Hotline 24/7
08983-08983

Tất cả mọi thứ bạn cần biết về cơn đau thắt ngực

Đau thắt ngực được dùng để nói đến những cơn đau ngực có nguồn gốc từ việc giảm lượng máu đến nuôi cơ tim, là một triệu chứng của bệnh động mạch vành.

Định nghĩa

Đau thắt ngực được dùng để nói đến những cơn đau ngực có nguồn gốc từ việc giảm lượng máu đến nuôi cơ tim, là một triệu chứng của bệnh động mạch vành. Đau thắt ngực có thể được người bệnh mô tả đau như có vật đè nặng lên ngực, như có ai bóp nghẹn ngực, đau chói, đau thắt, đau nhói, đau như dao đâm…

Đau ngực là biểu hiện khá thường gặp, không chỉ trong bệnh tim mà còn do nhiều nguyên nhân khác nữa, ví dụ như do các bệnh của đường tiêu hoá. Nếu bạn có những cơn đau ngực không giải thích được, hãy đi khám bệnh ngay nhé!

Biểu hiện

Các biểu hiện thường gặp đi kèm với đau ngực là:

- Cảm giác khó chịu ở ngực.

- Đau lan lên cánh tay, cổ, hàm, vai hoặc lưng.

- Buồn nôn.

- Mệt mỏi.

- Khó thở.

- Vã mồ hôi.

- Chóng mặt.

Đau hoặc khó chịu ở ngực cũng thường được người bệnh mô tả như có vật nặng đè lên ngực, cảm giác bóp nghẹt ngực, nặng ngực hoặc đau giữa ngực. Đôi khi, nó chỉ có cảm giác như là đầy, khó tiêu.

Mức độ đau, thời gian đau và kiểu đau ngực cũng khác nhau. Một điều quan trọng bạn cần nhớ đó là về những cơn đau ngực mới xuất hiện và thay đổi kiểu đau vì những cơn đau ngực mới và có diễn biến bất thường có thể là biểu hiện của một dạng đau ngực nguy hiểm như đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực ổn định là dạng thường gặp nhất trong các dạng đau ngực có nguồn gốc từ hẹp động mạch vành. Biểu hiện điển hình nhất của dạng đau ngực này là đau xảy ra khi gắng sức và giảm hoặc mất đi khi người bệnh nghỉ ngơi. Nếu gặp cảm giác khó chịu ở ngực như thế này, bạn nên đi khám bệnh sớm để tìm nguyên nhân gây bệnh và có cách điều trị kịp thời. Nếu biểu hiện đau ngực này trở nên nặng hơn hoặc thay đổi, hãy đặt hẹn với bác sĩ càng sớm càng tốt.

Các tính chất của cơn đau ngực ổn định bao gồm:

- Xuất hiện khi quả tim của bạn phải làm việc gắng sức ví dụ như khi bạn tập thể dục hoặc leo cầu thang…

- Thường thì với đau ngực ổn định, bạn sẽ đoán được nó sẽ xảy ra khi mình gắng sức và các biểu hiện cũng giống như mọi lần đau ngực khác.

- Thời gian đau ngực cũng thường là ngắn trong 5 phút hoặc ít hơn.

- Biến mất đi nhanh chóng khi bạn nghỉ ngơi hoặc dùng thuốc giãn mạch vành.

Các tính chất của cơn đau ngực không ổn định (là một cấp cứu tim mạch)

- Thường xảy ra khi nghỉ.

- Không dự đoán trước được đau ngực sẽ xảy ra và tính chất kiểu đau cũng khác các cơn đau trước đó.

- Thường đau dữ dội hơn và kéo dài hơn, có thể lên đến 30 phút hoặc hơn.

- Không mất đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc khi dùng các thuốc giãn mạch vành.

Và đó có thể là biểu hiện của một cơn nhồi máu cơ tim đấy!

