Hotline 24/7
08983-08983

Test nhanh chẩn đoán lao có IgG (+), liệu cháu có nhiễm bệnh?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Cháu 21 tuổi và mới khám sức khỏe để đi du học. Xét nghiệm lao cho kết quả sau: BK đàm: âm tính; Chụp Xquang phổi: không tổn thương phổi; Test nhanh chẩn đoán lao: IgM: âm tính, IgG: dương tính. Bác sĩ cho cháu hỏi IgG (+) có nghĩa là sao ạ và cháu có bị nhiễm lao tiềm ẩn không ạ? Cảm ơn bác sĩ.

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Xét nghiệm tầm soát lao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Xét nghiệm tầm soát lao. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Khi cơ thể nhiễm một loại vi khuẩn sẽ hình thành các kháng thể trong máu. Xét nghiệm mà bạn thực hiện là test nhanh tìm kháng thể IgG trong máu. Tuy nhiên, đối với vi khuẩn lao, kết quả test huyết thanh này lại có độ nhạy và độ đặc hiệu thấp. Nên khi kết quả âm tính không thể loại trừ lao, và cũng không dùng để chẩn đoán nếu dương tính.

Các hướng dẫn về chẩn đoán lao tiềm ẩn hiện nay dựa trên hai test là TST và IGRA, chưa có vai trò của test nhanh kháng thể huyết thanh. Do đó, tuỳ vào yêu cầu của nước bạn sẽ đến học mà xét nghiệm tầm soát lao thực hiện sẽ khác nhau.

Thân mến.


Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng lớn bởi bệnh lao, xếp thứ 12 trong 22 nước có số bệnh nhân lao nhiều nhất thế giới. Ước tính mỗi năm, Việt Nam có khoảng 180.000 người mắc bệnh và gần 30.000 người chết vì bệnh lao. Vì vậy việc chẩn đoán và phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh lao có ý nghĩa rất quan trọng giúp bệnh nhân có cơ hội điều trị khỏi bệnh.

Một số xét nghiệm tầm soát lao cần thiết để chẩn đoán bệnh lý này:

- Nhuộm soi đờm trực tiếp

Kỹ thuật nhuộm soi đờm trực tiếp tìm vi khuẩn lao là phương pháp chẩn đoán chắc chắn nhất. Thông thường nhuộm theo phương pháp Ziehl - Neelsen hoặc phương pháp huỳnh quang với ánh sáng cực tím.

Cần làm AFB nhiều lần, ít nhất 3 lần trong 3 buổi sáng liên tiếp. Nếu bệnh nhân không khạc được đờm thì cho bệnh nhân dùng nước muối 5% ưu trương để lấy bệnh phẩm. Điều quan trọng là phải hướng dẫn người bệnh biết cách khạc đờm để lấy đúng đờm làm xét nghiệm.

- Nuôi cấy đờm

Ngày nay với công nghệ tiên tiến, người ta tiến hành nuôi cấy vi khuẩn lao bằng phương pháp MGIT Bactec cho kết quả nhanh sau 1-2 tuần. Với những trường hợp bệnh nhẹ, ít trực khuẩn, soi trực tiếp có thể cho kết quả âm tính nhưng nuôi cấy đờm sẽ cho kết quả dương tính. Trong khi chờ đợi kết quả nuôi cấy cần quyết định việc điều trị căn cứ vào triệu chứng lâm sàng và phim X quang. Đặc biệt là kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) cũng được áp dụng để nâng cao hiệu quả chẩn đoán bệnh lao phổi.

Trong trường hợp người bệnh không khạc được đờm, có thể ngoáy họng bệnh nhân ở vị trí gốc lưỡi hướng về khí quản bằng một que bông vô khuẩn. Bệnh nhân ho sẽ làm dính một ít dịch vào miếng bông ở đầu que ngoáy. Đặt que vào lọ vô trùng, gửi phòng xét nghiệm nuôi cấy.

- Chụp X-quang phổi

Các hình ảnh X-quang phổi nghi ngờ lao phổi sẽ cho thấy được:

+ Đám mờ không đồng đều ở vùng đỉnh hoặc vùng dưới xương đòn hai phổi (một hoặc hai bên).

+ Hình hang: Có thể một hoặc nhiều hang (lao hang).

+ Những nốt, chấm mờ nhỏ như hạt kê, đường kính 1mm lan toả cả hai phổi (lao kê).

+ Bóng mờ đặc tròn hoặc bầu dục ở góc ngoài hạ đòn hoặc hạ phân thuỳ 6 (thâm nhiễm Assman).

+ Những bóng mờ ở rốn phổi và trung thất do hạch lympho sưng to.

+ Có một vài nốt hoặc nhiều nốt to nhỏ khác nhau đường kính 3 – 10mm đậm độ không đều, thường gặp ở hạ đòn và đỉnh phổi một hoặc hai bên (lao nốt).

+ Đám mờ hình thuỳ phổi (tam giác) có thể ở bất kỳ vị trí nào nhưng thông thường thấy ở thuỳ trên và thuỳ giữa.

- Phản ứng Mantoux

Thực hiện phản ứng Mantoux bằng cách tiêm 0,1mL dùng dịch có 10 đơn vị PPD vào trong da mặt trước cẳng tay tạo nên cục sần trên da từ 5 - 6mm đường kính. Đọc kết quả sau 72 giờ. Nếu phản ứng dương tính sẽ thấy một vùng "mẩn đỏ" và một cục cứng ở da. Đo đường kính cục theo chiều ngang cánh tay, phần quầng đỏ xung quanh không quan trọng. Phản ứng dương tính khi đường kính cục phản ứng > 10mm, âm tính < 5mm; không có ý nghĩa từ 5 - 9mm.

- Xét nghiệm máu

Bệnh nhân khi mắc bệnh lao có thể có thiếu máu nhẹ, lúc này số lượng hồng cầu thường không giảm, trừ khi bệnh diễn biến lâu, cơ thể suy kiệt. Số lượng bạch cầu thường không tăng, tỷ lệ tế bào lympho có thể tăng, tốc độ lắng máu cao. Người ta còn xét nghiệm kháng thể kháng lao ở trong máu để góp phần chẩn đoán bệnh lao phổi khi không tìm thấy vi khuẩn lao ở trong đờm (phản ứng miễn dịch gắn men ELISA, Hexagon...).

- Các phương pháp khác

Ngoài những xét nghiệm tầm soát lao như trên, có thể dùng các kỹ thuật sinh hoá miễn dịch (ELISA), PCR để phát hiện những kháng nguyên hoặc những kháng thể của vi khuẩn lao trong huyết thanh hoặc dịch tiết của bệnh nhân cũng đang được áp dụng rộng rãi, giúp cho việc chẩn đoán ngày càng nhanh chóng và hiệu quả.


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X