Hotline 24/7
08983-08983

Thắc mắc thường gặp về bệnh quai bị

Thắc mắc thường gặp nhất là trẻ mắc bệnh quai bị về sau có bị vô sinh không.

Quai bị là bệnh nhiễm trùng của các tuyến nước bọt (tuyến sản xuất ra nước miếng giúp tiêu hóa thức ăn) do siêu vi trùng paramyxovirus gây ra. Đây là bệnh lành tính nhưng khả năng lây lan rất cao. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đa số người trưởng thành đã từng mắc bệnh. Nếu không được chủng ngừa, gần như đa số trẻ khi tiếp xúc với cộng đồng sẽ mắc bệnh.

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông xuân. Tại miền Nam, bệnh thường xuất hiện từ tháng 10 kéo dài đến tháng 6 năm sau và cao điểm từ tháng 12 đến tháng 3-4. Tuổi mắc bệnh thường khi trẻ bắt đầu đi học (sau 3-5 tuổi), tiếp xúc với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, tiểu học.

Bệnh quai bị sẽ tự lui dần sau 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Ảnh: Lê Phương.

Bệnh quai bị sẽ tự lui dần sau 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Ảnh: Lê Phương.

Triệu chứng và diễn tiến của bệnh

Thời kỳ ủ bệnh: Thông thường sau khi tiếp xúc với người bệnh 6-9 ngày, trẻ sẽ có biểu hiện bệnh. Có trường hợp kéo dài đến 2 tuần.

Bệnh quai bị thường rất dễ nhận biết với triệu chứng sưng đau vùng mang tai do viêm sưng tuyến nước bọt vùng mang tai. Trước khi sưng 1-2 ngày, một số trẻ có cảm giác đau, khó nhai. Vùng mang tai có thể bị sưng cùng lúc hai bên và xuất hiện rất nhanh, đêm hôm trước bình thường nhưng hôm sau đã sưng to cả hai bên. Có trường hợp sưng một bên sau đó vài ngày sưng sang bên kia. Một số trường hợp các tuyến nước bọt vùng dưới hàm cũng bị viêm làm cho mặt trẻ sưng hai mang tai và vùng dưới hàm. Thông thường trẻ lớn hay người lớn triệu chứng thường nặng hơn trẻ nhỏ.

Bên cạnh triệu chứng sưng vùng mang tai, trẻ có thể  kèm theo sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, nôn ói. Đa số trường hợp thường sốt rất nhẹ và chỉ kéo dài một đến 2 ngày.

Bệnh sẽ tự lui dần sau 5-7 ngày nếu không có biến chứng. Vùng mang tai sẽ giảm sưng dần, trẻ ăn uống dễ hơn và hồi phục hoàn toàn sau 7-10 ngày.

Biến chứng của bệnh

Bệnh quai bị thường ít biến chứng. Nếu có, đa số các biến chứng cũng lành tính, sẽ khỏi nếu được theo dõi và điều trị đúng, rất hiếm khi gây tử vong.

Biến chứng thường gặp nhất là viêm màng não. Đây là biến chứng lành tính, xuất hiện khi các triệu chứng sưng vùng mang tai đang giảm dần, trẻ sẽ đau đầu nhiều hơn, nôn ói, mệt mỏi. Thăm khám có thể thấy cổ cứng, gập đầu khó khăn, cằm không thể gập xuống ngực được.

Một biến chứng khác gây lo lắng cho phụ huynh là viêm tinh hoàn ở bé trai hay viêm buồng trứng ở trẻ gái. Đây là biến chứng thường xảy ra ở tuổi dậy thì (hơn 7 tuổi). Viêm buồng trứng thường hiếm gặp hơn viêm tinh  hoàn. Biến chứng xuất hiện khi triệu chứng sưng vùng mang tai đã giảm. Trẻ trai sốt cao, đau đầu nhiều và đặc biệt là triệu chứng đau nhiều ở vùng bìu (nơi chứa tinh hoàn), có thể một hay hai bên. Đây là biến chứng cần điều trị đúng và kịp thời để tránh di chứng vô sinh sau này. Đối với trẻ gái, biến chứng viêm buồng trứng sẽ biểu hiện đau bụng nhiều và cần được siêu âm để chẩn đoán.