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Đau thắt ngực ở phụ nữ

Biểu hiện đau thắt ngực ở phụ nữ có thể khác với các triệu chứng đau ngực điển hình ở trên. Ví dụ như, phụ nữ thường cảm giác buồn nôn, khó thở, đau bụng, mệt mỏi ghê gớm, có thể kèm hoặc không kèm với đau ngực. Hoặc họ có thể thấy khó chịu ở cổ, hàm, lưng hoặc cảm giác đau như dao đâm thay vì các cảm giác đè nặng ngực như nam giới. Điều này, đáng tiếc là có thể làm trì hoãn việc đi khám bệnh của chị em.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ ngay?

Nếu cơn đau ngực của bạn kéo dài hơn vài phút và không biến mất đi khi bạn nghỉ ngơi hoặc khi uống thuốc giãn mạch vành thì đó có thể là biểu hiện bạn đang bị nhồi máu cơ tim. Hãy gọi cấp cứu 115 hoặc gọi cho bác sĩ của bạn. Đừng tự lái xe đến bệnh viện trừ khi đó là phương thức cuối cùng.

Nguyên nhân

Đau thắt ngực xảy ra khi lượng máu đến nuôi cơ tim bị giảm. Máu cung cấp oxy cho cơ tim hoạt động và khi cơ tim không được cung cấp đủ oxy, nó sẽ gây ra một tình trạng gọi là Thiếu máu cơ tim.

Nguyên nhân thường gặp nhất gây ra giảm dòng máu đến cơ tim của bạn đó là bệnh động mạch vành (là các động mạch dẫn máu đến nuôi cơ tim). Các mảng mỡ lắng đọng, bồi đắp vào thành của động mạch vành dần dần, theo thời gian làm lòng mạch vành hẹp lại. Quá trình này gọi là Xơ vữa động mạch.

Bạn có thể đang thắc mắc là nếu mạch vành của mình bị hẹp do mảng xơ vữa, sao không phải lúc nào mình cũng cảm thấy đau ngực? Điều này là bởi vì khi bạn nghỉ ngơi thì nhu cầu oxy của cơ tim không nhiều, lượng máu mà mạch vành bị hẹp chuyển tới cơ tim tuy bị giảm nhưng vẫn đáp ứng đủ nhu cầu của cơ tim lúc nghỉ ngơi này và bạn không cảm thấy đau ngực. Tuy nhiên, khi chúng ta gắng sức, nhu cầu oxy của cơ tim tăng, lưu lượng máu ở động mạch vành bị hẹp không tăng lên tương ứng, gây ra cơn đau thắt ngực.

Những cơn đau thắt ngực ổn định thường xảy ra khi chúng ta gắng sức thể lực như đi bộ, bê vác… hoặc các xúc cảm đột ngột, thay đổi nhiệt độ nóng lạnh bất thường, sau ăn uống no nê hoặc khi hút thuốc… cũng đều có thể làm hẹp động mạch vành và khởi phát cơn đau.

Nhưng nếu vì một lí do nào đó, mảng xơ vữa ở thành động mạch vành bị nứt vỡ và sự hình thành cục máu đông ở vị trí đó có thể mau chóng gây nghẽn một phần hoặc hoàn toàn dòng chảy trong lòng động mạch vành, làm giảm nghiêm trọng và ngay lập tức dòng máu đến nuôi cơ tim.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, tế bào cơ tim sẽ bị chết. Do đó, đau thắt ngực không ổn định là vô cùng nguy hiểm và người bệnh cần phải được điều trị cấp cứu.

Yếu tố nguy cơ

Bạn có biết những yếu tố sau làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và các cơn đau thắt ngực của mình không:

Thuốc lá: nhai thuốc lá, hút thuốc lá hoặc ngửi khói thuốc lá trong một thời gian dài (hút thuốc lá thụ động) làm tổn thương lớp áo trong của thành động mạch, trong đó có mạch vành, và làm cho các mảng cholesterol lắng đọng và làm nghẽn dần dòng chảy.

Đái tháo đường: làm thúc đẩy quá trình xơ vữa mạch máu do đó làm gia tăng nguy cơ của bệnh động mạch vành.

