Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao đau hang vị dạ dày?

Viêm sung huyết hang vị (VSHHV) dạ dày là một bệnh gặp khá phổ biến ở nước ta. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh này.

Nhưng trung niên chiếm tỷ lệ cao hơn cả. Nếu không được điều trị đúng có thể dẫn đến loét, thậm chí ung thư.

Tại sao đau hang vị dạ dày

Dạ dày có hình dạng chữ J, được chia làm 5 phần chính, đó là tâm vị, phình vị, thân vị, hang vị và tận cùng là môn vị. Dạ dày có bờ cong lớn và bờ cong nhỏ.

Hang vị là phần nằm ngang của dạ dày, từ góc bờ cong nhỏ tới lỗ môn vị. VSHHV là tình trạng niêm mạc vùng hang vị dạ dày viêm, các mạch máu vùng viêm giãn nở do ứ máu nhiều.

Tại sao đau hang vị dạ dày

Hình ảnh vi khuẩn H.P gây viêm loét dạ dày

Viêm, loét dạ dày nói chung, trong đó có VSHHV, trước đây được cho là do cơ chế thần kinh, về sau một số nguyên nhân khác được xác nhận là do dùng một số thuốc có tác động xấu vào niêm mạc dạ dày như thuốc corticoid, thuốc giảm đau aspirin, giảm đau không steroid.

Đến năm 1983, hai nhà khoa học người Australia đã xác định được một nguyên nhân gây viêm loét dạ dày chiếm tỷ lệ cao nhất, đó là vi khuẩn Helicobacter pylori (HP).

VSHHV thường hay gặp ở người sau khi uống rượu, bia nhất là uống vào lúc đói. Ngoài ra, dùng quá nhiều chất kích thích (cà phê, chất cay, chua, thuốc lá); ăn nhanh, nhai không kỹ... có nguy cơ cao bị VSHHV.

Thầy thuốc khuyên gì?

Để điều trị có hiệu quả, trước hết người bệnh cần được khám bệnh một cách đầy đủ để xác định nguyên nhân (do dùng thuốc hay do chế độ ăn uống, do chế độ sinh hoạt hay do vi khuẩn HP,...).

Trên cơ sở đó sẽ có hướng điều trị tốt nhất. Điều trị VSHHV dạ dày cần kiên trì, người bệnh không nên nóng vội và quá lo lắng về bệnh tật của mình. Nếu quá lo lắng, bệnh không những không khỏi mà còn nặng thêm.

Trong trường hợp xác định có vi khuẩn HP, việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn là hết sức cần thiết. Hiện nay có nhiều phác đồ điều trị, áp dụng nhằm tiêu diệt vi khuẩn HP, nhưng áp dụng phác đồ nào còn tùy thuộc vào tình trạng của từng người bệnh. Hơn nữa, vi khuẩn HP đã bắt đầu kháng lại một số thuốc kháng sinh.

Vì vậy, việc dùng kháng sinh gì, kết hợp các loại kháng sinh như thế nào cho có hiệu quả, bác sĩ sẽ cân nhắc để sử dụng. Ngoài kháng sinh (nếu có vi khuẩn HP), người bệnh cần dùng các loại thuốc băng niêm mạc dạ dày, thuốc chống tiết dịch vị, thuốc giảm đau và thuốc an thần.

Khi cơn đau xuất hiện, nên ăn một ít bánh mỳ, bánh ngọt (để hút dịch vị, làm giảm sự kích thích) hay uống một ly sữa nhỏ sẽ tạm thời làm giảm cơn đau.

Cần có chế độ ăn uống hợp lý, ăn chậm, nhai kỹ, thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ. Hạn chế ăn chua, cay (dấm, ớt, mù tạt, hạt tiêu). Không uống rượu, bia, nước ngọt có ga, không nên uống cà phê, trà đặc, hút thuốc (thuốc lá, thuốc lào).

Người bị VSHHV rất cần được nghỉ ngơi thoải mái, tránh căng thẳng, lo âu, buồn phiền về bệnh tật của mình, mỗi ngày nên được ngủ ít nhất từ 7 - 8g. Người bệnh nên tập thể dục đều đặn hàng ngày, đi bộ, giao lưu với bạn bè, nếu có điều kiện nên tham gia các môn thể thao nhẹ như bơi, chơi cờ...

Trong gia đình có người bị VSHHV do vi khuẩn HP gây nên, các dụng cụ ăn uống hàng ngày cần tiệt khuẩn bằng nước sôi để tránh lây bệnh cho người khác.


Theo ThS.BS Bùi Mai Hương - Sức khỏe và Đời sống

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X