Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao chúng ta ăn Tết Đoan ngọ?

Theo người xưa, Đoan ngọ là khi mặt trời lên tới đỉnh điểm, là thời khắc tốt nhất để đẩy lùi "quan ôn", dịch bệnh, làm mọi việc trong giờ ngọ thì hiệu quả vô song.

Trong cuốn Hội hè lễ Tết của người Việt (tập hợp các nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên), tác giả dành một phần nói về Tết Đoan ngọ. Theo đó, tác giả khẳng định, Tết Đoan ngọ là một trong những ngày lễ quan trọng nhất và phổ biến nhất, bất chấp sự thay đổi của thời gian và nền văn minh khoa học.

Sách Hội hè lễ Tết của người Việt nói về Tết Đoan ngọ cùng tục cúng lễ trừ tà ma mùa hè.

Phần lớn tết lễ của nước ta đều theo mùa. Ở miền Bắc - cái nôi mà hầu hết lễ tết dân tộc sinh ra và phát triển, mùa hè thường khắc nghiệt. “Ngay từ đầu tháng Tư, hàn thử biểu lên nhanh chóng để đứng mãi trong nhiều tuần liên ở khoảng 34 độ trong bóng râm. Gió Tây, gọi là gió Lào, thổi một cách dữ dội không hề giảm trong nhiều ngày liên tiếp”, sách miêu tả về thời tiết mùa hè.

Thời tiết ấy khiến tất cả ngột ngạt, khiến cho chó phải thè lưỡi, người chảy mồ hôi. Sườn nhà nứt, câu đối và đồ gỗ hiện đại đóng không tốt và lắp tồi thì vênh lên, thỉnh thoảng nổ lách tách. Ruộng đồng cạn nước, ao bốc hơi mau chóng. Mặt trời sôi lên sau tấm màn hơi.

Chính không khí nặng nề, gió thổi nóng rát, ánh nắng gay gắt cộng hưởng, đe dọa sức khỏe của mọi người. Nhiều khi, trong thời tiết ấy gây ra những trận dịch trầm trọng như thổ tả, cảm, sốt… có thể dẫn tới đột tử.

Nhưng trước đây, mọi người không cho đó là do thời tiết mùa hè, mà tin chắc tất cả bệnh tật là do tác động của các thần linh, được gọi là “quan ôn”.

Theo Nguyễn Văn Huyên, người dân trước đây thực sự tin: “Dưới quyền của các quan ôn là rất nhiều đạo quân hoạt động, có một ý chí hủy diệt lớn. Chúng quen đi khắp trái đất trong mùa hè, lúc dương khí, khi mùa xuân hết, giảm dần ảnh hưởng, nhường chỗ cho âm khí. Các quan ôn gieo rắc chết chóc để bắt thêm lính mới cho các đạo quân của chúng”.

Nơi nào đạo quân này đi qua, dịch bệnh đều tràn lan. Chúng chỉ buông tha cho những ai được các thần đặc biệt che chở nhờ những việc thiện mà tổ tiên hay chính họ đã làm.

Các việc thiện thường là cho người đói ăn, phát quần áo cho người trần trụi, chữa chạy cho người ốm đau. Đó đều là những việc làm phúc. Có một cách làm thiết thực và dễ hơn là thưa với các thần và cầu xin sự can thiệp kỳ diệu của các vị thần.

Ngay từ lúc vào hè, khoảng đầu tháng Tư, mọi người khắp nơi đã góp tiền làm những lễ lớn, bằng những lời cầu khẩn xin các thần ban phúc. Người ta cũng tìm cách làm cho quan ôn vừa ý bằng việc đốt cúng quan ôn nhiều thoi vàng giấy, hình nhân thế mạng cho người sống ở âm phủ.

Mọi người tin rằng các đạo quân ôn ở bên ngoài buổi lễ đã được no nê, nhận đầy vàng bạc thì sẽ thi hành lệnh khoan dung của Ngọc Hoàng mà không gây nhiều khó khăn cho con người. Cuối buổi lễ, người ta làm việc thiện (phát lộc cho người nghèo và kẻ hành khất), rồi đốt vàng mã.

Các thầy phù thủy muốn cho mọi người yên tâm hơn, đã phát cho những tín đồ buổi lễ hôm đó những lá bùa. Các lá bùa này được dán lên cửa, đầu giường, đeo vào khuy áo mọi người trong gia đình để xua đuổi lũ ôn dịch.

Để ngăn ngữa ảnh hưởng độc hại của trời, người ta làm tất cả các lễ này trong những tuần đầu sau lúc bắt đầu Lập hạ (những ngày đầu tiên của tháng Năm dương lịch, tức từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư âm lịch). Nhưng người ta quan niệm, chỉ thật sự từ Hạ chí, khí âm mới bắt đầu xuất hiện.

Sản vật theo mùa dùng cúng trong Tết Đoan ngọ.

Đoan ngọ hay “Điểm chính của sự kháng cự” là thời điểm của tháng thứ hai mùa hè, khi khí dương lên đỉnh cao nhất, khí âm cũng bắt đầu xuất hiện. Đoan ngọ được cử hành hàng năm vào mồng 5 tháng Năm âm lịch, tức khoảng Hạ chí. Mặt trời vào giờ ngọ hôm đó đứng ở điểm cao nhất của bầu trời.

Nó còn được gọi là tiết Địa lạp, vì ngày này, các thần trên trời ghi vào sổ trường thọ địa vị xã hội của mỗi người, các quan hệ họ hàng, các lúc thịnh suy của người đó.

Nguyễn Văn Huyên xếp Tết Đoan ngọ là một lễ lớn của mùa hè, và là một trong ba ngày lễ quan trọng nhất trong lịch giao thiệp xã hội của người Việt, gồm: Tết Nguyên đán, ngày Trùng thập (ngày 10 tháng Mười âm lịch) và Đoan ngọ.

Hôm ấy, người ta biếu nhau ngỗng, vịt, dưa hấu, đường, đỗ xanh. Trong các gia đình đều cúng tổ tiên bằng các sản vật của thời vụ đó.

Đoan ngọ là khi mặt trời lên đến đỉnh điểm, nên thời khắc Đoan ngọ là tốt nhất. Những gì làm vào ngày đó, đặc biệt làm vào giờ ngọ (11 đến 13 giờ) đều có hiệu quả vô song.

Theo Tần Tần - Zing.vn

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X