Tăng huyết áp: theo thời gian, áp lực dòng máu cao trong bệnh tăng huyết áp sẽ gây tổn thương các thành động mạch.

Tăng cholesterol hoặc triglyceride: cholesterol là một phần quan trọng của các mảng xơ vữa bám ở thành động mạch. Tăng cholesterol “xấu” hay được biết là cholesterol trọng lượng phân tử thấp (LDL cholesterol) làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Triglyceride, loại chất béo có liên quan đến chế độ ăn của bạn, nếu tăng cao cũng không tốt.

Tiền sử bệnh tim mạch: nếu bạn có tiền sử bệnh động mạch vành hoặc nếu bạn đã từng bị nhồi máu cơ tim, thì bạn có nguy cơ cao hơn bị đau thắt ngực do bệnh mạch vành.

Lớn tuổi: nam giới trên 45 tuổi và nữ giới trên 55 tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn so với người trẻ tuổi.

Lười vận động: một lối sống tĩnh tại, ít vận động thể lực thường đi kèm với tình trạng tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường type 2 và thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, nếu bạn đã có các cơn đau ngực thì bạn cần phải trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định bắt đầu một chương trình luyện tập.

Béo phì: làm tăng nguy cơ của cơn đau thắt ngực và bệnh tim mạch vì nó thường đi kèm với tăng mỡ máu, tăng huyết áp và tiểu đường. Và hãy tưởng tượng xem, trái tim của bạn đang phải làm việc vất vả hơn để tống máu đến những mô mỡ thừa.

Stress, căng thẳng: Căng thẳng cũng làm tăng nguy cơ đau thắt ngực và nhồi máu cơ tim. Quá nhiều căng thẳng cũng như các cảm xúc tiêu cực như giận dữ, đau buồn, sẽ làm tăng huyết áp của bạn và tăng sản xuất ra các hormone gây co thắt động mạch vành.

Tiền sử gia đình: nếu bạn có bố mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh động mạch vành sớm (nam dưới 55 tuổi, nữ dưới 65 tuổi) thì bạn cũng có nguy cơ mắc bệnh.

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Hậu quả

Những cơn đau ngực có thể khiến cho các hoạt động thể lực của bạn bị ảnh hưởng nhưng điều đáng sợ hơn chính là nhồi máu cơ tim. Các dấu hiệu và triệu chứng của cơn nhồi máu cơ tim bao gồm:

- Cảm giác tức nặng, bóp nghẹt ở giữa ngực kéo dài hơn vài phút.

- Đau lan từ ngực lên đến vai, cánh tay, lưng và thậm chí là lan lên cổ, cằm, răng và hàm.

- Số lượng các cơn đau ngực gia tăng liên tục.

- Cơn đau kéo dài ra.

- Khó thở.

- Vã mồ hôi.

- Buồn nôn và nôn.

- Lo lắng, hốt hoảng, nghĩ đến điều chẳng lành.

- Ngất đi.

Chuẩn bị đi khám như thế nào?

Nếu bạn bị đau ngực dữ dội, hãy gọi cấp cứu 115 hoặc là bác sĩ riêng của mình.

Nếu đó là những cơn đau ngực tái phát, ngắn, chỉ xảy ra khi gắng sức hoặc bạn lo lắng vì gia đình mình có tiền sử gia mắc bệnh động mạch vành sớm thì bạn nên đăng kí khám vì phát hiện sớm bệnh mạch vành, việc điều trị sẽ dễ dàng và hiệu quả hơn nhiều đấy.

Để buổi khám bệnh được hiệu quả, chúng ta nên chuẩn bị sẵn một số thông tin từ trước khi đi khám như sau:

- Nên nhịn ăn vì nhiều khả năng bạn sẽ cần làm xét nghiệm máu.

- Hãy viết xuống bất kì biểu hiện triệu chứng nào mà bạn cảm nhận thấy.

