Hotline 24/7
08983-08983

Tập tạ và uống sữa đặc vào buổi tối, có tốt không AloBacsi?

Bạn đọc AloBacsi băn khoăn về: siêu âm lá lách to, xét nghiệm máu có bạch cầu ái toan đa nhân, hemangioma gan, u mạch máu ở gan, tăng số lượng hồng cầu, sợ giao tiếp...

BS.CK1 Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

Thi Nhi - TPHCM

Chào BS,

Tôi năm nay 22 tuổi, cao 1m60, nặng 52kg, dạo gần đây tôi thấy đau đầu dữ dội, chóng mặt, buồn nôn, đi khám huyết áp tới 140/90.

Vậy tôi có nên dùng thuốc tây hay có biện pháp nào hữu ích giúp tôi không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Huyết áp gồm 2 trị số, trị số lớn nhất gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg. Huyết áp có thể tăng khi căng thẳng, do lo lắng, do hội chứng áo choàng trắng (khi vào bệnh viện, khi gặp BS thì huyết áp cao), bệnh lý viêm nhiễm, do cafe, khi khó thở... nhìn chung là các stress đối với cơ thể.

Như vậy, huyết áp ghi nhận ở những lúc cơ thể đang nhức đầu, chóng mặt thì sẽ không phản ánh chính xác được huyết áp dao động bình thường của người bệnh, mặc dù chỉ số đó là huyết áp cao nhưng có 2 khả năng xảy ra, một là huyết áp cao chính là nguyên nhân khiến em nhức đầu, chóng mặt, khi đó điều trị hạ áp sẽ giúp hết nhức đầu.

Nhưng cũng có khả năng thứ hai là do em có bệnh lý nào đó (không phải bệnh tăng huyết áp, mà rối loạn tiền đình chẳng hạn) gây ra các triệu chứng kể trên, và làm tăng nhẹ chỉ số huyết áp nhưng chưa phải là bệnh tăng huyết áp, khi đó điều trị bệnh lý đó ổn thì huyết áp sẽ về bình thường.

Việc quyết định khả năng nào và lựa chọn thuốc ra sao thì BS phải thăm khám trực tiếp cho em mới đánh giá chính xác được, đôi khi còn cần xn cận lâm sàng hỗ trợ cho chẩn đoán.

Em nói rằng em đã đi khám, nhưng tôi không rõ chẩn đoán của BS là gì, kê thuốc ra sao, nếu em đã tin tưởng mà đi khám BS thì nên uống thuốc đúng theo chỉ định và theo dõi triệu chứng của mình, xem có bớt hay không, đo huyết áp tại nhà xem có về bình thường chưa.

Nếu uống thuốc 2 cữ rồi mà không bớt thì em cần quay lại bệnh viện khám lại ngay, đăng ký khám cấp cứu nếu đau đầu dữ dội, hoặc khám phòng khám thì đăng ký khám chuyên khoa Nội thần kinh (đau đầu, chóng mặt) là tốt nhất.


Lê Thị Huyền - Phú Thọ

Thưa BS,

Tiền sử em bị bệnh thận, hiện nay huyết áp của em không ổn định, có lúc 80/140, có lúc 110/177 hay lên đột ngột về đêm. Em cũng đi khám BS nói em bị cao huyết áp, em uống thuốc đều đặn nhưng gần đây em thấy rất khó chịu, tim đập hồi hộp, có lúc khó thở, những lúc như vậy em đo huyết áp 110/165 mà nhịp tim chỉ có 45.

Xin BS tư vấn giúp em bị bệnh gì? Đường trong máu của em bình thường, mỡ máu cũng bình thường ạ.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Huyền thân mến,

Trước hết em cần xem lại xem huyết áp đó có đúng không. Con số huyết áp đó là ai đo và đọc cho em? Nếu là nhân viên y tế thì sẽ luôn đọc số lớn đứng trước, ví dụ 130/90 mmHg.

Bởi vì huyết áp gồm 2 trị số, trị số phía trước dấu gạch là trị số lớn nhất - gọi là huyết áp tâm thu, bình thường < 140 và > 90 mmHg; trị số phía sau dấu gạch là trị số thấp nhất gọi là huyết áp tâm trương, bình thường < 90 và > 60 mmHg.

