Hotline 24/7
08983-08983

Thánh hài, siêu nhí... về đâu khi truyền hình chưa hiểu trẻ em?

Đi ngược với sự nở rộ các cuộc thi tìm kiếm siêu nhí, thần tượng nhí..., các chương trình thiếu nhi đúng nghĩa đang bị co cụm cả về số lượng và chất lượng.

Các clip Elsa phản cảm tràn ngập trên YouTube đạt số lượng người xem khủng mà báo chí từng đề cập đã gióng lên tiếng chuông báo động về sự thiếu hụt các chương trình thiếu nhi đúng nghĩa.

Và nếu đặt câu hỏi với các em nhỏ về chương trình mà mình yêu thích, câu trả lời phần lớn là các phim hoạt hình nước ngoài, những kênh mà các em yêu thích cũng luôn là Disney Junior, Cartoon network, Disney channel...

Không thể vui là chính

Nói như vậy không có nghĩa là các đài không có chương trình thật sự dành cho thiếu nhi, có thể kể: Vườn âm nhạc, Vui cùng hoa lúa, Con đã lớn khôn (HTV7), Caro và Chấm bi (VTV6), phim hoạt hình trên VTV2, Chuyện của Đốm, chùm Cổ tích VN (THVL1)...

Gần đây, các chương trình thiếu nhi còn được “gia đình hóa”, có sự tham gia của cả ông bà, cha mẹ... để mở rộng đối tượng khán giả theo dõi như Cháu ơi, cháu à (VTV3), Con biết tuốt (VTV3), Con đến từ hành tinh nào? (HTV2)...

Đầu năm 2017, HTV ra mắt một số chương trình mới phát sóng lúc 13h50 thứ bảy hằng tuần như Những hộp quà xinh (ca nhạc), Ống nhòm nhí (tạp chí); phát sóng lúc 16h chủ nhật hằng tuần như Cà tun cà tun (hoạt cảnh hoạt hình)...

Đầu tư kỹ về sân khấu, tiết mục, nhưng có lẽ đến nay ít khán giả nhí biết đến vì các chương trình này có giờ phát sóng không đẹp và ít được giới thiệu hay quảng bá.

Số lượng đã ít, nhưng nội dung chương trình cũng là điều đáng bàn. Chị Thanh Mai (Q.Phú Nhuận, TPHCM) cho rằng: “Chương trình thiếu nhi phải thật sự dành cho thiếu nhi. Có nghĩa là khi xem chương trình, những đứa trẻ cảm thấy hứng thú, vui vẻ và có thể cảm nhận được một điều gì đó bổ ích, chứ không phải chương trình thiếu nhi là do có thiếu nhi ở đó.

Theo tôi, đối với người xem là người lớn, chương trình có thể vui là chính, nhưng đối tượng khán giả thiếu nhi thì không chỉ vui, mà còn cần lồng ghép câu chuyện giáo dục một cách tế nhị. Việt Nam có quá ít chương trình như vậy”.

Còn dưới góc nhìn của người trong cuộc, bà Nhật Hoa, giám đốc phụ trách kênh truyền hình giáo dục VTV7 - kênh đang xây dựng một số chương trình dành cho các em thiếu nhi, nhận xét: “Tôi nghĩ là chúng ta đang quen với lối giáo dục trực tiếp và có phần hơi cưỡng ép, kiểu như: “Các bé phải đánh răng vào buổi sáng nhé!”.

Chúng ta chưa có cách tiếp cận thuyết phục và phù hợp với tâm lý tiếp nhận của từng lứa tuổi. Thế giới của trẻ em phong phú hơn nhiều và có vẻ như các nhà sản xuất truyền hình chưa hiểu nhiều về thế giới tưởng tượng tuyệt đẹp này.

Bởi thế đâu đó một số chương trình khi phát sóng đang có hiện tượng bị “trôi”, chưa thật sự thu hút được khán giả và chưa làm tròn nhiệm vụ truyền tải thông điệp giáo dục”.

Chương trình thiếu nhi Con đến từ hành tinh nào? của HTV2 - Ảnh: T.L.

Để trẻ em được đúng nghĩa là trẻ em

Bộ phim hoạt hình Chuyện của Đốm (mỗi tập hơn 3 phút) đã tồn tại trên THVL1 đến bốn năm với hơn 400 tập phim phát sóng. Nhà sản xuất - ông Vũ Phong, giám đốc Vietfilm, cũng bất ngờ về tuổi thọ của bộ phim và cho biết Chuyện của Đốm sống được là nhờ... YouTube, có tập lên đến cả chục triệu lượt người xem sau khi phát sóng trên truyền hình.