- Hãy viết xuống các thông tin cá nhân quan trọng như tiền sử gia đình có bệnh mạch vành, đau ngực, bệnh tim, đột quỵ, tăng huyết áp hoặc tiểu đường và bất kì những căng thẳng hoặc thay đổi về cuộc sống gần đây mà bạn phải trải qua.

- Hãy viết xuống danh sách các thuốc, vitamin, thực phẩm chức năng mà bạn đang dùng.

- Tốt nhất là hãy đi cùng một ai đó nếu có thể. Đôi khi chúng ta cảm thấy bối rối, lo lắng trước những thông tin mà ta tiếp nhận mà quên đi những điều quan trọng mà bác sĩ dặn dò. Có một người đi cùng, có thể là họ hàng hoặc bạn bè, người đó hi vọng là sẽ nhớ hộ bạn. Còn nếu không, hãy viết lại những ý chính mà bác sĩ trao đổi với bạn và hỏi lại bác sĩ xem cách bạn hiểu về bệnh của mình như thế đã đúng chưa.

- Hãy viết xuống những câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn. Vì thời gian gặp bác sĩ chỉ có hạn, bạn nên chuẩn bị sẵn những câu hỏi. Bạn nên hỏi các câu hỏi như:

+ Nguyên nhân chính gây ra triệu chứng của tôi là gì?

+ Liệu còn có khả năng nào khác không?

+ Tôi cần phải làm các xét nghiệm gì? Tôi có cần chuẩn bị gì trước cho các xét nghiệm đó không?

+ Có các cách gì điều trị bệnh này và bác sĩ thấy tôi nên điều trị theo cách nào?

+ Tôi nên tránh ăn các đồ ăn gì?

+ Tôi nên tập luyện thể lực như thế nào?

+ Tôi còn mắc bệnh khác nữa. Việc điều trị bệnh này có ảnh hưởng gì đến bệnh kia không?

+ Tôi có cần đi khám lại không? Bao lâu khám lại một lần?

+ Bác sĩ có thể giới thiệu một cuốn sách nào về bệnh này phù hợp để tôi đọc thêm không? Hoặc trang web nào tôi có thể tham khảo?

Bác sĩ sẽ hỏi những gì?

Để khoanh vùng nguyên nhân gây đau ngực cho bạn, chúng tôi có thể sẽ hỏi một số câu hỏi và bạn nên chuẩn bị sẵn sàng để trả lời. Nó sẽ tiết kiệm thời gian cho cả bạn và bác sĩ. Một số câu hỏi có thể là:

- Ông/bà bắt đầu cảm thấy đau ngực từ khi nào?

- Cơn đau như thế nào? Khó chịu? Tức nặng? Bó chặt? Đau nhói? Đau chói như dao đâm?

- Vị trí đau ở đâu? Đau ở một điểm hay một vùng?


- Cơn đau có lan ra cổ và tay không? Có điều gì bạn nghĩ là nguồn gốc khởi phát cơn đau xuất hiện không? Đau xuất hiện từ từ tăng dần hay xuất hiện đột ngột?

- Cơn đau kéo dài bao lâu?

- Có điều gì làm cơn đau nặng hơn? Hoạt động thể lực? Hít thở? Thay đổi tư thế?

- Có điều gì làm cơn đau dịu đi? Nghỉ ngơi? Hít sâu? Ngồi lên?

- Ngoài đau ngực ra, ông/bà còn có các triệu chứng khác không như buồn nôn hoặc chóng mặt?

- Ông/bà có thấy khó nuốt không?

- Ông/bà có thường bị ợ chua không?

Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Có thể làm gì trong lúc này?

Không bao giờ là quá muộn để bạn thay đổi lối sống tích cực hơn như bỏ thuốc lá, ăn các đồ ăn có lợi cho sức khoẻ và hoạt động thể lực nhiều hơn.

