Hotline 24/7
08983-08983

Tác dụng phụ khi dùng miếng dán chống say tàu, xe

Theo khuyến cáo của bác sĩ, loại miếng dán này chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi.

 
Với những người không đi được ôtô, tàu hỏa hay máy bay thì các loại thuốc chống say, nhất là loại miếng dán chống say là “cứu tinh”.
 
Tuy nhiên, do sử dụng không đúng hướng dẫn cũng như quá lạm dụng loại thuốc này, khiến nhiều người gặp các phản ứng phụ không tốt cho sức khỏe, thậm chí phải nhập viện.

Nhập viện vì dùng thuốc chống say

Vừa qua, BV Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận trường hợp của bé L.T.K.N (7 tuổi - trú tại Đồng Tháp) vì dán quá nhiều miếng dán chống say.
 
Trước đó, N cùng mẹ đi từ Đồng Tháp về TPHCM bằng xe khách. Do sợ con say xe, nên người mẹ đã dán cho N cùng lúc hai miếng thuốc chống ói ở sau tai. Trong suốt hành trình, em N ngủ li bì.
 
Nhưng khi đến thành phố thì N kêu nhức đầu, rồi có biểu hiện rối loạn hành vi, không nhận ra người thân, nói nhảm, la hét, đập phá... Tại bệnh viện, các bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm và theo dõi viêm màng não, nhưng đều có kết quả bình thường.

Trường hợp của bé N không phải là hiếm, bởi rất nhiều người khi đi tàu, ôtô phải sử dụng miếng dán chống say. Nhưng nhiều người khi được hỏi cách sử dụng miếng dán chống say sao cho đúng thì đều không biết. Nếu ra hiệu thuốc hỏi người bán, thì họ cũng chẳng nói rõ cách sử dụng cho thích hợp.

Qua tìm hiểu, một miếng dán chống say thường chứa một lượng scopolamin (chất chống nôn) nhất định sẽ được phóng thích vào cơ thể liên tục trong 72 giờ từ khi dán, với một liều lượng ổn định, giúp ngừa chứng buồn nôn, chóng mặt, đau đầu do bị say tàu, xe.
 
Theo khuyến cáo của bác sĩ, loại miếng dán này chống chỉ định dùng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 8 tuổi, còn với trẻ từ 8 - 15 tuổi thì chỉ được dùng nửa miếng dán.

Không lạm dụng cao dán chống say xe

Đối với trường hợp của em N, các bác sĩ chuyên khoa khẳng định nguyên nhân của các triệu chứng mà em mắc phải là bởi bệnh nhân có phản ứng phụ do dùng miếng dán chống nôn.
 
Nếu dùng quá liều, loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ tác động đến hệ thần kinh, khiến người dùng bị khô miệng, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn hành vi, ảo giác... Do vậy, không được dán cao ở nơi da bị kích thích hay trầy xước, vì như thế sẽ làm tăng sự thẩm thấu qua da của hoạt chất và có thể gây ngộ độc; không được dán lên mắt, niêm mạc, vùng da bị trầy xước, vùng da nổi mụn...
 
Nhiều người thường nghĩ rằng dán miếng chống say càng lâu thì càng không bị say xe. Đây là cách nghĩ sai lầm, bởi mỗi loại miếng dán đều có thời gian chỉ định, vậy không nên dán quá lâu gây quá liều.

Một điểm nữa cần lưu ý là khi bóc miếng dán chống say xe thì cần phải rửa tay cho thật sạch để thuốc không dính vào đồ ăn, uống, nhất là đồ ăn của trẻ để tránh những phản ứng phụ có hại cho sức khỏe.
 
Sau khi dùng, miếng dán không nên vứt bừa bãi, vì lượng thuốc thừa trong miếng dán có thể gây hại cho trẻ em nếu chúng lấy dán vào da.
 
Khi đang dán miếng dán chống say tàu xe mà thấy có triệu chứng bất thường như nhìn mờ, hoa mắt, nhức đầu... thì cần bóc ngay miếng dán ra. Nếu thấy sức khỏe giảm sút, cần tới bác sĩ và để can thiệp kịp thời.

Theo Phi Long - Lao động

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X