Nếu em tự đo tại nhà thì có thể em ghi ngược, cũng có thể em đọc sai, vì nhiều máy đo huyết áp tự động có ghi cả nhịp tim trong đó, người không chuyên môn y khoa có thể đọc lộn nhịp tim thành số đo huyết áp.

Đặc biệt có đoạn em ghi là “em đo huyết áp 110/165 mà nhịp tim chỉ có 45”, cảm thấy hồi hộp, thì có khả năng nhịp tim của em là 110 lần/phút, còn huyết áp là 165/45 mmHg đó.

Em xác định lại trị số huyết áp của mình rồi gửi câu hỏi lại, chúng tôi sẽ tư vấn tiếp, em nhé.


Đức Chung - nguyen…@gmail.com

Kính thưa BS,

Kết quả hồng cầu của tôi 3 năm nay đều vượt quá ngưỡng, lần lượt là 6.2, 6.0 và năm nay là 5.52 M/uL. Các kết quả khác đều bình thường, nhịp tim 78/min. Tôi cảm thấy thể lực kém hơn. BS làm ơn tư vấn cho tôi. Cảm ơn BS!

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Đức Chung,

Giới hạn bình thường của số lượng hồng cầu ở người lớn là 0,7-5,2 triệu/mcL với nam và 0,5-4,6 triệu/mcL đối với nữ. Ở trẻ em, giới hạn này thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi và giới. Như vậy với các chỉ số về số lượng hồng cầu bạn đưa ra là bạn có tăng số lượng hồng cầu trong máu ngoại vi.

Tăng số lượng hồng cầu có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân, bao gồm bệnh hemoglobin làm giảm khả năng vận chuyển oxy của các tế bào hồng cầu, sống ở vùng cao, bệnh lý tại phổi, hội chứng ngưng thở khi ngủ, hút thuốc lá, thuốc, cô đặc máu, bệnh đa hồng cầu và các rối loạn tăng sinh tủy khác…

Tôi không rõ các “kết quả khác đều bình thường” là những kết quả nào, trong trường hợp muốn xác định nguyên nhân gây tăng hồng cầu thì bạn nên trao đổi trực tiếp với BS điều trị cho bạn, hoặc đem các kết quả đã làm đến khám BS chuyên khoa Huyết học hoặc BV Truyền máu Huyết học để sớm xác định nguyên nhân, bạn nhé.


Nguyen Thi Huyen - Hải Dương

BS cho em hỏi,

Em đi siêu âm BS nói lá lách của em to hơn bình thường 1 chút. Em có xét nghiệm huyết học không có vấn đề gì. Liệu có sao không BS?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Lá lách là một cơ quan nhỏ nằm ngay dưới lồng xương sườn trên bên trái. Lách là một phần của hệ thống võng mô nội mạc, phản ứng với nhiều loại bệnh lý viêm, nhiễm trùng, bệnh tự miễn, bệnh về máu, bệnh chất keo, ung thư... Nói cách khác, lách có thể to trong rất nhiều bệnh khác nhau và chỉ bằng 1 triệu chứng lách to, không có cách gì chẩn đoán được nguyên nhân sinh bệnh là gì.

Tuy nhiên, kết quả siêu âm bụng thì mang tính chủ quan, vì phụ thuộc vào BS siêu âm, cho nên có thể hôm nay thì bBS ghi nhận lách to 1 chút, có thể ngày mai siêu âm lại thì thấy lách bình thường; trừ khi là lách to rõ (độ 2, độ 3, độ 4).

Xét nghiệm huyết học của em không có vấn đề gì thì là vấn đề may mắn. Để xác định nguyên nhân lách to, em nên đem kết quả kiểm tra đến khám ở chuyên khoa Tiêu hóa hoặc chuyên khoa Huyết học để được tư vấn xác định nguyên nhân và lựa chọn cách điều trị thích hợp.