“Một số người ở bộ phận duyệt phim lăn tăn rằng sao Chuyện của Đốm không có bài học rõ ràng gì. Nhưng thật sự làm phim cho thiếu nhi chẳng cần đao to búa lớn gì cả, chỉ cần câu chuyện dễ thương và phù hợp với lứa tuổi thôi.

Đó là cái khó, điều mà chúng tôi lo lắng nhất hiện nay. Chúng tôi đặt hàng nhiều nơi để viết kịch bản cho bộ phim này. Có khi nhận về cả chục kịch bản, nhưng chỉ đưa vào sản xuất được hai kịch bản thôi” - ông Phong kể.

Từng là giám khảo tại Liên hoan Japan prize, tiếp xúc với nhiều chương trình thiếu nhi của các nước, bà Nhật Hoa nhận định rằng không quan trọng chương trình sản xuất ở thể loại gì: tài liệu, thực tế, hoạt hình, drama, show... mà hầu hết các chương trình đều đặt trẻ em (khán giả mục tiêu) ở vị trí trung tâm.

Thể hiện sáng tạo và lôi cuốn người xem, các chương trình thành công khi tạo ra các tình huống để trẻ em được đúng nghĩa là trẻ em một cách hồn nhiên với sự tò mò vốn có. Các em xem xong chương trình và tiếp tục đặt ra các câu hỏi về những vấn đề xung quanh...

Bà Hoa cho rằng một chương trình truyền hình giáo dục cho trẻ em ở nước ngoài thường được đầu tư nghiên cứu rất kỹ lưỡng và bài bản, với sự tham gia của nhiều bên liên quan ngoài các nhà sản xuất truyền hình bởi đây là đối tượng khán giả đặc thù.

Ở một số nước phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Mỹ... chính phủ đầu tư ngân sách để phát triển truyền hình giáo dục, nên các chương trình không bị chạy theo tỉ suất người xem và quảng cáo để có thể tập trung làm tốt nhiệm vụ phục vụ chính cho thiếu nhi: phát triển giáo dục và nâng cao dân trí.

Siêu nhí về đâu?

Sau những mùa thi sôi nổi, được tung hô giòn giã, ngoại trừ một hai nhân tố vẫn giữ được độ “nóng” nhờ chăm chạy sô ở các sân khấu ca nhạc, xuất hiện các sự kiện (đồng nghĩa với việc phải gián đoạn việc học hoặc kết quả học tập bị ảnh hưởng), phần lớn các “siêu nhí” mất hút nhanh chóng sau cuộc thi.

Có không ít nhà sản xuất, bầu sô mong muốn sở hữu những tài năng nhí này để đưa vào ngành công nghiệp giải trí, vốn cũng rất cần những nhân tố bé bỏng đầy màu sắc với mục đích “thiếu nhi phục vụ thiếu nhi”.

Còn phụ huynh cũng không thiếu người khát khao có con là “ngôi sao” từ tấm bé để sớm được nở mặt nở mày, hay có những khoản thu nhập đáng mơ ước nên cũng luôn kiếm tìm những bầu sô, nhà đầu tư, công ty đào tạo tài năng để gửi gắm con vào đó, hiện thực hóa ước mơ của mình.

Vậy nên không ngạc nhiên khi hầu hết nhà sản xuất sau khi làm chương trình thiếu nhi đều có ý định thành lập các công ty con, hay các dự án để đào tạo tài năng nhí.

Bà Quỳnh Trang - chủ tịch HĐQT Công ty MultiMedia, đơn vị từng thực hiện chương trình Đồ Rê Mí - từng ôm mộng đào tạo và phát triển các giọng ca từ lò Đồ Rê Mí thành một câu lạc bộ Disney của Mỹ gồm toàn những tài năng nghệ thuật đa tài.

Điền Quân Media sau những mùa làm Người hùng tí hon hay Sen vàng, sau Thử tài siêu nhí cũng muốn “nối dài cánh tay” hỗ trợ những thí sinh đã thành danh từ cuộc thi của mình.

Nhưng tất cả vẫn chỉ là dự định, bởi làm việc cùng các con đồng nghĩa với làm việc cùng phụ huynh và đáp ứng được cùng lúc những yêu cầu, đòi hỏi từ hai đối tượng này là điều hoàn toàn không đơn giản.

Hiện tại chỉ có mô hình “một kèm một” là tương đối khả thi như Quang Lê kèm Phương Mỹ Chi, Phi Nhung chăm lo cho Hồ Văn Cường, vợ chồng Cẩm Ly - Minh Vy hướng dẫn cho Thiện Nhân...

Nhưng với mô hình này, các bé phần lớn chỉ được hướng dẫn ca hát theo từng tiết mục biểu diễn, giới thiệu các sô diễn... chứ không bài bản để phát triển đường dài cho một tài năng nghệ thuật thiên bẩm.

Quỳnh Nguyễn

Theo Hoàng Lê - Tuổi trẻ

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X