Hotline 24/7
08983-08983

Thận suy: Ghép hay chạy thận?

Không phải trường hợp suy thận nào cũng cần phải ghép. Bởi, nếu xảy ra biến chứng sau ghép hoặc không đủ kinh phí điều trị, người bệnh rất dễ tử vong.

Cố "lách" để được ghép thận

Trước khi quyết định phẫu thuật ghép thận, bệnh nhân (BN) V.V.H. (31 tuổi, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đã được các bác sĩ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM tư vấn kỹ về kinh phí khoảng 200 triệu đồng, nhưng gia đình phải có sẵn từ 500 triệu đồng đến một tỷ đồng để phòng khi biến chứng, thải ghép... Người nhà anh H. khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thế nhưng, khi quả thận bị thải ghép, gia đình anh H. trắng tay và quyết định đưa anh về chờ chết. Mẹ anh H. rầu rĩ than: "Bao nhiêu người ghép thận thành công, trong khi H. còn trẻ nên chắc khó bị thải ghép. Tôi nghĩ ghép thận là xong nên liều khai đủ tiền, chúng tôi cố gắng gom góp, vay mượn được 200 triệu đồng để thực hiện ghép thận. Nào ngờ ...". Trước tình cảnh đó, các bác sĩ BV Chợ Rẫy phải đi vận động kinh phí điều trị chống thải ghép cho anh H.

PGS-TS-BS Trần Ngọc Sinh, Chủ tịch Hội Niệu - thận học TP.HCM, Trưởng khoa Tiết niệu BV Chợ Rẫy băn khoăn: "Chi phí cho một cuộc ghép thận hiện nay khoảng 200 triệu đồng. Nhiều BN bán nhà, bán cửa để có tiền ghép thận cho người thân. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng thành công và có khoảng 30% BN sau ghép thận bị thải ghép, mắc một số bệnh lý kèm theo. Khi đã bị biến chứng, thải ghép thì kinh phí điều trị rất tốn kém. Nếu không có sẵn từ 500 triệu - một tỷ đồng lo chi phí điều trị, BN dễ tử vong. Dù được tư vấn rất rõ nhưng nhiều BN vẫn nói dối về tài chính để đượcghép thận".

Bên cạnh người bệnh không đủ kinh phí cũng có những BN có điều kiện tài chính, nhưng quá tuổi, không đủ sức khỏe, lại cố tình khai gian để được phẫu thuật ghép thận. Cách đây không lâu, BV Chợ Rẫy tiếp nhận hai trường hợp BN đã 60 tuổi, theo quy định không được ghép thận, nhưng gia đình BN vì mong muốn người thân được ghép thận nên cố tình xác nhận rằng tuổi trong khai sinh là tuổi không đúng và thiết tha được ghép thận. Thế nhưng, sau khi ghép, người bệnh đã không đủ sức chịu đựng cuộc đại phẫu và tử vong.

Ngoài ra, còn khá nhiều trường hợp BN không thể đương đầu với một ca đại phẫu nhưng người nhà đã "không chịu hiểu", tìm mọi cách để BN được ghép thận, kể cả ghép thận ở nước ngoài, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Theo PGS-TS-BS Trần Thị Mộng Hiệp, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM, trong số BN bị suy thận giai đoạn cuối, chỉ có 30% trường hợp được chỉ định ghép thận, số còn lại sẽ được chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng. BN trên 60 tuổi, BN không đủ sức khỏe thì không thể ghép thận. Hoặc người bị suy thận do tiểu đường thì việc chỉ định lọc màng bụng sẽ giúp điều hòa đường huyết tốt hơn. Vì những trường hợp bệnh tiểu đường khi mổ ghép thận, vết mổ sẽ khó lành, việc nhiễm trùng, thải ghép sẽ cao. Còn với BN suy thận kèm cao huyết áp cũng hạn chế chỉ định ghép thận. Ở BN suy thận có cao huyết áp, khi ghép thận huyết áp tăng cao, có thể vỡ mạch máu, tử vong.

