Hotline 24/7
08983-08983

Thanh tra thương vụ MobiFone mua AVG: Khuyến cáo của VAFI

Theo VAFI, Thanh tra Chính phủ cần yêu cầu MobiFone công bố báo cáo tài chính, giá trị, cách thức thẩm luận dự án.

Thanh tra Chính phủ đã chính thức tiến hành thanh tra toàn diện dự án MobiFone mua 95% cổ phần của Công ty CP nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) trong vòng 50 ngày.

Trước đó ngày 1/8, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký công văn gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chỉ đạo cơ quan này tiến hành thanh tra toàn diện việc MobiFone mua 95% cổ phần của AVG.

Thanh tra thuong vu MobiFone mua AVG: Khuyen cao cua VAFI
Thanh tra Chính phủ sẽ thanh tra toàn diện thương vụ MobiFone mua AVG trong vòng 50 ngày. Ảnh: Tuổi trẻ

Chỉ đạo xuất phát từ ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban bí thư tại văn bản ngày 22/7. Cụ thể Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan khẩn trương tiến hành thanh tra toàn diện về dự án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Là đơn vị đã đưa ra nhiều chất vấn liên quan đến thương vụ MobiFone mua AVG, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) rất hoan nghênh quyết định thanh tra toàn diện thương vụ này.

Ngày 7/9, một lần nữa ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI khẳngđịnh, đối chiếu các quy định pháp luật thì thông tin về thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần của AVG không thuộc diện bí mật quốc gia.

Hơn nữa, AVG do một công ty 100% vốn tư nhân điều hành quản lý, chứng tỏ các ngành nghề kinh doanh của AVG không ảnh hưởng an ninh, bí mật quốc gia.

"Ở đây cần làm rõ vai trò của người quản lý vốn Nhà nước tại MobiFone, người này phải yêu cầu MobiFone công bố thông tin, thực thi pháp luật", ông Hải nói.

Cũng liên quan đến thương vụ này, lãnh đạo VAFI khuyến cáo: tài sản cố định của AVG hầu như không có gì, vấn đề là tài sản vô hình, nhưng liệu nó có đáng giá "khủng" như dư luận vẫn đồn đoán bấy lâu nay rằng MobiFone bỏ ra tới gần 9.000 tỷ đồng để mua AVG? Nếu đúng như thông tin đồn đoán thì đó là con số cực lớn mà người ta đã quyết định rất nhanh và rất liều.

Chính vì thế, ông Nguyễn Hoàng Hải khẳng định, phải làm rõ vấn đề này, bởi truyền hình trả tiền thực ra là lĩnh vực khá xương xẩu.

"Để phán xét tốt, Thanh tra Chính phủ cần yêu cầu MobiFone công bố tình hình hoạt động, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, giá trị, cách thức thẩm luận dự án... để các chuyên gia tài chính đánh giá, từ đó có hướng thanh tra rõ ràng hơn, minh bạch hơn", Phó Chủ tịch VAFI nhấn mạnh.

Đặc biệt, ông Nguyễn Hoàng Hải lưu ý, nếu chiếu theo Điều 10 Nghị định 81 của Chính phủ quy định chế độ công bố thông tin doanh nghiệp nhà nước, việc công bố thông tin của MobiFone còn sơ sài, thiếu nhiều nội dung quan trọng mà Nhà nước quy định.

Ngày 3/8, VAFI đã có văn bản đề cập đến việc này nhưng tính đến ngày 7/9, trên website của MobiFone vẫn không có báo cáo tài chính của năm 2015 và bất kỳ năm nào được công bố công khai; Không có báo cáo chế độ tiền lương, tiền thưởng của doanh nghiệp; Không có báo cáo kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư của năm 2016….

"MobiFone là doanh nghiệp nhà nước, không phải doanh nghiệp tư nhân, mọi hoạt động của MobiFone cần phải đảm bảo tính minh bạch công khai và chịusự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và của xã hội. MobiFone cần chấp hành nghiêm túc và đầy đủ, kịp thời chế độ công bố thông tin của doanh nghiệp nhà nước", ông nói.

MobiFone là doanh nghiệp có tài sản nhà nước rất lớn, được hình thành từ thời ngành viễn thông còn là độc quyền của Nhà nước. Hiện MobiFone đang nằm trong danh sách doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chính vì thế, theo ông Nguyễn Hoàng Hải, trước khi cổ phần hóa doanh nghiệp cần tiến hành thanh lọc nhân sự để tăng giá trị tài sản nhà nước.

Bộ Công thương thay Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ: Chưa quyết liệt

Ngày 7/9, Bộ Công thương đã công bố quyết định điều động và bổ nhiệm ông Trần Quang Huy giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Trước đó, ông Huy là Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á.

Cũng theo quyết định của Bộ Công thương, ông Đào Văn Hải, người vừa rời vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ sẽ tiếp tục giữ hàm Vụ trưởng. Tuy nhiên, ông Hải sẽ không tham gia các công việc chỉ đạo, điều hành về nhân sự mà sẽ được bố trí công việc phù hợp hơn trong thời gian tới.

Đề cập đến động thái này của Bộ Công thương, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch VAFI cho rằng, cách làm của Bộ Công thương thiếu quyết liệt. Bởi theo ông, trong thời gian ông Đào Văn Hải giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công thương đã vấp phải một số “bê bối” về công tác nhân sự, trong đó phải kể tới trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - người từng có nhiều năm công tác tại Bộ Công Thương với nhiều vị trí khác nhau và trường hợp ông Vũ Quang Hải, người được bổ nhiệm vào ghế thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco.

"Theo thông lệ thế giới, với những trường hợp như vậy, ít nhất phải sa thải, ngoài ra còn điều tra vấn đề tham nhũng. Cách xử lý của Bộ Công thương quá nhẹ, không có răn đe", Phó Chủ tịch VAFI nói.


Theo Thành Luân - Đất Việt

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X