Hotline 24/7
08983-08983

Thấy bé cưng, có nên hôn?

Thấy em bé cưng quá: hôn. Thấy bé dễ thương quá: véo mặt. Thấy bé vui quá: tung lên và hứng, để bé cười. Có nên không?


Việc người lớn hôn môi trẻ có thể làm trẻ nhiễm bệnh từ người lớn
Việc người lớn hôn môi trẻ có thể làm trẻ nhiễm bệnh từ người lớn

Hôn bé, tung hứng và thậm chí là đưa võng không đúng cách cũng có thể là nguyên nhân gây ra những vấn đề về sức khỏe cho các em bé.

Các bác sĩ chuyên khoa chỉ ra những nguy cơ có thể xảy ra với trẻ nếu người lớn cưng nựng, tung hứng đứa trẻ quá đà. 

Hại trẻ khi cưng nựng quá đà

Thói quen yêu thương em bé, thơm thơm hai má em bé, vùng mặt em bé để thể hiện tình cảm là phong cách lâu đời của người Việt, tuy nhiên nó cũng để lại những nguy hiểm không hay cho bé, đó là ý kiến của BS Trần Ngọc Lưu Phương, giảng viên ĐH Y Phạm Ngọc Thạch (TPHCM).

Việc hôn bé, đặc biệt là hôn môi hoặc mũi bé có thể gây ra những bệnh về đường hô hấp và lây qua nước bọt cho bé vì vòm miệng người lớn chưa rất nhiều vi khuẩn, chưa kể còn có khả năng chứa nhiều mầm bệnh. Tất cả những điều đó sẽ gây nên những tác hại cho trẻ nhỏ.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác cần lưu ý là khi hôn trẻ, người lớn có thể sẽ lây truyền mầm bệnh cho trẻ.

“Chẳng hạn bệnh tay chân miệng, người lớn ít bị nhưng nếu đang bị loét miệng mà hôn trẻ thì mầm bệnh có thể từ người lớn truyền sang trẻ và làm trẻ mắc bệnh”.

Ngoài ra còn có những mầm bệnh khác có thể lây lan như mụn rộp, thủy đậu, quai bị, sởi… nếu tiếp xúc quá thân mật với trẻ.

Tung hứng gây nguy hiểm

Việc  bồng bế và xốc em bé lên xuống để cho bé thích thú, bác sĩ Phương phân tích có ba tác hại cơ bản: thứ nhất là việc nâng lên thả xuống nếu lỡ tay chụp hụt thì sẽ gây tai nạn cho bé, thứ hai là nếu chụp không đúng cách sẽ có thể làm sai khớp tay bé.

Điều quan trọng là phần não của trẻ sơ sinh chứa nhiều nước và chưa được lấp đầy hộp sọ, nếu chúng tra di chuyển đầu em bé liên tục sẽ gây ra những chân thương về mặt y học không tốt cho trẻ.

Theo BS Trần Ngọc Lưu, BV Nhi đồng 2 TPHCM, việc rung lắc, tung hứng quá mạnh ở trẻ nhỏ có thể dẫn đến hội chứng lắc ở trẻ.

Hội chứng này là nguyên nhân dẫn đến cái chết của không ít trẻ em, theo một thống kê tại Mỹ. Việc lắc quá mạnh có thể là do đùa giỡn mạnh tay, xốc trẻ, thậm chí là đưa võng quá nhanh, quá mạnh.

“Sẽ có những tổn thương lên vùng tủy, cột sống và vùng nối giữa tủy sống và não của trẻ”, BS Lưu nói.

BS Phương cũng chia sẻ thêm một nguy cơ khác trong việc người lớn hay tưng xốc bé đó là cơ cổ của trẻ rất yếu, nên khi độ rơi của bé nặng, dù chúng ta có đón trúng bé nhưng cơ cổ của bé chưa ý thức và không tự giữ được, gây ra những chấn thương cổ, thậm chí gây ngừng thở, rất nguy hiểm.

Đối với việc người lớn có thói quen véo má trẻ, có khả năng làm cho những mạch máu dưới da bé bị vỡ vì da bé rất mỏng.

Không nên tung hứng, xốc trẻ lên xuống vì sẽ dễ làm ảnh hưởng đến não của trẻ
Không nên tung hứng, xốc trẻ lên xuống vì sẽ dễ làm ảnh hưởng đến não của trẻ

Nỗi lo của các bà mẹ

Chị Minh Tú (ngụ tại TP. Thủ Dầu Một - Bình Dương), một bà mẹ 3 con rất có kinh nghiệm trong việc chăm sóc em bé bày tỏ, việc yêu thương, cưng nựng em bé theo cách truyền thống của người Việt Nam như ôm hôn, véo má hoặc bồng bế, xốc em bé lên xuống là không nên vì có thể gây nguy hiểm cho bé.

Theo chị Tú, hệ miễn dịch của bé sơ sinh rất yếu và việc sốc bé liên tục sẽ ảnh hưởng đến não bộ vì ở độ tuổi này vỏ não bé chưa đủ khả năng để chống chịu các va đập dù nhẹ.

Chị Khánh Trân (Q.Bình Thạnh, TPHCM) có con gái 3 tuổi cho biết việc hôn, nựng em bé là rất bình thường và bà mẹ nào cũng muốn cưng nựng con của mình. Tuy nhiên, việc hôn bé hay nựng bé phải ở mức độ vừa phải.

“Chẳng hạn việc hôn môi bé, mình biết sẽ có những ảnh hưởng không tốt đến bé nếu người mẹ không biết giữa vệ sinh. Một ngày cứ ôm hôn em bé hoài, giỡn rồi xốc em bé lên thì mình không ủng hộ ”, chị Khánh Trân nói.

Một điều băn khăn của các bà mẹ là làm sao để nói, ngăn người thân hoặc bạn bè tới chơi hôn bé.

“Theo mình, người mẹ phải tìm cách nói khéo léo, nhẹ nhàng để không làm ảnh hưởng đến con trẻ mà cũng không làm người khác phật lòng.

Nên đưa ra những dẫn chứng hoặc kiến thức cụ thể để người khác hiểu. Quan trọng nhất là bảo vệ con của mình trước những nguy cơ”, chị Trân bày tỏ.

Chị Tú chia sẻ thêm một kinh nghiệm, đối với những người lạ có nhã ý muốn được ôm hôn bé nên tế nhị đưa ra những lý do như: bé không quen người lạ, bé đang ngủ hoặc xa mẹ bé sẽ khóc rất khó dỗ…Trong trường hợp đó những người xung quanh sẽ hiểu và thông cảm cho mình.

Còn theo chị Trang Đài (Gò Công, Tiền Giang) khẳng định: “ Hãy thường xuyên nói chuyện về chủ đề chăm sóc trẻ con với ông bà, tế nhị dẫn lời dặn của bác sĩ... và kể những câu chuyện báo đăng hậu quả thế nào.

Và nếu muốn người khác kỹ cho con mình thì trước tiên ba mẹ phải làm gương cho người xung quanh thấy”.

Luôn vệ sinh tay chân, răng miệng khi tiếp xúc với trẻ

BS Trần Ngọc Lưu Phương cho biết người lớn phải luôn vệ sinh tay chân, răng miệng sạch sẽ trước khi tiếp xúc hoặc ôm hôn bé.

Lưu ý nên hạn chế việc hôn môi và mũi trẻ thường xuyên nhằm giảm thiểu tối đa các bệnh lây lan qua đường hô hấp và nước bọt.


Theo Võ Hương - Bảo Bình - Trà My - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X