Bạn đọc Nguyễn Quốc Nam

Thưa BS,

Em đi khám tổng quát thì được chẩn đoán là bệnh hemangioma gan phải. Vậy xin hỏi đó là bệnh gì, có nguy hiểm không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Quốc Nam,

Hemangioma gan là u mạch máu ở gan. Đây là một loại u bướu ở gan, đa số là lành tính, không cần điều trị. Khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân gây u máu gan, có thể do di truyền, có thể có liên quan đến nội tiết tố nữ - estrogen (thai kỳ và điều trị bằng estrogen cho phụ nữ mãn kinh)… Đa phần u máu gan là đơn độc, nhưng cũng có nhiều trường hợp có vài u máu nhỏ trong gan. Số lượng u máu không quan trọng bằng kích thước u.

Nếu u to có thể gây triệu chứng (đau hạ sườn phải, đầy bụng, buồn nôn hoặc nôn). U quá to có thể chèn ép đường mật, chảy máu đường mật, chèn ép tĩnh mạch chủ dưới và sốt không rõ nguyên nhân. Một biến chứng nguy hiểm là u to có thể vỡ tự nhiên hoặc sau chấn thương bụng, gây xuất huyết nhiều và ảnh hưởng tính mạng.

Hiện nay, chưa có một loại thuốc nào có tác dụng làm mất hoặc giảm kích thước của khối u. Nếu khối u to (> 10 cm) hoặc to nhanh gây chèn ép, đau bụng, buồn nôn, gan to thì có thể điều trị đề phòng u vỡ gây xuất huyết.

Tùy thuộc vào kích thước, vị trí khối u, sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ áp dụng các phương pháp khác nhau: thuyên tắc động mạch nuôi khối u, phẫu thuật cắt một phần gan. Với các u không gây triệu chứng thì chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để theo dõi kích thước mà thôi.


Trung H. - ly…@gmail.com

Chào BS, xin BS vui lòng cho em hỏi về trường hợp của em.

Nay em 28 tuổi, đang làm công ty nhưng em rất sợ hãi khi phải giao tiếp với mọi người. Khi đối mặt với người khác em không dám nhìn thẳng vào mắt họ vì nó làm em cảm thấy sợ. Cũng có khi em cố gắng nhìn vào mắt họ nhưng không thoải mái và sắc mặt rất căng thẳng.

Trong lúc đó thì em không còn tập trung được vào câu chuyện với họ nữa mà bị sự sợ hãi làm cho phân tán tư tưởng nên lúc nói chuyện có khi em vẫn nghe nhưng chẳng nhớ họ nói gì và tâm trạng rất căng thẳng, tay chân run rẩy, giọng nói chùng xuống, cảm giác như không nhận thức được những gì xung quanh mình nữa.

Những lúc như vậy em không còn giữ được bình tĩnh nữa mà phát ra những câu nói rất ngớ ngẩn và có những hành động kì quặc. Sau đó em bị mất tinh thần nghiêm trọng, cảm thấy mình ngu ngốc và tệ hại, mất tự tin và sợ hãi tột cùng. Em thật sự rất mệt mỏi, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng.

Còn các mối quan hệ với người thân họ hàng cũng rất khó khăn với em, em thật sự rất muốn vui vẻ hoà đồng với mọi người nhưng khi giao tiếp em không làm được sự sợ hãi làm cho em xa cách mọi người, nét mặt căng thẳng, những hành động và lời nói lúc bị mất kiểm soát bản thân khiến em bị mọi người hiểu lầm và xa lánh.

Em quá mệt mỏi và bị ức chế khủng khiếp. Có những lúc quá đau khổ em đã nghĩ đến chuyện giải thoát cho bản thân nhưng em còn trách nhiệm với gia đình và vợ con nên em không thể gục ngã được. Em viết thư này mong BS cho em lời khuyên và chỉ dẫn để em thoát khỏi tình trạng khổ sở này. Em chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi mừng vì em đã tìm đến với chúng tôi và chịu mở lòng chia sẻ những vấn đề “kỳ lạ, khó hiểu” của bản thân mình để tìm cách thoát ra, mà động lực của em chính là tính trách nhiệm với gia đình.

Điều này thật sự là đáng quý, tôi nghĩ nếu em không phải là người có trách nhiệm thì em đã buông xuôi lâu rồi. Động lực này đã “cứu” em và chắc chắn sẽ cùng em vượt qua hết chặng đường khó khăn này.