Ngoài 2 biến chứng trên còn có nhiều biến chứng khác như viêm tụy cấp, viêm não, viêm cơ tim nhưng rất hiếm gặp.

Điều trị bệnh

Đây là bệnh lành tính nên có thể điều trị tại nhà, quan trọng là cần theo dõi để phát hiện kịp thời các biến chứng. Bệnh quai bị thường dễ bị nhầm lẫn với bệnh bạch hầu và bệnh viêm hạch cổ do vi trùng. Nếu là hai bệnh này, trẻ sẽ sốt rất cao và lừ đừ. Tốt nhất cần phải khám bác sĩ chuyên khoa để xác định đây là quai bị chứ không phải là hai bệnh trên.

Điều trị tại nhà chủ yếu cho trẻ uống thuốc hạ sốt giảm đau là paracetamol, ăn các thức ăn mềm. Không nên để bé vận động nhiều, đặc biệt là trẻ lớn để tránh các biến chứng viêm màng não, viêm tinh hoàm hay viêm buồng trứng. Khi trẻ ói nhiều, đau đầu, đau vùng bìu, đau bụng ngay cả là khi vùng sưng ở mang tai đã giảm, thì nên đưa đi khám ngay để kịp thời phát hiện và điều trị các biến chứng.

Phòng ngừa bệnh quai bị

Để phòng bệnh cách tốt nhất là chích ngừa bệnh quai bị cho trẻ. Nên chích ngừa khi trẻ bắt đầu qua 12 tháng tuổi hay khi bé chuẩn bị tiếp xúc với môi trường đông trẻ em như đi nhà trẻ, mẫu giáo hay tiểu học hay bất cứ khi nào có điều kiện. Lịch chích bệnh quai bị thông thường 2 liều, liều đầu lúc 12 tháng và nên lặp lại lúc 4-6 tuổi. Tốt nhất nên tiêm theo lịch hay trước khi mùa bệnh xảy ra, khả năng phòng bệnh sẽ cao hơn.

Cách phòng ngừa khác là tránh tiếp xúc với trẻ mắc bệnh cũng có hiệu quả nhưng rất thấp, vì trẻ bệnh có thể lây cho bé khác ngay khi vùng mang tai chưa sưng hoặc hết sưng.

Các quan niệm sai lầm nên biết về bệnh quai bị

Nhiều bệnh nhân quá lo lắng khi con em mình mắc bệnh quai bị và sau này sẽ bị vô sinh. Thật ra trẻ mắc quai bị mà không có biến chứng viêm tinh hoàn hay viêm buồng trứng thì không thể bị di chứng vô sinh sau này được. Ngay cả bị biến chứng này mà chỉ bị 1 bên hay điều trị kịp thời thì cũng tránh được di chứng vô sinh sau này. Nếu như trẻ mắc bệnh khi khỏi không thấy sưng đau vùng bìu hay đau bụng nhiều thì trẻ không hề có 2 biến chứng này.

Một số điều trị dân gian sai lầm nên tránh

- Dùng mực tàu hay lọ nồi vẽ lên vùng sưng là không cần thiết. Cách này xuất phát từ quan niệm cho rằng bệnh xuất hiện quá nhanh là do “tà ma", nhưng thật sự bệnh do siêu vi trùng.

- Đắp lá cây, đắp vôi hay dán cao vào vùng sưng là sai lầm rất nguy hiểm. Làm như vậy có thể gây nóng, phỏng vùng sưng và gây nhiễm trùng do vi trùng từ ngoài xâm nhập vào tuyến mang tai đang viêm sẽ làm nặng hơn, có thể gây ra nhiễm trùng máu.

Theo Trương Hữu Khanh - VnExpress
Trưởng Khoa Nhiễm, BV Nhi đồng 1

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X