ca những người làm ngành y nhân một ngày quan trọng trong năm, nhưng hơn hết có lẽ họ vẫn cần một sự thấu hiểu và đồng cảm từ xã hội.

Theo An Nhiên - Thế giới hội nhập/ TGTT

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X