Trở lại vấn đề chính của em, em đang bị tình trạng sợ hãi khi giao tiếp đến nỗi mất kiểm soát bản thân, lý trí của em không thể làm chủ cho cảm xúc đó mặc dù em không lý giải vì sao em “phải sợ”. Đó chính là dấu hiệu của bệnh lý tâm thần.

Em đừng bị “dị ứng” với từ “tâm thần”. Bệnh về tâm thần hiện nay rất phổ biến, và biểu hiện dưới nhiều dạng, nhiều mức độ khác nhau, như rối loạn giấc ngủ, rối loạn lo âu ám ảnh sợ, trầm cảm... chứ không phải là “khùng”, “điên”, “bị nhập”, đây là cách nghĩ sai lầm của đa phần người dân - chưa có đủ nhận thức về bệnh lý tâm thần trong xã hội hiện nay - dẫn đến sự xa lánh, cay nghiệt dành cho người bệnh, và từ đó người bệnh bị hoảng sợ, chán ghét chính bản thân mình khiến bệnh ngày càng nặng hơn.

Để chẩn đoán xác định một người có rối loạn tâm thần hay không, loại bệnh nào, mức độ ra sao thì BS chuyên khoa Tâm thần cần phải khám trực tiếp, khai thác thêm rất nhiều thông tin khác và tầm soát các bệnh lý tổn thương thực thể (như bệnh về nội tiết, thần kinh…) mới định bệnh được và điều trị thích hợp.

Vì thế, theo tôi tốt nhất em nên đến khám BS chuyên khoa Tâm thần để được chẩn bệnh và điều trị thích hợp (bao gồm cả thuốc và tâm lý trị liệu). Ở TPHCM, một số trung tâm có chuyên khoa Tâm thần mạnh là BV Nguyễn Tri Phương, ĐH Y dược... em có thể tham khảo thêm.


Thùy Dương - frt02…@gmail.com

Chào BS ạ,

Em khám sức khỏe tổng quát, kết quả kết luận là bạch cầu ái toan đa nhân. Em không hiểu rõ bệnh này, mong BS cho em biết thêm.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Thùy Dương,

Bạch cầu ái toan đa nhân là tên của 1 loại tế bào trong máu, chứ không phải là tên của 1 bệnh lý nào cả!

Bạch cầu, dân gian còn gọi là "tế bào máu trắng", là một thành phần của máu. Chúng giúp cho cơ thể chống lại các bệnh truyền nhiễm và các vật thể lạ trong máu. Bạch cầu được phân thành ba loại chính: bạch cầu hạt, bạch cầu đơn nhân và lympho.

Bạch cầu hạt (granulocyte) được đặc trưng bởi các hạt nhuộm màu khác nhau trong tế bào chất dưới kính hiển vi quang học. Có ba loại bạch cầu hạt: bạch cầu trung tính (neutrophil), bạch cầu ái kiềm (basophil) và bạch cầu ái toan (eosinophil) (được đặt tên theo các thuộc tính nhuộm màu của chúng). Trước đây, bạch cầu hạt còn được gọi là "bạch cầu đa nhân" do đặc điểm phân thùy (múi) của nhân tế bào.

Như vậy, bạch cầu đa nhân ái toan chỉ là tên của 1 loại tế bào trong máu, nếu mà tăng hay giảm bạch cầu đa nhân ái toan thì mới có vấn đề, còn nói chung bạch cầu đa nhân ái toan thì không biết là vấn đề gì, em nhé.


Bạn đọc Hoàng Thị Nhung

Em chào BS,

BS cho em hỏi là bố em đi khám và siêu âm thì được chẩn đoán bị u gan mạch phải , 7mm. BS tư vấn giùm em bệnh này gây nguy hiểm gì không và có thuốc đặc trị không ạ?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

U mạch máu ở gan là một loại u bướu ở gan, đa số là lành tính, không cần điều trị. Khoa học vẫn chưa biết nguyên nhân gây u máu gan, có thể do di truyền, có thể có liên quan đến nội tiết tố nữ - estrogen (thai kỳ và điều trị bằng estrogen cho phụ nữ mãn kinh)... hiện tại kích thước của khối u mạch máu ở gan của em tương đối nhỏ, không gây triệu chứng, không nguy hiểm.