Một lối sống tích cực, khoa học và lành mạnh là điều kiện tiên quyết để chống lại các cơn đau thắt ngực và các hậu quả của nó bao gồm nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Thay vì những giờ nhậu nhẹt sau khi tan tầm, hãy xỏ chân vào giầy và tập các môn thể thao mà bạn (đã từng) yêu thích như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, cầu lông, bóng bàn, thể hình, aerobic…

Nhưng hãy nhớ rằng nếu bạn đã có các cơn đau ngực, cần phải hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi bắt đầu luyện tập bởi vì đối với bệnh nhân mắc bệnh mạch vành, tập thể dục cũng cần được bác sĩ “kê đơn”!

Xét nghiệm và chẩn đoán

Để chẩn đoán nguyên nhân đau thắt ngực, bạn sẽ được hỏi bệnh và khám lâm sàng. Sau đó, bạn có thể được bác sĩ chỉ định một số các xét nghiệm để tìm nguyên nhân. Các xét nghiệm đó có thể là:

Điện tâm đồ: là một biều đồ biểu diễn điện học của tim khi tim đập. Khi nhìn vào điện tâm đồ, bác sĩ có thể tìm thấy các dấu hiệu gợi ý cơ tim đang bị thiếu máu hoặc đã từng bị nhồi máu.

Siêu âm tim: ghi nhận các sóng âm được tạo ra khi quả tim co bóp và biểu diễn dưới dạng hình ảnh. Nhờ siêu âm tim, bác sĩ có thể biết được các vùng cơ tim có co bóp, hoạt động được bình thường không, hay là có vùng nào đó bị ảnh hưởng bởi lượng máu đến nuôi vùng đó bị giảm.

Các nghiệm pháp gắng sức: như đã trình bày ở trên, một số cơn đau ngực chỉ xảy ra khi quả tim phải hoạt động gắng sức. Bác sĩ có thể chỉ định cho bạn làm nghiệm pháp gắng sức để phát hiện các cơn đau ngực và tình trạng thiếu máu cơ tim thầm lặng. Bạn sẽ được đi bộ trên một máy chạy bộ đặc biệt theo một quy trình đã được cài đặt sẵn. Trong quá trình đi bộ, chúng tôi sẽ liên tục theo dõi điện tim, huyết áp để phát hiện các dấu hiệu bất thường.

Đối với những bệnh nhân không thể hoặc không quen với việc đi bộ trên máy chạy bộ, chúng tôi có thể sử dụng một số thuốc khiến quả tim phải hoạt động nhiều hơn (bắt chước việc gắng sức bằng thể lực).

Xạ hình tưới máu cơ tim: phương pháp này giúp bác sĩ xác định được dòng chảy trong cơ tim ở trạng thái nghỉ ngơi và trạng thái gắng sức. Bạn cũng sẽ được yêu cầu đi bộ trên máy chạy bộ hoặc được tiêm thuốc để bắt cơ tim hoạt động gắng sức và khi đạt ngưỡng gắng sức tối đa, bác sĩ sẽ tiêm một lượng rất nhỏ dược chất phóng xạ vào ven của bạn. Dược chất này sẽ hoà vào máu và di chuyển đến cơ tim nhiều hay ít tuỳ thuộc vào dòng máu trong cơ tim của bạn bình thường hay bị hẹp. Sau đó, một máy scanner đặc biệt sẽ ghi lại lượng phóng xạ được bắt giữ ở cơ tim và thể hiện ra bằng hình ảnh.

Chụp X-quang: chụp X-quang tim phổi thường là chỉ định thường quy để phát hiện các nguyên nhân gây đau ngực cũng như là xem bóng tim trên phim chụp có lớn không.

Xét nghiệm máu: cũng thường là chỉ định thường quy của bác sĩ. Ngoài các xét nghiệm thông thường để đánh giá tình trạng sức khoẻ của bạn như xét nghiệm về chức năng thận, gan, mỡ máu, đường máu, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm men tim. Vì men tim sẽ tăng dần lên nếu cơ tim của bạn bị tổn thương trong cơn nhồi máu.