Bệnh nhân ghép thận tại BV Chợ Rẫy

Nguy cơ ung thư cao sau ghép

PGS-TS-BS Trần Ngọc Sinh cho biết, khi người bệnh bị suy thận mạn giai đoạn cuối sẽ có ba phương pháp điều trị: lọc màng bụng, chạy thận nhân tạo, ghép thận. Dù ghép thận là phương pháp tối ưu, nhưng khoảng 30% BN sau ghép thận bị thải ghép và mắc thêm nhiều bệnh, trong đó có bệnh ung thư.

Khả năng bị ung thư của người bệnh sau ghép thận sẽ cao hơn người bình thường 5 - 10 lần. Một nghiên cứu của BV Chợ Rẫy năm 2012 trên 550 BN ghép thận trong và ngoài nước cho thấy, có hơn 3% BN bị ung thư sau ghép, trong đó BN bị ung thư nhỏ tuổi nhất là 25 tuổi và lớn nhất là 68 tuổi. Đồng thời, người bệnh sau ghép thận thường gặp một số bệnh kèm theo như: tăng huyết áp, tiểu đường, dễ nhiễm các loại vi-rút, viêm gan siêu vi B, vi nấm, lao, bệnh tim thiếu máu... Thời gian phát hiện bệnh sớm nhất là sau hai năm, trung bình là bảy năm sau ghép thận.

BS Dư Thị Ngọc Thu, Khoa Tiết niệu, BV Chợ Rẫy cho biết: Sau khi ghép, người bệnh phải uống thuốc ức chế miễn dịch và luôn đối mặt với nhiều tác dụng phụ của thuốc cũng như những biến chứng sau ghép, đặc biệt là bệnh ung thư. Tỷ lệ ung thư sau ghép cao hay thấp tùy thuộc vào sự đáp ứng của từng BN với thuốc. Khi đã bị ung thư thì tác dụng phụ của quá trình hóa trị, xạ trị kết hợp với việc sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm tăng nguy cơ tử vong cho người bệnh.

Thực tế, sau ghép thận, nhiều BN không có đủ tiền uống thuốc ức chế miễn dịch chống thải ghép. Trong khi đó, ngoài phương pháp ghép thận đắt đỏ, nếu BN không đủ tiền có thể chọn chạy thận nhân tạo hay lọc màng bụng. Kỹ thuật lọc màng bụng được thực hiện liên tục, người bệnh có thể tự làm ở nhà. Tuy nhiên, những người bệnh sống trong môi trường ô nhiễm, trình độ hiểu biết về bệnh kém thì không lọc màng bụng vì không đủ kiến thức chăm sóc vết thương, dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Với những trường hợp điều trị khẩn cấp thì chạy thận nhân tạo sẽ tốt hơn lọc màng bụng vì lọc màng bụng quá trình thải độc chất sẽ chậm hơn. Khi chạy thận nhân tạo, người bệnh sẽ đến BV ba lần/tuần với thời gian chạy thận 12 giờ, nhằm lọc máu, thải độc chất. Thời gian sống của người chạy thận nhân tạo được kéo dài ngang bằng với những trường hợp được ghép thận nhân tạo.

AloBacsi.vn
Theo Thanh Toàn - Phụ nữ online

Sở dĩ giá thuốc ức chế miễn dịch trong ghép thận còn cao là do người bệnh phải dùng thuốc gốc. Nếu dùng thuốc "bản sao - thuốc generic" thì khả năng xảy ra thải ghép rất lớn vì hiện nay có nhiều lô thuốc generic không đạt chất lượng. Nếu ở bệnh lý khác, thuốc không đạt chất lượng có thể thay thuốc, thì ở bệnh nhân ghép thận, chỉ cần uống một liều thuốc không đạt chuẩn sẽ khiến bệnh nhân bị thải ghép. Nếu trong lúc ghép dùng một lọ thuốc ức chế miễn dịch có giá 60 triệu đồng thì khi xảy ra biến chứng thải ghép, phải dùng lọ thuốc có giá từ 100 - 200 triệu đồng.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X