Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao uống thuốc chống dị ứng nhưng bệnh không thuyên giảm?

Câu hỏi

Chào em, Em bị dị ứng 1 năm nay, ăn thức ăn gì cũng bị ngứa, ăn ít thì ngứa vào buổi tối, ăn nhiều thì ngứa khắp người vào trưa và tối (tất cả các loại thức ăn). Em có đi xét nghiệm và khám ở Bệnh viện Nhiệt Đới vào tháng 8, kết luận là bị dị ứng, cho uống thuốc 10 ngày nhưng vẫn không thuyên giảm, mà ngày càng nặng thêm. Xin hỏi bác sĩ là em nên tiếp tục thăm khám ở đâu nữa ạ?

Trả lời
Ngứa khắp người do dị ứng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet
Ngứa khắp người do dị ứng. Ảnh minh họa - Nguồn Internet

Chào em,

Dị ứng là bệnh thuộc về cơ địa, có thể khởi phát bất kỳ lúc nào trong cuộc đời, thường tập trung vào những năm đầu đời, có người từ nhỏ đã bị, có người lớn lên mới phát. Nguyên nhân gây bệnh đến nay chưa được thật sự rõ, nhưng quan sát thấy có liên quan đến căng thẳng đầu óc, môi trường sống ô nhiễm, thực phẩm ăn vào, nhiễm giun sán... làm cho cơ thể nhạy cảm hơn, dễ bị kích ứng hơn. Bệnh này rất khó điều trị hết hẳn mà chỉ có thể giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh thoải mái hơn, đồng thời tránh tiếp xúc với các yếu tố làm bệnh bùng lên, tuy nhiên có trường hợp không tránh khỏi việc tiếp xúc, ví dụ như thời tiết thay đổi.

Em đã khám tại Bệnh viện Nhiệt Đới, tôi nghĩ rằng bệnh viện đã tầm soát các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng dị ứng của em (như nhiễm ký sinh trùng) mà không tìm thấy, nên chỉ cho thuốc 10 ngày. Em uống đúng 1 toa thuốc 10 ngày cho đến nay 5 tháng vẫn còn ngứa là chuyện có thể hiểu được. Nay em nên đem các kết quả xét nghiệm và toa thuốc đã khám bên Bệnh viện Nhiệt Đới đến Bệnh viện Da Liễu để bác sĩ điều trị cho em thử xem.

Ngoài ra, để giảm tình trạng này, em nên vệ sinh cơ thể sạch sẽ mỗi ngày, mặc đồ thoáng mát, hạn chế các thực phẩm có thể gây dị ứng nặng lên như đồ biển, thịt bò, thịt rừng, bia rượu, thuốc lá, vệ sinh lại không gian sống (chăn ga gối nệm, phát quanh cây cảnh trong nhà…).

Theo Đông y thì gan và thận là 2 nơi thải độc của cơ thể, khi 2 cơ quan này hoạt động không tốt (mặc dù xn tây y chức năng gan bình thường) thì cơ thể dễ bị dị ứng hơn nên em cũng có thể uống những loại trà / thang thuốc thảo dược lọc gan lọc thận ở các trung tâm trị liệu Đông y uy tín, có bằng cấp.

Thân mến.

Mời tham khảo thêm:



Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của bạn phản ứng quá mức so với bình thường đối với những chất không gây hại. Các loại bệnh dị ứng thường gặp là:

- Sốc phản vệ: là một phản ứng dị ứng nặng, có thể gây tử vong. Nó gây tổn thương đến nhiều bộ phận của cơ thể và có thể xuất hiện rất nhanh;
- Bệnh hen suyễn: là một bệnh mãn tính làm viêm vàhẹp đường dẫn khí của phổi, gây ra tình trạng thở khò khè, khó thở, đau thắt ngực, và ho. Ở những người bị dị ứng hen suyễn, các triệu chứng hen suyễn có thể được kích hoạt khi tiếp xúc với một chất gây ra dị ứng, hoặc chất gây dị ứng;
- Viêm da dị ứng (chàm): còn được gọi là bệnh chàm, là một tình trạng viêm da không lây nhiễm. Đặc trưng của bệnh là tình trạng khô, ngứa da có thể chảy dịch khi trầy xước;
- Dị ứng do môi trường: xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng bất thường với một chất vô hại như phấn hoa hay lông thú. Triệu chứng có thể là phản ứng dị ứng trong mũi (viêm mũi dị ứng, hoặc sốt cỏ khô) và trong phổi (bệnh suyễn);
- Dị ứng thực phẩm: dị ứng thực phẩm xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng với một thực phẩm vô hại. Các loại thực phẩm thường gây ra phản ứng dị ứng là sữa, trứng, đậu phộng, hạt cây, đậu nành, lúa mì, cá và sò ốc.

Các phần của cơ thể mà tiếp xúc với chất gây dị ứng đều ảnh hưởng đến sự biểu hiện của những triệu chứng. Ví dụ:

- Chất gây dị ứng mà bạn hít vào thường gây nghẹt mũi, ngứa mũi và cổ họng, đờm, ho và thở khò khè;
- Chất gây dị ứng chạm vào mắt có thể gây ngứa, chảy nước mắt, đỏ, mắt sưng;
- Loại thức ăn khiến bạn bị dị ứng có thể gây ra buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy, hoặc sốc phản vệ;
- Chất gây dị ứng chạm vào da có thể gây phát ban da, nổi mề đay, ngứa, mụn nước, hoặc lột da;
- Dị ứng thuốc thường liên quan đến toàn bộ cơ thể và có thể dẫn đến một loạt các triệu chứng.

Cách tốt nhất để giảm các triệu chứng là tránh dùng những gì gây dị ứng cho bạn, nhất là khi dùng thực phẩm và thuốc dị ứng.

- Thuốc

Có một số loại thuốc để ngăn ngừa và điều trị dị ứng. Bác sĩ khuyến cáo tùy thuộc vào phân loại và mức độ của các triệu chứng, tuổi và sức khỏe tổng thể của bạn. Thuốc phổ biến có thể được sử dụng để điều trị dị ứng bao gồm:

+ Thuốc kháng histamine
+ Corticosteroid
+ Thuốc chống sung huyết

- Tiêm ngừa dị ứng

Tiêm ngừa chất dị ứng (phương pháp trị liệu miễn dịch) thường được khuyến cáo nếu bạn không thể ngăn được dị ứng và các triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Tiêm ngừa chất dị ứng giữ cho cơ thể của bạn không phản ứng thái quá với chất gây dị ứng. Bạn sẽ tiêm ngừa dị ứng thường xuyên. Mỗi liều sẽ nhiều hơn một chút so với liều trước đó cho đến khi liều lớn nhất được thực hiện. Những liều này không hiệu quả với tất cả mọi người và bạn cần đến gặp bác sĩ thường xuyên.

- Liệu pháp chữa trị miễn dịch dưới lưỡi (SLIT)

Miễn dịch dưới lưỡi là một cách khác để điều trị dị ứng mà không cần tiêm. Bác sĩ cho bệnh nhân một liều lượng nhỏ chất gây dị ứng ở dưới lưỡi để tăng khả năng chịu đựng các chất và giảm các triệu chứng.

Phản ứng dị ứng nặng (mẫn cảm) cần phải được điều trị bằng một loại thuốc được gọi là epinephrine. Dùng thuốc ngay lập tức có thể cứu sống bệnh nhân. Nếu bạn sử dụng epinephrine, hãy liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 và đến bệnh viện.

Những biến chứng có thể xảy ra của bệnh dị ứng:

- Sốc mẫn cảm (đe dọa tính mạng phản ứng dị ứng;
- Các vấn đề về thở và những khó chịu trong quá trình phản ứng dị ứng;
- Buồn ngủ và phản ứng phụ của thuốc.


Tìm câu hỏi dịch vụ y

Được tìm nhiều:

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X