Hiện nay, chưa có một loại thuốc nào có tác dụng làm mất hoặc giảm kích thước của khối u. Nếu khối u to (> 10 cm) hoặc to nhanh gây chèn ép, đau bụng, buồn nôn, gan to thì có thể điều trị đề phòng u vỡ gây xuất huyết. Tùy thuộc vào kích thước, vị trí khối u, sức khỏe của người bệnh mà BS áp dụng các phương pháp khác nhau: thuyên tắc động mạch nuôi khối u, phẫu thuật cắt một phần gan.

Với các u không gây triệu chứng thì chỉ cần theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng 1 lần để theo dõi kích thước mà thôi vì có khả năng u sẽ tiếp tục tăng kích thước hoặc phát sinh thêm u khác trong gan.


Kim Oanh - oanhhip…@gmail.com

Chào BS,

Cháu mới đi bấm thêm lỗ tai ở bên trên gần sụn nhưng không vào sụn, nó bị sưng lên một cục cứng, sờ vào đau nhẹ, không biết có phải lên sẹo không ạ? Và cháu phải làm gì?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Theo thông tin em cung cấp thì “cục cứng đau nhẹ” đó có thể là 1 dạng sẹo phì đại, cũng có thể là ổ viêm tụ mủ (thường đau nhiều hơn), hoặc ổ ứ đọng chất bã.

Tốt hơn hết là em nên khám chuyên khoa Da liễu, BS chỉ cần thăm khám trực tiếp cho em là xác định chắc chắn đó là gì, không cần làm thêm xét nghiệm gì đâu, tùy vào nguyên nhân mà BS sẽ tư vấn cách điều trị thích hợp, em nhé.


Đoàn Ngọc Tiến - doanngoc…@gmail.com

BS cho em hỏi,

Em có tập tạ đẩy ở nhà vào buổi tối và tối nào cũng uống một ly sữa đặc. Vậy tôi uống sữa đặc hàng ngày vào buổi tối có sao không?

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Các nhà dinh dưỡng học khuyên rằng chúng ta nên tập thể dục và uống sữa vào buổi sáng sẽ tốt hơn là kết hợp 2 thứ này vào buổi tối, vì có thể gây khó tiêu, khó ngủ.

Ngoài ra, em tập tạ thì nên chọn loại sữa cho phù hợp để tăng cơ mà không tăng cholesterol và tăng đường huyết, em nhé.


Q. Mai - nguyen…@gmail.com

Thưa BS,

Em muốn biết mình có bị trầm cảm hay không. Khoảng 6-8 tháng gần đây, em hay thấy mỏi người, đau đầu, đau bụng, ăn ít hơn trước.

Em không hay giao tiếp, thích ngồi một mình. Em không thể tập trung khi học hoặc đọc sách. Thời gian ngủ của em không điều độ.

Em thường ngồi khóc và nghĩ rằng mình kém cỏi và bố mẹ không quan tâm mình. Em còn nhiều lần có suy nghĩ tự tử bằng cách cắt cổ tay ạ. Mong BS giúp em.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Mai thân mến,

Tôi mừng vì em ý thức được vấn đề của bản thân và muốn tìm cách thoát ra. Quả thật em có dấu hiệu bất ổn về mặt tinh thần, trước mắt theo thông tin em cung cấp thì hướng nhiều đến bệnh trầm cảm.

Đây là tiêu chuẩn chẩn đoán trầm cảm, em so với bản thân mình xem sao nhé: người bệnh có biểu hiện ≥ 5 các triệu chứng sau đây trong khoảng thời gian hai tuần. Ít nhất một trong các triệu chứng phải là một tâm trạng chán nản, thất thoát một quan tâm hay niềm vui. Các triệu chứng có thể dựa vào cảm xúc của riêng bản thân hoặc có thể dựa trên các quan sát của người khác. Chúng bao gồm:

- Suy yếu tâm trạng nhất trong ngày, gần như mọi ngày, chẳng hạn như cảm thấy buồn, trống rỗng hoặc rơi lệ (ở trẻ em và thanh thiếu niên, tâm trạng chán nản có thể xuất hiện như là khó chịu liên tục).

- Giảm hoặc cảm thấy không có niềm vui trong tất cả hoặc gần như tất cả các hoạt động trong ngày, gần như mỗi ngày.

