Hotline 24/7
08983-08983

Thành tựu ghép tạng trẻ em ở BV Nhi Đồng 2

BV Nhi Đồng 2 TPHCM vừa kỷ niệm 10 năm ghép tạng.

Trong 10 năm đó (2004-2014), BV Nhi Đồng 2 đã thực hiện 12 ca ghép thận và tám ca ghép gan. Hiện ghép thận và ghép gan được công nhận là phương thức điều trị chọn lọc cho trẻ em bị suy thận và suy gan giai đoạn cuối. Báo phụ nữ đã có cuộc trao đổi ngắn với TS.BS Trương Quang Định - PGĐ BV Nhi Đồng 2, về kỹ thuật chuyên sâu này.

Ghép tạng người lớn và trẻ em có điểm gì giống và khác nhau, thưa TS?

- Nếu xem ghép tạng như một phương thức điều trị cho bệnh nhi, thì phải hiểu rằng có rất nhiều sự khác biệt giữa người lớn và trẻ em.

Khác biệt trước hết là tuổi và kích thước tạng, cho đến các yếu tố khác bao gồm bệnh cảnh, bệnh lý của cơ quan bị tổn thương ở giai đoạn cuối, các yếu tố kỹ thuật, yếu tố người cho, kích thước thích hợp của người cho, kích thước thích hợp của tạng cho, miễn dịch, dược động học và các yếu tố hậu phẫu.

Thêm vào đó, tác động của suy cơ quan giai đoạn cuối và việc ghép trên sự phát triển của trẻ phải được đánh giá thận trọng. Tuy vậy, điểm đặc biệt ở Việt Nam là, khác với ghép thận đã được thực hiện rộng rãi trên người lớn sau đó mới áp dụng vào bệnh nhi, trong ghép gan, chúng ta triển khai trên trẻ em trước rồi mới tiến hành với người lớn.

Về kỹ thuật, BV Nhi Đồng 2 đã hoàn thiện việc ghép tạng theo cách thức của các trung tâm hiện đại trên thế giới, đặc biệt trong năm đầu tiên không có tử vong, chứng tỏ việc lựa chọn chuẩn bị cặp ghép khá chu đáo, kỹ thuật hoàn chỉnh, gây mê hồi sức vững vàng.

Xin TS nói rõ hơn về kỹ thuật ghép gan, ghép thận để dễ hình dung.

- Về mặt kỹ thuật, trong ghép gan, đối với người cho sống trong gia đình, chúng tôi lấy một phần gan trái của người cho (mẹ) đem ghép vào em bé. Điều quan trọng là tính toán thế nào để mảnh gan ghép lấy ra của mẹ vừa đủ thích hợp để em bé sống được, đồng thời phần gan còn lại của mẹ vẫn đảm bảo chức năng hoạt động cho mẹ.

Vì đa số các trường hợp ghép gan, trẻ thường nhẹ cân (<10kg), nên chúng tôi phải sử dụng kỹ thuật vi phẫu để nối các các mạch máu và đường mật với nhau.

Đối với ghép thận, chúng tôi thực hiện ghép ngoài phúc mạc. Với người cho, chúng tôi sử dụng phương pháp lấy thận qua ngả nội soi qua ổ bụng hoặc sau phúc mạc. Đối với người nhận, thì lấy thận trái ghép vàothận phải.

Trường hợp nào được chỉ định và chống chỉ định trong ghép gan trẻ em, thưa TS?

- Chỉ định với những trường hợp: teo đường mật, bệnh lý ứ mật, bệnh chuyển hóa, suy gan tối cấp, bệnh ác tính.

Chống chỉ định với những trường hợp: HIV (+), bệnh lý ác tính nguyên phát ngoài gan không thể cắt bỏ được, một di căn ác tính đến gan, bệnh lý ngoài gan tiến triển giai đoạn cuối, nhiễm trùng hệ thống không kiểm soát, tổn thương thần kinh không hồ phục.

Chống chỉ định tương đối với những trường hợp: nhiễm trùng hệ thống đã điều trị một phần hay tiến triển tốt, bệnh não gan tiến triển tốt (grade IV), các bất thường tâm lý xã hội trầm trọng, thuyên tắc tĩnh mạch cửa lan rộng đến hệ thống tĩnh mạch mạc treo.

Với ghép thận, đa số các trường hợp suy thận giai đoạn cuối đều có chỉ định ghép thận.

Có phải sau ghép gan và thận, bệnh nhân sẽ phải tuân thủ thuốc chống thải ghép suốt đời?

- Với trẻ em, vấn đề quan trọng sau ghép là phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ chăm sóc và điều trị với thuốc chống thải ghép. Thuốc chống thải ghép phải dùng suốt đời, phải được định lượng nồng độ trong máu để điều chỉnh liều thích hợp.

Ngày nay đã có nhiều tiến bộ trong việc phát triển thuốc chống thải ghép, tuy vậy, ít nhiều thuốc vẫn có một số tác dụng phụ, như làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, nên bé dễ bị nhiễm trùng ngoài cộng đồng, một số thuốc làm chậm phát triển thể chất của bé…

Bé phải được kiểm tra chức năng gan, thận, đồng thời phải sinh thiết mảnh ghép định kỳ để kiểm tra hoạt động của mảnh ghép.

Tuy vậy việc điều trị sau ghép không hề làm ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt của bé, bé vẫn có thể đi học, tái hòa nhập cộng đồng như bao trẻ em khác

Thưa TS, việc sinh hoạt, học tập của người cho tạng có bị ảnh hưởng lâu dài hay không?

- Với người cho tạng là gan hay thận, khả năng hồi phục chỉ 7 đến 10 ngày sau mổ. Sau đó họ sẽ trở lại công việc, đi làm bình thường. Với người cho gan, phần gan còn lại có khả năng tái tạo và phát triển bình thường như bao người khác. Trong số những bà mẹ cho gan và cho thận, chúng tôi thấy có những bà mẹ đã sinh con kế tiếp.

Xin cám ơn TS.

AloBacsi.vn
Theo Thiên Nga - Phụ nữ thành phố

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X