Chụp cắt lớp động mạch vành: bạn sẽ được nằm trên một cái giường nhỏ, ở giữa một cái máy dạng ống hình tròn và được tiêm một lượng thuốc cản quang. Máy đó sẽ quay liên tục xung quanh người bạn và phát ra tia X để thu nhận hình ảnh về tim của bạn, có thể phát hiện được các chỗ hẹp của động mạch vành hoặc kích thước tim lớn bất thường…

Chụp động mạch vành qua da: cũng sử dụng thuốc cản quang và tia X để chụp chọn lọc từng nhánh động mạch vành giúp chúng ta có cái nhìn chi tiết về tình trạng mạch máu của người bệnh.

Điều trị và dùng thuốc

Có nhiều cách để điều trị cơn đau thắt ngực, bao gồm thay đổi lối sống, dùng thuốc, nong và đặt stent động mạch vành hoặc phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành. Mục đích của các phương pháp này là giảm tần số cũng như mức độ đau ngực và quan trọng nhất là giảm nguy cơ bạn bị nhồi máu cơ tim và tử vong.

Tuỳ thuộc vào tình trạng đau ngực (cấp tính hay ổn định) mà bác sĩ chúng tôi sẽ giải thích và tư vấn cho bạn cách điều trị phù hợp. Nhưng cần nhấn mạnh lại với các bạn một điều rằng nếu cơn đau ngực của bạn không ổn định, biểu hiện khác thường với những lần đau ngực trước thì bạn có thể cần phải tìm kiếm sự trợ giúp về y tế càng sớm càng tốt. Hãy tìm đọc bài viết về nhồi máu cơ tim để có thêm kiến thức phòng và theo dõi bệnh của mình nhé!

Thay đổi lối sống

Thay đối lối sống khoa học là điều kiện tiên quyết, không phải bàn cãi, đối với tất cả mọi người.

Thay đổi lối sống bao gồm:

- Nếu bạn đang hút thuốc, hãy ngừng hút thuốc. Tránh xa khói thuốc lá để tránh hút thuốc lá thụ động.
- Nếu bạn thừa cân, béo phì, hãy bàn với bác sĩ về việc giảm cân nhé!
- Nếu bạn bị đái tháo đường, hãy đảm bảo rằng đường huyết của bạn được kiểm soát tốt và bạn có một chế độ ăn uống, tập luyện tối ưu.
- Nếu đau ngực chỉ xảy ra khi bạn gắng sức, hãy trao đổi với bác sĩ để tìm một ngưỡng tập luyện an toàn cho bạn. Nhớ là cần phải có những khoảng nghỉ ngơi trong một lần tập luyện.
- Tránh xa các bữa ăn thịnh soạn.
- Dù biết rằng nói với bạn cần phải tránh căng thẳng thì dễ dàng hơn rất nhiều so với thực hiện được nhưng bạn hãy thử tìm một số cách để giúp mình dễ bình tĩnh hơn xem sao. Ví dụ như khi chuẩn bị “nổi điên” hãy nhắm mắt lại, đếm từ từ từ 1 đến 3, hít một hơi thật sâu, tự nói với bản thân rằng “Mình cần bình tĩnh”, rằng “Mọi chuyện sẽ ổn”… Hãy trò chuyện với bác sĩ của chúng tôi hoặc tìm đến một bác sĩ tâm lý để được tư vấn thêm.
- Ăn các thức ăn có lợi cho sức khoẻ ví dụ như ăn nhiều rau, hoa quả, các loại ngũ cốc nguyên hạt; hạn chế muối, đường và mỡ bão hoà.
- Hạn chế rượu bia.

Điều trị bằng thuốc

Thuốc là vô cùng quan trọng một khi bạn đã được xác định mắc bệnh động mạch vành. Một số loại thuốc cần được sử dụng lâu dài, nếu không muốn nói là suốt đời.