- Giảm cân đáng kể khi không ăn kiêng, hoặc tăng cân vượt trội khi không có bệnh lý khác gây tăng cân đi kèm.

- Mất ngủ hoặc làm tăng ham muốn ngủ gần như mỗi ngày.

- Bồn chồn hoặc làm chậm lại hành vi có thể được quan sát bởi những người khác.

- Mệt mỏi hay mất năng lượng gần như mỗi ngày.

- Cảm xúc của vô dụng hoặc quá nhiều tội lỗi không thích hợp hoặc gần như mỗi ngày.

- Vấn đề ra quyết định hoặc khó tập trung suy nghĩ gần như mỗi ngày.

- Thường xuyên suy nghĩ về cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử.

Dù nghi ngờ là em có bệnh trầm cảm thì em vẫn cần khám BS chuyên khoa Tâm thần để BS gặp trao đổi trực tiếp với em, xác định xem em có thật sự trầm cảm hay không, hay có thêm vấn đề gì khác, có bệnh lý nào khác tác động lên không (như bệnh lý nội tiết, thần kinh trung ương...), mức độ bệnh ra sao… để kê thuốc điều trị và tư vấn tâm lý cho em.

Em đừng vội hiểu lầm ý tôi nói em bị “tâm thần” như theo cách hiểu của đa phần người dân về ngành học Tâm thần, theo phân ngành y khoa, BS Tâm thần là người chuyên trị các rối loạn thuộc về tinh thần, trong đó thường gặp là trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn giấc ngủ...

Chỉ có thuốc điều trị trầm cảm kèm tư vấn tâm lý, thay đổi lối sống và môi trường mới giúp người bệnh vượt qua khó khăn, ổn định lại cuộc sống.


Ho Kim Ngoc - xingau..@gmail.com

Chồng tôi được BV Tim Tâm Đức chẩn đoán là bị hội chứng Brugada và yêu cầu nhập viện để làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Tuy nhiên nhà tôi ở Hóc Môn, giáp với Củ Chi nên chồng tôi muốn đi Viện Tim TPHCM cho gần hơn chút.

Xin hỏi chồng tôi có thể nhập Viện Tim ở dạng cấp cứu được không? Và muốn được khám BS theo yêu cầu thì nên làm gì? Chi phí có phát sinh thêm không? Xin chân thành cảm ơn.

BS.CK1 Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Viện Tim và BV Tim Tâm Đức đều là hai bệnh viện hàng đầu chuyên về tim mạch tại TPHCM hiện nay. BV Tim Tâm Đức được thành lập sau Viện Tim nên cơ sở vật chất có tốt hơn, tuy nhiên, về năng lực BS thì 2 bệnh viện không có sự khác biệt mấy, một số BS bên BV Tim Tâm Đức cũng từ Viện Tim sang và ngược lại. Hiện tại cả 2 bệnh viện vẫn hợp tác trao đổi chuyên môn với nhau.

Do đó, nếu vì lý do khó khăn trong việc đi lại, bệnh nhân được chẩn đoán bệnh bên BV Tim Tâm Đức nhưng muốn sang Viện Tim điều trị thì cũng được thôi. Bên BV Tim Tâm Đức có gửi cho bệnh nhân toàn bộ hồ sơ xét nghiệm + toa thuốc khi điều trị ngoại trú mà, bạn có thể trình với BS bên Viện Tim.

Viện Tim cũng có tiếp nhận BHYT, tuy nhiên mức giảm trừ ra sao tùy vào từng trường hợp, tình trạng bệnh. Nếu chồng bạn đang trong tình trạng cấp cứu mà nhập Viện Tim thì chắc chắn sẽ được hưởng BHYT đúng tuyến; nhưng nếu chồng bạn không đang trong tình trạng cấp cứu thì dù có vào khám khoa cấp cứu cũng sẽ chuyển lên phòng khám thường và nhập viện trái tuyến (nếu có BHYT).

Đăng ký khám BS theo yêu cầu thì chắc chắn không phải là tình trạng cấp cứu rồi, và chi phí phát sinh là có, chi phí như thế nào còn phụ thuộc bạn yêu cầu BS nào nữa (chức vụ, học hàm…).

Thân mến.

Cổng thông tin Tư vấn sức khỏe AloBacsi

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X