Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao ung thư phổi lại đáng sợ?

Bệnh ung thư nào cũng đáng sợ, nhưng ung thư phổi được xem nguy hiểm hàng đầu, vì gây tử vong nhiều.

Tầm soát đối tượng nguy cơ giúp phát hiện sớm ung thư phổi

Vừa qua, một nam nghệ sĩ nổi tiếng nước ta qua đời vì bệnh này, trước đó một nữ nghệ sĩ trẻ nổi tiếng khác cũng mắc bệnh.

Sát thủ thầm lặng

Theo thống kê của tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN), năm 2018 Việt Nam có 25.335 ca mắc mới và 25.404 ca tử vong vì ung thư gan. Ung thư phổi (UTP) xếp thứ hai với 23.667 ca mắc mới và 20.701 ca tử vong, nhưng theo TS.BS Phạm Xuân Dũng, giám đốc bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đây là năm đầu tiên UTP bị “qua mặt”, còn những năm trước nó vẫn dẫn đầu.

Tuy nhiên trên toàn cầu, theo GLOBOCAN, năm qua UTP vẫn đứng đầu trong năm bệnh ung thư thường gặp nhất, xếp trên ung thư vú, đại trực tràng, tiền liệt tuyến và dạ dày. Trong năm bệnh ung thư gây chết người nhiều nhất, UTP cũng qua mặt các bệnh ung thư đại trực tràng, dạ dày, gan, vú. Tính ra, năm 2018 thế giới có đến 2,1 triệu ca UTP mắc mới và 1,8 triệu ca tử vong vì bệnh này.

Vì sao UTP phổ biến và nguy hiểm như thế? Theo các chuyên gia, vì không như ung thư vú hay ung thư gan, người ta có thể sờ được khối u từ bên ngoài, trong UTP người ta lại không thể sờ được lá phổi, do vậy UTP chỉ được biết đến với những triệu chứng mơ hồ như ho, đau ngực. Điều đáng nói, các triệu chứng này thường chỉ xảy ra khi ung thư đã… tiến triển xa và khó điều trị!

Nhưng sự nguy hiểm của UTP không chỉ đến từ sự mơ hồ và diễn tiến âm thầm, mà còn ở chỗ nhiều người chưa nhận thức đúng về bệnh. Trước nay khi nói đến UTP, người ta nghĩ ngay đến do hút thuốc lá, nhưng thực tế y học chứng minh nguy cơ gây bệnh còn từ yếu tố di truyền và tiếp xúc với các chất độc trong môi trường, như khí radon (sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của urani), bụi amiăng, không khí ô nhiễm (hút thuốc thụ động…). UTP cũng không phải bệnh của riêng nam giới như nhiều người vẫn tưởng. Năm qua, thế giới có gần 1,4 triệu ca UTP mới ở nam giới, còn ở nữ giới con số này là hơn 700.000. Vì những nhầm tưởng này mà không ít người chủ quan, không kiểm tra sức khoẻ khi có triệu chứng nghi ngờ, đến khi có bệnh thì đã muộn.

Nếu phát hiện sớm?

Trên tờ US News & World Report năm 2015, bác sĩ ung thư học Nathan Pennell, cho biết tỷ lệ sống 5 năm của bệnh nhân UTP trong nhiều thập kỷ qua chỉ là 17%, trong khi tỷ lệ này ở bệnh nhân ung thư vú lên đến 89%. Điều tạo ra sự khác biệt đáng kể, theo bác sĩ Pennell, là do những tiến bộ trong điều trị, cũng như tỷ lệ cao phát hiện sớm ung thư vú.

Nhưng theo bác sĩ Pennell, cũng như nhiều bệnh ung thư thường gặp khác, nếu phát hiện sớm khi bệnh chưa lan xa (giai đoạn 1) và được điều trị đúng mức, tỷ lệ sống sau năm năm hoặc nhiều hơn của bệnh nhân UTP lên đến hơn 56%. Theo khuyến cáo của trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hoa Kỳ, bạn cần gặp bác sĩ và thảo luận việc tầm soát UTP nếu có những yếu tố sau: 55 – 80 tuổi, hút thuốc lá nhiều (*), đang hút thuốc lá hoặc đã từng hút thuốc và bỏ thuốc chưa được 15 năm. Một nghiên cứu cho thấy tầm soát UTP bằng chụp CT liều thấp có thể giúp phát hiện sớm UTP và giảm tỷ lệ tử vong đến 20% ở những người 55 – 75 tuổi, đã từng hút thuốc lá và bỏ thuốc dưới 15 năm.

CDC cũng khuyên mọi người đi khám bác sĩ ngay nếu có những dấu hiệu nghi ngờ như ho kéo dài hoặc không bớt, đau ngực thường xuyên, khàn giọng, thở ngắn, thở khò khè, nhiễm trùng phổi nhiều lần, ho ra máu, sụt cân không rõ nguyên nhân, luôn thấy mệt mỏi.

Để giảm nguy cơ mắc UTP, các chuyên gia khuyến cáo mọi người không hút thuốc lá, vì thuốc lá chịu trách nhiệm cho 80 - 90% ca tử vong do UTP. Trong trường hợp đang hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc ngay và biến ngôi nhà bạn ở thành nơi không khói thuốc.Cũng nên tránh hút thuốc thụ động, tránh tiếp xúc với những chất độc hại trong môi trường làm việc.

Không lạm dụng tầm soát Ung thư phổi

Theo CDC, việc tầm soát có thể giúp phát hiện sớm UTP, nhưng điều này cần được cân nhắc bởi nhà chuyên môn, vì điều này có thể gây ra ít nhất ba nguy cơ: 1) Dương tính giả: Gợi ý một người mắc bệnh dù họ không có bệnh, có thể dẫn đến thực hiện những xét nghiệm hoặc phẫu thuật không cần thiết. 2) Lạm dụng chẩn đoán: Tìm ra bệnh, nhưng bệnh không gây ra vấn đề cho bệnh nhân và từ đó có thể dẫn đến điều trị thừa. 3) Gây bệnh: Bức xạ do chụp CT nhiều lần có thể gây ra ung thư ở người khoẻ mạnh. Vì thế, nếu nghĩ mình cần tầm soát UTP vì có nhiều nguy cơ, bạn nên trao đổi với bác sĩ chuyên ngành. Khi thấy cần thiết, bác sĩ sẽ gửi bạn đi tầm soát ở một cơ sở có chất lượng tốt nhất.

——————-

(*) Hút thuốc nhiều là hút 30 năm hay nhiều hơn và hút trung bình một gói thuốc/ngày mỗi năm. Một người hút hai gói thuốc/ngày mỗi năm trong 15 năm, cũng được xem là hút thuốc nhiều.

Theo Tâm An - TGHN

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X