Nitrate: các thuốc nitrate được sử dụng để giảm cơn đau thắt ngực bằng cách giãn động mạch vành, nhờ đó làm tăng dòng máu đến nuôi cơ tim. Các thuốc nitrate có thể được sử dụng nếu như bạn cảm thấy khó chịu ở ngực mà do nguyên nhân thiếu máu cơ tim hoặc trước khi bạn làm một việc gì đó mà nó thường gây ra cơn đau thắt ngực, ví dụ như trước khi tập thể dục.

Tuy nhiên, người bệnh thường bị nhờn thuốc sau một thời gian dài sử dụng, do đó, bạn cần phải được bác sĩ theo dõi và kê đơn. Không tự ý sử dụng và không tự ý ngưng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

Aspirin: thuốc này làm giảm khả năng dòng máu bị đông cục, tạo điều kiện cho dòng máu di chuyển dễ dàng hơn trong các động mạch vành bị hẹp. Thuốc đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân bị hẹp động mạch vành, nhưng thuốc có thể gây một số tác dụng phụ, do đó hãy hỏi ý kiến của bác sĩ nhé.

Các thuốc chẹn beta: các thuốc này giúp quả tim làm việc chậm hơn và nhẹ nhàng hơn, do đó tim sẽ đòi hỏi nhu cầu được cung cấp oxy ít hơn. Thuốc cũng đồng thời làm các mạch máu được thư giãn hơn, nhờ đó mà máu có thể di chuyển được dễ dàng hơn và giảm được các cơn đau thắt ngực. Thuốc có thể gây tác dụng phụ như làm nhịp tim quá chậm hoặc ảnh hưởng đến những người bị hen, do đó, bạn không được tự ý sử dụng.

Statin: là những thuốc làm giảm mỡ máu. Một số loại đã được chứng minh là làm giảm được kích thước của mảng mỡ máu bám ở thành động mạch vành. Do đó, đây là loại thuốc vô cùng quan trọng đối với những người bị bệnh mạch vành.

Các thuốc ức chế kênh calci: giúp làm thư giãn và mở rộng lòng mạch bằng những tác động lên các tế bào thành mạch máu, do đó làm tăng lưu lượng máu trong mạch vành và giảm các cơn đau ngực.

Can thiệp tim mạch và phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành

Nong bóng và đặt stent: là các thủ thuật giúp tăng kích thước lòng mạch bị hẹp ngay lập tức, thường được chỉ định trong những trường hợp đau thắt ngực không ổn định hoặc nhồi máu cơ tim hoặc cho những bệnh nhân đau thắt ngực ổn định mà việc dùng thuốc và thay đổi lối sống không còn hiệu quả nữa. Hãy tìm đọc bài viết chi tiết về nong bóng và đặt stent để hiểu thêm hơn về phương pháp này nhé.

Phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành: trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng một đoạn mạch (có thể là động mạch, có thể là tĩnh mạch được lấy từ chính cơ thể của bạn) để sử dụng làm một đường nối dẫn máu từ động mạch chủ đến sau đoạn động mạch vành bị hẹp, do đó làm tăng lượng máu đến nuôi cơ tim. Hãy đọc thêm bài viết về Phẫu thuật bắc cầu nối chủ vành tại đây để biết thêm chi tiết.

Phòng bệnh

Đau thắt ngực và bệnh động mạch vành rất nguy hiểm nhưng bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa. Hãy áp dụng các biện pháp đơn giản sau đây để có cuộc sống khoẻ mạnh nhé:

 - Bỏ thuốc lá hoàn toàn, kể cả ngửi khói thuốc lá.
- Theo dõi và kiểm soát các bệnh lý khác nếu có như tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng mỡ máu.
- Có chế độ ăn uống điều độ, lành mạnh.
- Tăng cường luyện tập thể lực sau khi tư vấn với bác sĩ về ngưỡng tập luyện của mình.
- Duy trì cân nặng hợp lí.
- Tránh xa căng thẳng, stress.

Xin cảm ơn các bạn đã đọc và chúc các bạn có một trái tim khoẻ!

* Bài viết được soạn bởi các bác sĩ của BV Tim Hà Nội.
Theo BV Tim Hà Nội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X