Hotline 24/7
08983-08983

Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai

Miếng dán tránh thai là một biện pháp tránh thai mà bạn sẽ sử dụng bằng cách dán ngoài da.

Miếng dán tránh thai giải phóng hormone progestin và estrogen vào trong dòng máu của bạn, có tác dụng ngăn ngừa sự rụng trứng, do vậy sẽ có tác dụng tránh thai. Bên cạnh đó, các hormone này cũng làm dầy lên niêm mạc tử cung, làm cho trứng nếu được thụ thai sẽ khó bám vào làm tổ ở tử cung. Kết hợp hai cơ chế ngừa thai nói trên, miếng dán tránh thai có hiệu quả tránh thai cao.

Miếng dán tránh thai có hình vuông nhỏ. Bạn sẽ phải dán miếng dán tránh thai trong 21 ngày đầu của mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Mỗi tuần, bạn sẽ phải dán một miếng dán mới. Sau 3 tuần dán miếng dán tránh thai, bạn sẽ bỏ dán miếng dán trong vòng 1 tuần. Và đó cũng là tuần bạn có kinh nguyệt. Sau chu kỳ kinh nguyệt, bạn sẽ bắt đầu chu trình mới bằng việc dán miếng dán mới.

Khi lựa chọn biện pháp tránh thai, bạn nên cân nhắc cả lợi ích và các tác dụng phụ có thể xuất hiện của từng biện pháp.

Tác dụng phụ của miếng dán tránh thai là gì?

Cũng giống như đa số các biện pháp tránh thai sử dụng hormone, miếng dán tránh thai có thể gây ra một loạt tác dụng phụ. Đa số các tác dụng phụ đều không nghiêm trọng và chỉ kéo dài trong vòng 2-3 chu kỳ kinh nguyệt bởi cơ thể sẽ học cách thích nghi.

Các tác dụng phụ của miếng dán tránh thai bao gồm:

- Nổi mụn
- Ra máu hoặc đốm xuất huyết giữa các chu kỳ kinh nguyệt
- Tiêu chảy
- Mệt mỏi
- Cảm thấy chóng mặt
- Tích nước
- Đau đầu
- Da bị kích ứng tại vùng dán miếng dán
- Đau bụng kinh
- Thay đổi cảm xúc
- Chuột rút
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Căng tức ngực
- Ra dịch âm đạo
- Nhiễm trùng âm đạo
- Nôn mửa
- Tăng cân

Miếng dán tránh thai cũng gây ra các vấn đề nếu bạn đang dùng kính áp tròng. Hãy đến gặp bác sỹ nếu bạn nhận thấy bất cứ thay đổi nào về thị lực hoặc gặp khó khăn khi đeo kính áp tròng.

Bạn cũng nên đến gặp bác sỹ nếu bạn vẫn gặp phải các tác dụng phụ của miếng dán tránh thai sau 3 tháng.


Có bất cứ nguy cơ nghiêm trọng nào liên quan đến việc dùng miếng dán tránh thai không?

Gần như tất cả các dạng biện pháp tránh thai có chứa estrogen đều có thể làm tăng nguy cơ một số vấn đề về sức khỏe, tuy nhiên những nguy cơ này thường không phổ biến.

Các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể gặp phải của miếng dán tránh thai bao gồm:

- Cục máu đông
- Các bệnh về túi mật
- Nhồi máu cơ tinh
- Tăng huyết áp
- Ung thư gan
- Đột quỵ

Nếu bạn hút thuốc lá hoặc trên 35 tuổi, nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ ở trên sẽ tăng lên.

Bác sỹ có thể sẽ khuyên bạn thử các biện pháp tránh thai khác nếu bạn:

- Có lịch phẫu thuật và có khả năng sẽ bị hạn chế vận động sau phẫu thuật
- Bị vàng da khi mang thai hoặc khi đang dùng thuốc tránh thai.
- Đau nửa đầu có cơn aura
- Có tiền sử tăng huyết áp hoặc đột quỵ
- Chỉ số BMI cao hoặc bị béo phì
- Bị đau ngực hoặc bị nhồi máu cơ tim
- Mắc phải các biến chứng đến tiểu đường liên quan đến mạch máu, thận, thần kinh hoặc thị lực
- Bị ung thư tử cung, ung thư vú hoặc ung thư gan
- Bị bệnh tim hoặc bệnh gan
- Có chu kỳ kinh nguyệt bất thường
- Có tiền sử hình thành cục máu đông
- Đang sử dụng các thuốc kê đơn hoặc không kê đơn, ví dụ như các thực phẩm chức năng thảo mộc bởi chúng có thể tương tác với hormone

Để hạn chế các tác dụng phụ, bạn nên nói với bác sỹ nếu bạn:

- Đang có thai
- Đang sử dụng các thuốc điều trị đông kinh
- Bị trầm cảm
- Bị bệnh da liễu, ví dụ như eczema hoặc vẩy nến
- Bị tiểu đường
- Bị tăng huyết áp
- Bị bệnh thận, gan hoặc bệnh tim mạch
- Gần đây mới sinh con
- Gần đây mới bị sảy thai hoặc phá thai
- Nghĩ rằng bạn có u hoặc có sự thay đổi ở 1 hoặc cả 2 bên vú.

Nếu bạn là một trong số các trường hợp ở trên, các biện pháp tránh thai không chứa hormone có thể sẽ là lựa chọn phù hợp hơn với bạn.

Lưu ý

Ngoài những nguy cơ và phản ứng phụ ở trên, còn có rất nhiều đièu khác bạn cần cân nhắc khi lựa chọn các biện pháp tránh thai. Khi quyết định sử dụng miếng dán tránh thai, bạn nên cân nhắc đến các vấn đề sau:

- Duy trì đều đặn: bạn cần phải đổi miếng dán vào đúng ngày mỗi tuần, trừ tuần bạn có kinh nguyệt. Nếu bạn đổi miếng dán muộn hơn 1 ngày, bạn sẽ cần sử dụng thêm một biện pháp tránh thai khác để dự phòng trong vòng 1 tuần. Dán muộn cũng sẽ khiến bạn gặp phải tình trạng ra máu bất thường hoặc đốm xuất huyết.

- Ham muốn tình dục: miếng dán tránh thai sẽ không gây cản trở gì đến các hoạt động tình dục. Bạn cũng không cần phải dừng sử dụng miếng dán tránh thai khi muốn quan hệ tình dục.

- Lập kế hoạch: miếng dán tránh thai cần 7 ngày để bắt đầu phát huy tác dụng. Trong khoảng thời gian này, bạn cần phải sử dụng thêm một biện pháp tránh thai dự phòng.

- Vị trí dán: bạn cần dán miếng dán tránh thai lên vùng da khô, sạch ở vùng bụng dưới, trên cánh tay hoặc vùng thắt lưng hoặc mông.

- Khả năng dự phòng: Mặc dù miếng dán tránh thai giúp tránh thai, nhưng miếng dán sẽ không bảo vệ bạn khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Kết luận


Miếng dán tránh thai là một biện pháp tránh thai hiệu quả, tiện lợi, thay thế cho việc uóng thuốc hoặc các biện pháp tránh thai khác. Nhưng miếng dán tránh thai cũng đi kèm với một số tác dụng phụ và nguy cơ.

Theo ThS.BS Trần Thu Nguyệt - Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Đối tác AloBacsi

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ

Để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

Đăng ký nhận bản tin sức khoẻ để chủ động bảo vệ bản thân và gia đình

hoàn toàn MIỄN PHÍ

Khám bệnh online

X