Hotline 24/7
08983-08983

Tăng huyết áp vô căn có thể mang thai không?

Câu hỏi

Chào bác sĩ, Mình bị tăng huyết áp người trẻ vô căn đã tìm nguyên nhân, thiếu máu thiếu sắt, rối loạn nhịp tim thì có thể mang thai không ạ? Nếu có thì nguy cơ sẽ ảnh hưởng sức khỏe như thế nào ạ? Xin cám ơn. Tiền sử như sau: - Nhanh xoang, nhịp nhĩ đa ổ - Phẫu thuật cột sống L4 L5 S1 - Huyết áp cao nhất 200/110 - Trĩ vòng sa nghẹt đã phẫu thuật Thuốc đang dùng: Concor; Diltiazem; Coversyl plus; Ferlatum

Trả lời

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

ThS.BS Võ Thị Tố Uyên

Bác sĩ - Bệnh viện Thống Nhất, TPHCM

Mẹ bầu bị cao huyết áp nên theo dõi thường xuyên. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Mẹ bầu bị cao huyết áp nên theo dõi thường xuyên. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào bạn,

Phụ nữ bị tăng huyết áp mạn vẫn có thể mang thai nhưng cần được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ vì có nguy cơ gia tăng các biến chứng, bao gồm tiền sản giật ghép, nhau bong non, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sanh non và thai lưu. Tư vấn tiền sản và xử trí tăng huyết áp mạn là điều cần thiết.

Một số thuốc chống tăng huyết áp thường kê đơn có chống chỉ định hoặc nên tránh sử dụng trước và trong suốt thai kỳ như thuốc ức chế men chuyển, thuốc đối kháng thụ thể angiotensin, thuốc lợi tiểu và hầu hết các thuốc ức chế t hụ thể bêta.

Các thuốc bạn đang dùng đều có thể ảnh hưởng đến thai nhi, do đó, nếu có ý định mang thai, bạn nên khám chuyên khoa Tim mạch để điều chỉnh lại thuốc phù hợp. Khi đã điều chỉnh huyết áp được bằng các thuốc an toàn cho thai kỳ mới tính đến việc mang thai bạn nhé!

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Đo huyết áp sẽ cho chúng ta biết áp lực máu trong động mạch là bao nhiêu. Khi đo, sẽ có 2 chỉ số: chỉ số lớn hơn (tâm thu) chính là áp lực máu khi tim bơm máu, và chỉ số nhỏ hơn (tâm trương) chính là áp lực máu khi tim nghỉ ngơi và được đổ đầy máu. Cao huyết áp trong thai kỳ được định nghĩa là khi chỉ số huyết áp lớn hơn hoặc bằng 140/90, ngay cả khi chỉ có một chỉ số tăng lên. Cao huyết áp mạn tính nặng là cao huyết áp với chỉ số từ 160/110 trở lên.

Huyết áp của con người có thể thay đổi, bác sĩ sẽ phải đo huyết áp cho bạn nhiều lần và lấy số đo trung bình.

Cao huyết áp mạn tính không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến đến cao huyết áp trong thai kỳ. Nếu bạn bị cao huyết áp sau khi thai được 20 tuần tuổi thì bạn sẽ được chẩn đoán cao huyết áp thai kỳ (nếu huyết áp của bạn không trở lại mức bình thường trong vòng 12 tuần sau khi sinh thì bạn có thể bị cao huyết áp mạn tính vĩnh viễn).

Ngoài ra, nếu huyết áp của bạn tăng lên sau tuần thứ 20 của thai kỳ, nước tiểu có chứa protein, gan hoặc thận bất thường, đau đầu, hoặc tầm nhìn ở khoảng cách gần của bạn có vấn đề, bạn có thể đã bị tiền sản giật.

Cao huyết áp mạn tính sẽ làm tăng đáng kể nguy cơ phát triển tiền sản giật. Nếu bạn đã bị cao huyết áp mạn tính mà lại còn bị tiền sản giật thì hiện tượng này được gọi là “tiền sản giật chồng lên nền cao huyết áp mạn”. Cứ 1 trong 4 phụ nữ bị cao huyết áp mạn tính và một nửa số phụ nữ bị cao huyết áp mạn tính nặng sẽ bị tiền sản giật chồng lên trong thai kỳ.

Huyết áp cao khi mang thai cũng có thể khiến ít máu lưu thông qua nhau thai hơn, cung cấp ít oxy và dưỡng chất hơn cho em bé đang lớn. Cao huyết áp mạn tính làm tăng nguy cơ gặp biến chứng thai kỳ, bao gồm thai chậm tăng trưởng trong tử cung, sinh non, nhau bong non và thai chết lưu.

Nếu bạn bị mắc bệnh cao huyết áp mạn tính ở mức độ nhẹ, nguy cơ gặp các biến chứng khi mang thai sẽ không cao hơn nhiều so với khi bạn có huyết áp bình thường, miễn là bạn không có bất kỳ vấn đề nào khác, huyết áp trong thai kỳ của bạn không tăng lên, và bạn không mắc hiện tượng tiền sản giật chồng lên.

Cao huyết áp càng nặng thì nguy cơ bạn gặp các biến chứng này càng cao, việc mắc phải hiện tượng tiền sản giật chồng lên còn khiến nguy cơ này tăng cao hơn nữa. Nguy cơ gặp phải các biến chứng cũng sẽ tăng cao hơn nếu bạn đã bị cao huyết áp trong thời gian dài và nó đã làm tổn thương hệ thống tim mạch, thận, hoặc các cơ quan khác của bạn. Nguy cơ này cũng sẽ cao hơn nếu căn bệnh cao huyết áp của bạn là do một loại bệnh lý tiềm ẩn như bệnh tiểu đường, bệnh thận, hoặc lupus gây ra.

Bác sĩ có thể cho bạn tự kiểm tra và theo dõi huyết áp tại nhà. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để tự đo huyết áp thường xuyên và yêu cầu bạn thông báo kết quả ở lần khám tiếp theo. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ chỉ cho bạn biết mức huyết áp thế nào thì nên gọi cấp cứu hoặc đi bệnh viện ngay. Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có các dấu hiệu sau:

- Bị đau đầu, đặc biệt là khi đau nặng, dai dẳng, hoặc đau từng cơn một
- Nghe tiếng đập thình thịch trong lồng ngực hoặc cảm giác tim đập rất nhanh
- Chóng mặt
- Phù mặt hoặc phù quanh mắt, phù nhiều ở tay, phù nhiều hoặc đột ngột ở bàn chân hay các mắt cá chân của bạn (tuy nhiên một số dạng phù chân và phù mắt cá là bình thường trong suốt thời kỳ mang thai), hay phù ở bắp chân của bạn
- Tăng hơn 2kg trong một tuần
- Thay đổi thị lực bao gồm nhìn đôi, nhìn mờ, nhìn thấy các đốm sáng hoặc tia sáng chói, nhạy cảm với ánh sáng, hay mất thị lực tạm thời
- Đau căng tức ở phần bụng trên
- Buồn nôn hoặc nôn (trừ nghén vào đầu thai kỳ).


Tìm câu hỏi khám bệnh

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X