Hotline 24/7
08983-08983

Tân Thuận - IPC mắc nhiều sai phạm nghiêm trọng

Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim không qua đấu giá, gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng; đồng thời xem thường kỷ luật, kỷ cương.

Trong 2 ngày 14 và 15/5, Công an TPHCM đã thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Tề Trí Dũng - SN 1981, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco, công ty con của IPC) và bà Hồ Thị Thanh Phúc - SN 1977, nguyên Tổng Giám đốc Sadeco - để điều tra 2 tội danh "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí".

Sáu sai phạm lớn

Trước đó, tháng 10/2018, Thanh tra TPHCM đã có kết luận, chỉ ra nhiều sai phạm, thiếu sót trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của IPC. Theo đó, IPC có nhiều vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong tổ chức, hoạt động, quản lý cán bộ, việc chấp hành các quy định đi nước ngoài; quản lý vốn, tài sản tài chính, quản lý công nợ cũng như thực hiện các dự án đầu tư chưa đúng quy định pháp luật, chậm tiến độ, kéo dài, có khả năng gây thiệt hại tài sản nhà nước và doanh nghiệp.

Khu biệt thự cao cấp Sông Ông Lớn là một trong nhiều dự án Sadeco đã thực hiện Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong đó, nổi lên là 6 sai phạm lớn. Một là, về quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn và tài sản. Hai là, về công tác quản lý tài chính, tài sản, chế độ kế toán. Ba là, thực hiện đầu tư các dự án: Nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; khu dân cư Hiệp Phước; khu dân cư Long Hậu - Long An và công tác thiết kế, dự toán công trình tòa nhà văn phòng IPC giai đoạn 2. Bốn là, giảm tỉ lệ sở hữu vốn của IPC tại Sadeco và Công ty Cảng Hiệp Phước. Năm là, việc thoái vốn đầu tư theo đề án tái cơ cấu (giai đoạn 2016-2017). Sáu là, việc cử người đại diện vốn tại các công ty liên doanh, liên kết.

Bán rẻ 9 triệu cổ phần, thất thoát 153 tỉ đồng

Thanh tra TPHCM cho biết tháng 3/2015, IPC bán đấu giá hơn 5,2 triệu cổ phần (CP) Sadeco cho Công ty Exim (viết tắt Exim) với giá 26.100 đồng/CP. Việc này làm giảm tỉ lệ vốn góp của IPC tại Sadeco từ 74,8% xuống 44%.

Đến tháng 9/2016, Exim bán toàn bộ CP trên cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) với giá 57.000 đồng/CP. Cuối năm đó, Công ty Nguyễn Kim đề xuất mua thêm CP để trở thành cổ đông (CĐ) chiến lược của Sadeco. Sadeco sau đó ra nghị quyết thống nhất chủ trương hợp tác chiến lược với Công ty Nguyễn Kim, tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu. Công ty Nguyễn Kim trở thành CĐ chiến lược.

Đến tháng 6/2017, HĐQT Sedeco có tờ trình trình đại hội CĐ đề xuất phát hành 9 triệu CP cho CĐ chiến lược là Nguyễn Kim để tăng vốn điều lệ. Sau đó, cuối tháng 6/2017, Đại hội đồng CĐ Sadeco đã thông qua việc này. Lúc đó, nhóm đại diện vốn của IPC tại Sadeco (thời kỳ liên quan có ông Dũng và bà Phúc) đã biểu quyết đồng ý 100%. Việc này làm giảm tỉ lệ sở hữu của IPC tại Sedeco từ 44% xuống 28,8%.

Đáng nói, khi Công ty Exim chuyển nhượng CP cho Công ty Nguyễn Kim là 57.000 đồng/CP (tháng 9/2016) thì Sadeco chuyển nhượng cho Công ty Nguyễn Kim là 40.000 đồng/CP (tháng 6/2017), gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng cho ngân sách nhà nước. Ngoài ra, "sang đầu năm 2017, nhà đất khu Nam Sài Gòn ảnh hưởng cơn sốt đất, giá tăng rất nhiều nên thiệt hại trên thực tế là rất lớn" - Thanh tra TP nhận định. Phi vụ bán chỉ định CP này cũng giúp Công ty Nguyễn Kim thâu tóm Sadeco khi chiếm hơn 54% CP.

Phớt lờ chỉ đạo của UBND TPHCM


Một vi phạm nghiêm trọng khác của IPC là việc cử cán bộ đi công tác nước ngoài. Thanh tra TP cho biết trong 2 năm 2016 và 2017, IPC đã tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài với số tiền hơn 1,3 tỉ đồng. Trong đó, nhiều lãnh đạo của IPC đi quá số lần, quá thời gian được chấp thuận, điển hình là ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc.

