Hotline 24/7
08983-08983

Thận trọng với các thuốc gây ra trạng thái trầm cảm

Có những thuốc thông thường gây ra trạng thái trầm cảm, cần có các giải pháp khắc phục thích hợp.

Có những thuốc thông thường gây ra trạng thái trầm cảm, cần có các giải pháp khắc phục thích hợp, đặc biệt đối với người bệnh đang dùng thuốc trầm cảm.

Nhóm thuốc chẹn beta:

Nhóm thuốc chẹn beta (atenolol, metoprolol, propranolol, carvediol, satolol) dùng chữa cao huyết áp, đau thắt ngực, điều hòa nhịp tim. Chúng có khả năng làm tăng trầm cảm. Lý do: nhóm thuốc này chặn sự hoạt động của beta adrenergic nên ức chế sự hoạt động của norepinephrin, một chất dẫn truyền thần kinh. Cách khắc phục: thay các thuốc chẹn beta adrenergic bằng các thuốc khác.

Nhóm thuốc corticoid:

Nhóm này gồm các thuốc dùng kháng viêm, chống dị ứng trong các bệnh về xương khớp, dùng chữa các bênh tự miễn như: lupus ban đỏ hệ thống. Lý do: corticoid làm giảm lượng serotonin một chất dẫn truyền thần kinh; do đó làm tăng trầm cảm. Biểu hiện gồm các triệu chứng đơn lẻ hay kết hợp.

Ở người lớn: thay đổi tính tình, lo lắng, sợ hãi, kích thích, cáu bẳn, hưng phấn hay lãnh đạm, thờ ơ, mất ngủ, li bì. Ở trẻ em: hay có các rối loạn hành vi như: nói lắp, quấy khóc. Dùng ngắn ngày có xu hướng bị hưng cảm; dùng dài ngày có xu hướng bị trầm cảm. Có 20 - 63% số người lớn dùng corticoid kéo dài bị rối loạn này, trong đó 6% ở mức nặng. Rối loạn nhận thức gồm thiếu hụt về trí nhớ, ngôn ngữ, lời nói...

Giải pháp khắc phục: có thể thay thế bằng nhóm kháng viêm không steroid như aspirin diclofenac, bằng thuốc chống dị ứng, hay bằng các thuốc ức chế miễn dịch khác. Trong trường hợp cần phải dùng corticoid thì nên dùng các loại corticoid bán tổng hợp (prednisolon) với liều tối thiểu. Người trong trạng thái trầm cảm có hiệu lực chỉ không quá 10 ngày.

Nhiều loại thuốc có thể khiến người bệnh bị trầm cảm

Nếu phải dùng kéo dài (như trong một số bệnh tự miễn) thì chỉ dùng liều tối thiểu đạt được hiệu lực an toàn và dùng tách ra từng đợt cách quãng theo chỉ dẫn của thầy thuốc.

Nhóm benzodiazepin:

Nhóm thuốc thường dùng để an thần gây ngủ thư giãn cơ như: diazepam (seduxen), alprazolam (xanax), lorazepam (ativan), temazepam, triazolam. Chúng làm tăng trầm cảm. Lý do: khi vào gan chúng không được chuyển hóa hoàn toàn; riêng người lớn tuổi, do sức khỏe sút kém mà thiếu enzyme chuyển hóa; kết quả là benzodiazepin tích tụ lại gây độc. Một mặt khác, trong cơ thể có hệ GABA - Glutamic ở thế cân bằng động, trong đó Glutamic làm tăng các hoạt động kích thích, GABA làm tăng các hoạt động ức chế. Benzodiazepin làm tăng hoạt động ức chế của GABA, gây nên hiện tượng ức chế giống như trầm cảm.

Cách khắc phục: nếu người trầm cảm bị kích thích khó ngủ nên dùng các thuốc trầm cảm thuộc nhóm trầm cảm 3 vòng ( TCA) có tính an thần như: amitriptylin. Khi cần thiết có thể phối hợp thuốc trầm cảm TCA với benzodiazepin như diazepam nhưng với liều thấp, chỉ trong thời gian ngắn, lúc mới dùng TCA. Bình thường, với các trường hợp khác chỉ dùng benzodiazepin liều vừa đủ không dùng quá 10 ngày.

Nhóm thuốc kích thích thần kinh:

Nhóm này thường có methylphenidat (ritalin) modafinil (provigil) dùng điều trị chứng buồn ngủ quá mức ban ngày, buồn ngủ triền miên, ngủ rũ, chứng ngưng thở khi ngủ, chứng giảm tập trung tăng động (ADHD). Chúng làm tăng trầm cảm. Lý do: chúng tăng hoạt động của hệ dopaminergic gây ra dạng trầm cảm có tính loạn thần (nay còn gọi là tâm thần phân liệt) với các triệu chứng âm tính (với biểu hiện cảm xúc cùn mòn, tư duy nghèo nàn, ý chí suy đồi mất hứng thú, vô cảm, mất động lực…), gần giống như triệu chứng trầm cảm.

Cách khắc phục: trong trường hợp bị trầm cảm, giảm sút năng lượng tâm thần do sự suy giảm các chất dẫn truyền thần kinh trong synap xuống dưới ngưỡng sinh lý bình thường thì phải dùng loại thuốc làm phục hồi các chất này đến ngưỡng sinh lý như thuốc trầm cảm 3 vòng (TCA), thuốc ức chế thu hồi chọn lọc serotonin (SSRI) hay thuốc ức chế monoaminooxydase (MAOI) mà không được dùng các thuốc kích thích thần kinh.

Nhóm thuốc chữa rối loạn lipid máu statin:

Cholesterol là nguyên liệu tổng hợp nên các chất có cấu trúc sterol trong đó có các chất dẫn truyền thần kinh. Statin ức chế sự tổng hợp cholesterol chống rối loạn lipid máu cũng đồng thời làm giảm nguyên liệu tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh. Khi thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh thì gây ra trầm cảm.

Cách khắc phục: để điều trị rối loạn lipid máu, cần dùng chế độ ăn thích hợp, dùng các thuốc khác kết hợp với statin để không phải dùng statin đơn liều cao. Chỉ dùng statin trong khung liều khuyến cáo (cho từng thuốc trong nhóm). Sự tổng hợp cholesterol xảy ra tại gan vào ban đêm, nên uống vào bữa tối cho hiệu quả cao hơn.

Người dùng thuốc cần chú ý gì?

Người bình thường, khỏe mạnh khi dùng các nhóm thuốc trên liều cao và/hoặc kéo dài thì có thể bị trạng thái trầm cảm nhưng khi giảm liều hoặc ngừng thuốc thì trạng thái trầm cảm ấy sẽ mất dần đi, không gây ra bệnh trầm cảm.

Người có sẵn các nguy cơ bị trầm cảm nếu dùng các thuốc này liều cao và/ hoặc kéo dài thì chúng sẽ làm tăng thêm nguy cơ, dễ xuất hiện bùng phát trầm cảm. Ví dụ: bị bệnh tự miễn, bênh xương khớp mạn kéo dài làm suy nhược lo âu chán nản, có sẵn nguy cơ trầm cảm; nếu lại dùng corticoid liều cao và / hoặc kéo dài sẽ dễ xuất hiện, bùng phát trầm cảm.

Người đã bị bênh trầm cảm thì không được dùng các nhóm thuốc này vì các thuốc làm mất tác dụng của thuốc trầm cảm đang dùng, gây nên trạng thái trầm cảm làm cho bệnh nặng thêm.

Theo DS.CKII Bùi Văn Uy - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X