Hotline 24/7
08983-08983

Tại sao bạn bị tim đập nhanh khi ngủ?

Tim đập nhanh, đánh trống ngực khi ngủ không phải lúc nào cũng nguy hiểm. Thế nhưng, trong một số trường hợp, những triệu chứng này lại cảnh báo một số bệnh lý tim mạch cần lưu tâm.

Tại sao bạn bị tim đập nhanh khi ngủ?

Nếu có thói quen nằm nghiêng khi ngủ, bạn sẽ dễ bị tim đập nhanh về đêm. Nguyên nhân là bởi tư thế này gây ra nhiều áp lực bên trong cơ thể. Cụ thể, áp lực sẽ bắt đầu gia tăng ở vùng bụng, sau đó dần di chuyển lên thực quản - khu vực nằm phía sau tâm nhĩ trái.

Mặt khác, ban đêm thường yên tĩnh nên bạn sẽ nghe được tiếng tim đập rõ hơn. Điều này có nghĩa là tình trạng trống ngực của bạn có thể xuất hiện suốt cả ngày, nhưng về đêm, khi không gian yên tĩnh và không bị phân tâm, bạn sẽ nhận thấy tình trạng này rõ ràng hơn.

Ngoài ra, tim đập nhanh khi ngủ có thể cảnh báo nguy cơ rối loạn nhịp tim (nhịp nhanh thất, rung nhĩ), cường giáp, bệnh cơ tim, suy tim… Đây đều là các bệnh tim mạch nguy hiểm, cần được điều trị sớm.

Tim đập nhanh khi ngủ có thể cảnh báo bệnh rối loạn nhịp tim

Tim đập nhanh khi ngủ có đáng lo?

Theo Mayo Clinic (Mỹ), nếu chỉ cảm thấy các cơn đánh trống ngực, nhịp tim nhanh vào ban đêm, không ảnh hưởng tới giấc ngủ và cuộc sống hàng ngày, bạn không cần quá lo lắng.

Tuy nhiên, nếu tình trạng tim đập nhanh xuất hiện thường xuyên, liên tục, kết hợp cùng các triệu chứng như khó thở, choáng ngất, đau tức ngực, mất ý thức hoặc khiến bạn mất ngủ, uể oải khi làm việc vào ban ngày… bạn nên đi khám ngay lập tức vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh rối loạn nhịp tim.

Các yếu tố gây tim đập nhanh khi ngủ

Tiêu thụ nhiều caffeine cũng có thể gây tim đập nhanh khi ngủ

Bạn sẽ cần đi khám để xác định nguyên nhân chính xác gây hiện tượng tim đập nhanh khi ngủ. Tuy nhiên, hãy lưu ý cũng có những trường hợp không tìm ra nguyên nhân gây bệnh.

Ngoài ra, cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ, cũng như mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này như:

- Sử dụng các chất kích thích (như caffeine, thuốc lá), sử dụng các loại thuốc có thành phần pseudoephedrine.

- Uống nhiều rượu bia, ăn quá nhiều chocolate.

- Tập thể dục quá sức.

- Thay đổi nội tiết tố do mang thai, mãn kinh hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.

- Các yếu tố khác: Thiếu máu, huyết áp thấp, đường huyết thấp, bệnh tuyến giáp, thiếu ngủ, trầm cảm, rối loạn lo âu, stress, sốt…

Điều trị và phòng ngừa tim đập nhanh khi ngủ

Hiện tượng tim đập nhanh khi ngủ sẽ cần điều trị khi đó là biểu hiện của bệnh tim mạch hoặc xuất hiện thường xuyên làm ảnh hưởng tới giấc ngủ và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

- Thuốc: Phổ biến nhất là thuốc chẹn beta giúp giảm nhịp tim.

- Đốt điện tim: Bác sỹ sẽ đưa một ống thông có điện cực ở đầu vào tim qua động mạch ở đùi, sau đó đốt các mô tim có hại để điều trị rối loạn nhịp tim.

- Có chế độ ăn uống lành mạnh: Không uống cà phê, chè, rượu, bia trước khi ngủ.

- Thư giãn bằng các kỹ thuật giảm stress: Tập yoga, thái cực quyền, tập dưỡng sinh.

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X