Trong 2 năm, ông Dũng đi nước ngoài tổng cộng 9 lần với 106 ngày. Ông Dũng đi công tác 7 lần, nghỉ mát 2 lần. Điển hình, tháng 10/2016, ông Dũng và bà Phúc có chuyến công tác tại Bỉ, Hà Lan và Mỹ nhưng đều đi vượt quá 5 ngày so với quyết định của UBND TP. Cuối năm 2017, UBND TP có quyết định cử ông Dũng đi công tác tại Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha và Pháp từ ngày 2/1/2018 đến 12/1/2018 nhưng thực tế, ông đi từ ngày 29/12/2017 đến 15/1/2018. Nhiều chuyến công tác khác, ông Dũng cũng đi trước và về trễ hơn so với thời gian được UBND TP chấp thuận. Còn bà Phúc trong năm 2016 có số ngày đi nước ngoài nhiều hơn số ngày phép theo quy định của Bộ Luật Lao động là 35 ngày.

Ngoài ra, một số cán bộ quản lý của IPC đi nước ngoài khi không có quyết định của UBND TP, như 4 phó tổng giám đốc Nguyễn Việt Dũng, Vũ Xuân Đức, Phạm Xuân Trung và Phùng Trí Đức. "Việc này đã được UBND TP yêu cầu Công ty IPC chấn chỉnh nhưng vẫn để tái diễn" - Thanh tra TP nêu rõ. Ngoài ra, dù IPC tổ chức nhiều chuyến đi nước ngoài nhưng không thể hiện được kết quả cho hoạt động sản xuất, kinh doanh từ những chuyến đi này, gây lãng phí tiền của nhà nước.

Thanh tra TPHCM nhìn nhận việc IPC cho phép các cá nhân đi nước ngoài là thể hiện sự tùy tiện, thiếu trách nhiệm, xem thường kỷ luật, kỷ cương, quy định của Đảng, Nhà nước và quy chế, quy định của Thành ủy, UBND TP.

Theo Thanh tra TPHCM, những sai phạm, thiếu sót trên của IPC, trách nhiệm chính thuộc về ông Tề Trí Dũng và các cá nhân liên quan.

Tháng 4/2019 vừa qua, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong tiếp tục có chỉ đạo đôn đốc xử lý sau thanh tra, kiểm điểm trách nhiệm đồng thời về mặt Đảng và chính quyền đối với các cá nhân có sai phạm tại Công ty IPC. Những việc này phải hoàn thành và báo cáo kết quả thực hiện cho UBND TP trước ngày 30/7.

Đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TPHCM

Sáng 15/5, ông Trương Lâm Danh, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM, cho biết HĐND TP đã quyết định tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP khóa IX (nhiệm kỳ 2016- 2021) của ông Tề Trí Dũng theo khoản 2 và 3 điều 101 Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Việc tạm đình chỉ tư cách đại biểu HĐND TP HCM đối với ông Dũng được Thường trực HĐND TP thực hiện trong chiều 14/5. Trong những phiên họp HĐND TPHCM gần đây, ông Dũng đều không dự.

Ông Dũng sinh năm 1981, làm Tổng Giám đốc IPC khi mới 34 tuổi; nắm quyền điều hành doanh nghiệp nhà nước có vốn điều lệ khoảng 2.900 tỉ đồng.

Mở rộng điều tra

Ngày 15/5, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM cho biết đang mở rộng điều tra vụ án liên quan đến ông Tề Trí Dũng và bà Hồ Thị Thanh Phúc.

Theo Công an TPHCM, ông Dũng và bà Phúc bị bắt do chấp thuận sử dụng kết quả định giá của doanh nghiệp không có chức năng thẩm định giá với tài sản bị định giá thấp, sai pháp luật. Hành vi này nhằm quyết định giá phát hành cổ phiếu Sadeco cho Công ty Nguyễn Kim, gây thiệt hại rất lớn cho Sadeco và nhà nước.

Bà Phúc đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn duyệt chi nhiều khoản tiền từ nguồn thù lao và quỹ khen thưởng HĐQT cho các thành viên HĐQT sử dụng trái quy định của pháp luật, tạo điều kiện cho một số thành viên HĐQT chiếm đoạt tiền của nhà nước.

Từ đề xuất của bà Phúc, ông Dũng đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT Sadeco duyệt chi nhiều khoản tiền cho mình và các thành viên HĐQT trái quy định pháp luật, vượt thẩm quyền được giao, chiếm đoạt số tiền lớn của nhà nước.
Theo Phan Anh - Người Lao Động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X