Hotline 24/7
08983-08983

Tập thể dục sáng mùa đông: Đừng để đột quỵ, trúng gió!

Khi gặp nhiệt độ lạnh đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co, tắc nghẽn gây thiếu ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ. Tập thể dục vào buổi sáng sớm mùa đông có thể gây đột quỵ. Vậy làm sao phòng ngừa?

GS.TS Lê Đức Hinh, nguyên Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam cho biết, không thể phủ nhận việc tập thể dục buổi sáng rất tốt cho sức khỏe, nhưng tập sai cách, không đúng thời điểm tiềm ẩn nhiều rủi ro khôn lường đối với sức khỏe.

Hàng ngày, chúng ta vẫn bắt gặp nhiều người, nhất là người cao tuổi mặc quần áo mỏng manh đi tập thể dục buổi sáng sớm ở các công viên, vườn hoa. Việc tập thể dục buổi sáng quá sớm có thể khiến người tập gặp lạnh đột ngột, dễ bị nhất là trong thời tiết mùa đông.

Đặc biệt, theo GS.TS Lê Đức Hinh, khi gặp nhiệt độ lạnh đột ngột từ bên ngoài, những động mạch đưa máu lên não có thể bị co, tắc nghẽn gây thiếu ôxy và chất dinh dưỡng lên não dẫn đến đột quỵ.

Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không khoa học vào buổi sáng sớm.


Không nên tập thể dục quá sớm vào buổi sáng mùa lạnh để không gây hại sức khỏe. Ảnh: TL
Không nên tập thể dục quá sớm vào buổi sáng mùa lạnh để không gây hại sức khỏe. Ảnh: TL

Bên cạnh đó, huyết áp của chúng ta thường tăng vào sáng sớm, nếu gặp thời tiết quá lạnh cũng sẽ dễ xảy ra tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người, nhất là với những người có tiền sử huyết áp cao, người có huyết áp tăng giảm không đều, những người thể trạng yếu…

Ngoài ra, với những người có tiền sử bị đau nhức xương khớp, thời điểm sáng sớm cũng là lúc các khớp, cơ, dây chằng bị căng cứng do tạm dừng hoạt động cả đêm. Vì vậy, nếu không có quá trình khởi động hợp lý trước khi ra ngoài tập thể dục, rất dễ bị tái phát các cơn đau, khiến việc đi lại, vận động càng khó khăn hơn.

Do đó, để không gặp tình trạng “gậy ông đập lưng ông” khi tập thể dục buổi sáng ngày lạnh, mọi người cần tuân thủ những điều sau:

- Lùi thời gian tập muộn hơn so với mùa hè. Tức là đợi trời sáng hẳn, bớt sương mới nên ra ngoài tập. Trên thực tế, tập quá sớm khi vẫn còn sương mù là nguyên nhân hàng đầu gây cảm lạnh, nhất là đối với người có sức đề kháng kém.

- Tập các thao tác khởi động từ trong nhà cho cơ thể ấm lên trước khi đi ra ngoài.

- Nên mở hé cửa chính hoặc cửa sổ để cơ thể thích nghi trước với nhiệt độ thấp ở ngoài trời. Không nên đang từ phòng kín đột ngột đi ra ngoài luôn, dễ bị sốc nhiệt.

- Không mặc áo quá dày hoặc quá mỏng khi tập thể dục. Tốt nhất nên mặc thành nhiều lớp. Khi nào thấy cơ thể ấm lên, toát mồ hôi, có thể cởi bỏ một vài lớp áo mỏng ra ngoài.

- Tập các bài thể dục vừa với sức của mình. Không tập quá lâu gây mất sức. Khi cơ thể ra nhiều mồ hôi, cần trở về nhà để lau khô và thay quần áo. Tránh việc mồ hôi ra ướt áo cộng với thời tiết lạnh, dễ bị cảm.

- Vào những ngày lạnh kèm mưa phùn, nên tập các bài thể dục nhẹ nhàng trong nhà như yoga; đi bộ... vẫn đem lại hiệu quả.

Lưu ý: Không tắm ngay nước nóng khi tập thể dục, bởi lẽ, sau khi tập thể dục, các mạch máu dưới da giãn nở, nhiệt độ cơ thể tăng cao, các lỗ chân lông giãn to hơn, tiết ra mồ hôi nhiều hơn. Nếu tắm nước nóng ngay sẽ làm tuần hoàn máu trong các cơ bắp và dưới da tiếp tục tăng nhanh, dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ cho các cơ quan khác trong cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu máu não, trường hợp nặng có thể gây đau tim, nguy hiểm đến tính mạng. Tốt nhất nên chờ khoảng 20 phút, khi thân nhiệt ổn định trở lại, mổ hôi ráo, nhịp tim và hơi thở điều hòa, lau khô người rồi hãy đi tắm.

Theo N.Mai - Gia đình và Xã hội

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X